Cơ sở ngoại ngữ Alpha ở Q.Bình Thạnh đóng cửa nhiều ngày qua |
Nhân dịp lễ 30-4 và 1-5, cơ sở ngoại ngữ Alpha tại số 24-25 Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh thông báo cho các học viên đang theo học tại đây được nghỉ học từ ngày 24-4 đến 5-5 để sửa chữa các phòng học. Tuy nhiên, 10 ngày sau, khi các học viên đến học theo thời khóa biểu cũ thì bất ngờ thấy cơ sở vẫn cửa đóng then cài và không có một dòng thông báo gì cả.
Bỗng dưng… trường đóng cửa!
Cũng trong thời điểm này, tại hai cơ sở còn lại ở số 45 Vạn Kiếp, P.19, Q.5 và số 107, quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức các học viên cũng hết sức ngạc nhiên vì cũng xảy ra tình trạng “cửa đóng, then gài” như vậy. Sau khi dò hỏi những chủ hộ nhà bên cạnh, mọi người mới biết các cơ sở này đã ngưng hoạt động và trả lại mặt bằng cho chủ cũ. Điều đáng lo ngại của gần 300 học viên là nhiều người vừa đóng học phí xong, mới chỉ học được hai tuần thì gặp tình cảnh trên. Phụ huynh của học viên Trương Thị Quỳnh Nga (ngụ số 24/5/4 phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) cho biết: “Cuối tháng 4 con tôi đăng ký học tiếng Anh tại cơ sở Alpha trên quốc lộ 13 trong thời gian 3 tháng (một tuần học 2 buổi) với học phí là 2.925.000 đồng. Mặc dù học phí cao nhưng tôi khuyên cháu học gần nhà cho thuận tiện. Ai ngờ cháu mới học được 3 tuần kể cả tuần nghỉ lễ thì không hiểu vì sao trường lại đóng cửa”. Đây cũng là thắc mắc chung của mấy trăm học viên đang theo học 3 địa điểm trên thuộc cơ sở ngoại ngữ Alpha.
Sau khi nắm được thông tin, ngày 8-5 Sở GD-ĐT TP.HCM đã cử 3 đoàn công tác gồm đại diện Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng GDTX và Phòng Kế hoạch tài chính xuống kiểm tra lại tình hình thực tế. Một cán bộ Phòng GDTX trao đổi: “Khi đoàn chúng tôi đến cơ sở ngoại ngữ Alpha tại số 45 Vạn Kiếp thì thấy đã đóng cửa mặc dù bảng hiệu vẫn còn. Khi nhìn qua khe cửa thì thấy không còn có đồ đạc gì nữa cả. Ông Huỳnh Đức, một chủ hộ căn nhà bên cạnh cho hay là cơ sở đã trả lại mặt bằng cho chủ nhà. Bà Ngô Kim Quyên, Tổ phó an ninh KP.3 cũng cho biết, trước đó đã có nhiều người đến lấy đồ để xiết nợ kể cả bàn thờ để trong nhà”. Đoàn cán bộ khác đi kiểm tra cũng báo cáo tình trạng như vậy. Tại hai cơ sở còn lại cũng đều đã đóng cửa và trả lại mặt bằng thuê mướn mà không có thông báo gì hết.
Vì sao các địa điểm trên của cơ sở ngoại ngữ Alpha lại bỗng dưng… đóng cửa? Không chỉ phụ huynh và học viên thắc mắc mà những người theo dõi qua thông tin báo chí mấy ngày gần đây cũng rất khó hiểu. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM (đơn vị quản lý chuyên môn của các cơ sở ngoại ngữ văn hóa ngoài giờ), các địa điểm dạy ngoại ngữ trên là 3 trong 6 chi nhánh của Công ty TNHH Tư vấn – đào tạo ngoại ngữ Thái Dương. Công ty này được thành lập vào ngày 22-6-2006 (mã số doanh nghiệp: 0304426086) theo quyết định của Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM do bà Diệp Thị Kim Xuân (ngụ 190/27 Sư Vạn Hạnh, P.9, Q.5) làm Giám đốc. 6 chi nhánh hoạt động của công ty, trong đó có 5 chi nhánh đóng tại TP.HCM (gồm Q.10, Q.6, Bình Thạnh, Thủ Đức) và 1 chi nhánh đóng tại xã Tân Lập thuộc thị xã Dĩ An, Bình Dương cùng đồng loạt đóng cửa trong dịp này. Trong 11 ngành nghề công ty đăng ký thì đào tạo ngoại ngữ – tin học là ngành nghề chính. Cũng giống như các cơ sở ngoại ngữ tin học khác đóng trên địa bàn, Sở GD-ĐT TP.HCM trực tiếp quản lý về mặt chuyên môn, về các hoạt động dạy và học. Tuy nhiên theo hồ sơ còn lưu lại vào ngày 5-4-2012 Công ty TNHH Tư vấn – đào tạo ngoại ngữ Thái Dương (bên A) đã có hợp đồng mua – bán doanh nghiệp cho bên B là ông Trần Tất Trung (ngụ 149 Bàn Cờ, P.3, Q.3, TP.HCM). Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp (có số đăng ký hoạt động 4102040459) cũng đã được ký vào ngày 5-4-2012. Như vậy lý do chính là hai bên vẫn chưa thống nhất về các loại giấy tờ hồ sơ chuyển nhượng như thời gian chịu trách nhiệm pháp lý và các khoản tiền nợ của giáo viên và học viên. Bên mua (bên B) cho rằng hợp đồng chuyển nhượng không có giá trị pháp lý còn bên bán (bên A) thì khẳng định không còn trách nhiệm pháp lý với cơ sở sau khi đã ký hợp đồng chuyển nhượng. Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Trần Tất Trung cho rằng hợp đồng chuyển nhượng từ phía bà Xuân (bên A) không thỏa đáng và chưa có giá trị pháp lý vì mới ký tay. Trong lúc các thủ tục buôn bán chưa hoàn tất thì đã có giấy phép kinh doanh mặc dù ông Trung không ủy quyền cho ai cả. Mặt khác ông Trung khẳng định mình chỉ chịu trách nhiệm pháp lý của cơ sở từ sau ngày 27-4 mà thôi còn trước đó là trách nhiệm phía người bán.
Chính vì thế chưa đầy 1 tháng hoạt động, 3 cơ sở này đã đóng cửa một cách bất ngờ và khó hiểu làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi học viên vì họ đã đóng trước các khoản tiền học phí cho từng khóa học theo yêu cầu của trung tâm.
Giải quyết cách nào?
Để tổng hợp tình hình hoạt động, mức độ vi phạm và thiệt hại do cơ sở ngoại ngữ Alpha gây ra, ngày 8-5 Sở GD-ĐT đã ra thông báo bắt đầu từ ngày 8 đến 10-5 mời học viên và phụ huynh đang theo học đến 3 địa điểm trên nhằm ghi nhận thông tin cụ thể hơn. Sau thời hạn này các học viên của cơ sở Alpha đến số 66-68 liên hệ với Sở GD-ĐT để giải quyết tiếp. Các học viên mang theo bản chính biên lai học phí và biên nhận các khoản thu khác (nếu có) của cơ sở Alpha. Sáng 8-5 sau khi biết thông báo của Sở GD-ĐT TP.HCM, đã có 8 phụ huynh và học viên mang các loại chứng từ đến làm việc với đại diện Phòng GDTX Sở GD-ĐT và Công an phường Hiệp Bình Chánh. Chị Mai (phụ huynh học viên Nguyễn Quang Minh, ngụ 5D, phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) đã đăng ký cho con học trong thời gian 24 tuần, mỗi tuần học 3 buổi với số tiền đã đóng là 3.925.000 đồng, cho biết: “Sau khi học được 1 tuần, nhân viên ở đây yêu cầu tôi đóng thêm một khoản tiền để cho cháu Minh đi dã ngoại và thi kiểm tra. Vì thế tôi đã tìm cách kiếm thêm tiền để đóng cho đủ 2.500.000. Giờ sự việc như vậy thì tôi không biết cho cháu học ở đâu và nếu không được học thì có được bồi hoàn lại số tiền đã đóng hay không, còn khoản tiền đi dã ngoại lại không hề có biên lai hay chứng từ gì cả”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, sở sẽ khắc phục hậu quả do cơ sở ngoại ngữ Alpha gây ra theo hướng tích cực. Trước hết giúp phụ huynh và học viên an tâm và sau đó tạo điều kiện cho các em có chỗ học mới với các khoản học phí hỗ trợ hợp lý. Phương án được đưa ra là can thiệp với trung tâm ngoại ngữ khác đang hoạt động bình thường để gửi các học viên này tiếp tục được theo học bằng chế độ miễn phí. Được biết số học viên đã đóng học phí tại 3 cơ sở này hơn 100 người và số tiền nợ của giáo viên khoảng 50 triệu đồng.
Một cán bộ sở cũng cho biết, hiện nay công an và các ngành chức năng đã bắt đầu làm việc để tìm ra người chịu trách nhiệm và những cá nhân liên đới tới sự việc bất thường này.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)