Cùng với sự phát triển chung của TP.HCM, khoảng 5 năm trở lại đây, giao thông cũng đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Các công trình giao thông trọng điểm chuyển tiếp từ những năm trước và hàng loạt dự án được khởi công mới, thể hiện rõ sự quyết tâm của chính quyền TP.
Cầu Thủ Thiêm 2
TS. Trần Du Lịch (chuyên gia kinh tế) khẳng định, hạ tầng giao thông là “mạch máu” của nền kinh tế, đầu tư xây dựng giao thông không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo của một TP năng động, sáng tạo.
Cầu vượt có thang máy đầu tiên tại TP.HCM vừa đưa vào sử dụng ngày 5-6-2020
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (BQLDA), riêng trong quý 1-2020, ngoài triển khai 70 gói thầu thuộc 35 dự án chuyển tiếp từ những năm trước, BQLDA cũng đã khởi công 10 dự án mới.
Trong đó, các dự án mà nhiều năm nay người dân TP, doanh nghiệp vận tải mong đợi như: cầu thép An Phú Đông, nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2); xây dựng hạ tầng 9 lô đất – Thủ Thiêm; xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 (thuộc dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 2); Hệ thống hầm, cầu trước Bến xe Miền Đông mới (Q.9)…
Thi công hầm, cầu vượt khu vực Bến xe Miền Đông mới
Ông Lương Minh Phúc (Giám đốc BQLDA) cho biết, 3 dự án lớn là nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2; nhánh hầm còn lại của nút giao thông An Sương; cầu thép An Phú Đông dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
“Hiện BQLDA đang chuẩn bị hồ sơ trình HĐND TP trong thời gian tới các công trình trọng điểm như xây dựng cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; dự án giải quyết các điểm nóng giao thông tại khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Cát Lái…”, ông Phúc thông tin thêm.
Một đoạn tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên)
Bà Nguyễn Thị Huệ (P.An Phú Đông, Q.12) chia sẻ, hay tin TP dự kiến khánh thành cầu An Phú Đông trong năm nay, chúng tôi rất vui. Bao năm, người dân hai quận Gò Vấp và Q.12 quá cám cảnh qua sông lụy đò, lo nhất là những ngày mưa gió, tai nạn rình rập.
Nhiều năm nay, nút giao thông An Sương là một trong những điểm nóng giao thông của TP. Người dân kỳ vọng, nhánh hầm còn lại của nút giao thông này hoàn thiện sẽ làm giảm áp lực giao thông thuộc cửa ngõ Tây Bắc.
Ngày 5-6 vừa qua, Trung tâm Quản lý hạ tầng đường bộ TP.HCM và Bệnh viện Ung bướu TP đã khánh thành và đưa vào sử dụng cầu bộ hành có thang máy đầu tiên tại TP. Cầu bộ hành này có chiều dài 22m, rộng 3m, bên trên có mái che phù hợp với nhu cầu sử dụng phục vụ bệnh nhân, di chuyển băng ca giữa hai cơ sở của bệnh viện này.
Một trong những công trình giao thông góp phần làm thay đổi diện mạo của TP là tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Đến thời điểm này, các hạng mục cũng đang vào giai đoạn hoàn tất và dự kiến đưa vào hoạt động, phục vụ người dân vào cuối năm 2021.
Công nhân đang gấp rút hoàn thành tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên)
Mặc dù vỡ tiến độ trước đó do nhiều lý do khách quan nhưng đến thời điểm này, công trình cầu Thủ Thiêm 2 cũng đang gấp rút để kịp “về đích” vào cuối năm nay. Đây là công trình nối khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2) với trung tâm TP, có chiều dài 1,4km, trong đó phần cầu dài 885,7m, quy mô 6 làn xe. Cầu được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có kiến trúc cầu rồng, cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm.
Hiện UBND TP.HCM cùng các sở ngành nỗ lực thực hiện các thủ tục, giải quyết vướng mắc để khởi công tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) vào tháng 10 tới. Ông Phúc kỳ vọng, với việc tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, trong 5 năm tới, tình hình giao thông TP sẽ cải thiện đáng kể.
Hiện tại, đơn vị thi công cũng đang gấp rút hoàn thành các hạng mục công trình hầm, cầu vượt, các công trình giao thông kết nối xung quanh Bến xe Miền Đông mới (Q.9) để sớm đưa vào hoạt động.
Anh Trần
Bình luận (0)