Các công ty Mỹ đang bắt đầu gặp khó khăn, thậm chí phải gánh lỗ do tác động từ việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Reuters đưa tin ngày 20.7.
Trung Quốc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, từ lâu được xem là một thị trường béo bở cho các tập đoàn hàng đầu của Mỹ.
Tuy nhiên, nền kinh tế từng có tốc độ tăng trưởng đạt hai con số này giờ chỉ còn đạt mức tăng trưởng 7,5%, với thị trường tín dụng đang bị khủng hoảng và "bong bóng nhà đất" vẫn chưa có dấu hiệu… xẹp.
Các cao ốc tọa lạc tại một quận trung tâm ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) – Ảnh: Reuters |
“Tác động từ việc kinh tế Trung Quốc suy yếu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn vì mức độ đầu tư vào Trung Quốc của các công ty Mỹ đã tăng rất cao từ những năm qua”, ông Robbert van Batenburg, Giám đốc chiến lược thị trường của quỹ đầu tư Newedge (Pháp), nói với Reuters.
Những lo ngại này cũng đã khiến nhiều nhà kinh doanh giảm danh mục đầu tư vào các thị trường mới nổi trên toàn cầu của họ xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua, theo khảo sát của tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ Merrill Lynch.
Hôm 18.7, nhà đầu tư tài chính nổi tiếng người Mỹ Jim Chanos thông báo đã bán bớt cổ phần trong tập đoàn xây dựng Caterpillar (Mỹ).
Ông Chanos nhận xét rằng Caterpillar đã “dính vào những sản phẩm sai lầm tại một thời điểm sai lầm của chu kỳ kinh doanh”. Nhà đầu tư này từ lâu đã dự đoán rằng kinh tế Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng.
Caterpillar mặc dù đã thiết lập 23 nhà máy và bốn trung tâm nghiên cứu phát triển tại Trung Quốc, nhưng chỉ có 3% tổng số doanh thu của Caterpillar trong ba tháng đầu năm 2012 đến từ Trung Quốc, tờ Wall Street Journal (Mỹ) tiết lộ.
Khoảng 25% doanh số của Caterpillar đến từ châu Á – Thái Bình Dương.
“Trung Quốc đã cố thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Điều này đã gây ra lạm phát và một cơn khủng hoảng tín dụng lớn”, Reuters dẫn lời ông Omar Aguilar, Giám đốc đầu tư chứng khoán tại Công ty tài chính Charles Schwab (Mỹ).
“Tôi nghĩ có rất nhiều người đã đánh giá thấp tác động đến từ kinh tế Trung Quốc và Brazil. Giờ họ đang phải thu hẹp hoạt động”, ông Aguilar nói.
Yum Brands (Mỹ), nhà điều hành chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC và Taco Bell, thông báo doanh thu bán hàng của KFC tại Trung Quốc, một thị trường cực kỳ quan trọng của Yum, đã giảm liên tục từ tháng 12.2012.
Được biết, gần 51% doanh thu của Yum đến từ Trung Quốc, tăng từ mức 34% hai năm trước đó.
Tương tự, khoảng 16% doanh thu của Intel đến từ Trung Quốc. Tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ này cũng đã cắt giảm mục tiêu doanh thu cả năm và cho biết đang siết lại chi phí để đối phó với sự suy yếu về doanh số bán máy tính và suy thoái kinh tê tại Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm nếu ngân hàng trung ương nước này không bơm tiền vào hệ thống tài chính.
Societe Generale (Pháp), ngân hàng lớn thứ 8 của châu Âu, vừa đưa ra dự đoán rằng tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chỉ ở mức từ 4 đến 5% vào cuối năm 2020.
Theo TNO
Bình luận (0)