Việc có nhiều cuộc thi nhảy gần đây là tín hiệu đáng mừng, giúp cộng đồng yêu thích vũ đạo có sân chơi hấp dẫn, bổ ích. Tuy nhiên, độ bền của các cuộc thi nhảy vẫn là một dấu hỏi khi mà nhiều sân chơi khác từng hấp dẫn nhưng đã nhanh chóng dừng.
Khát sân chơi vũ đạo
Chia sẻ với chúng tôi, vũ công Gia Linh – sinh năm 1997, Trưởng nhóm nhảy FED Crew ở TP Hà Nội – cho biết, thành viên các nhóm nhảy mới thành lập vài năm luôn muốn có sân chơi để cọ xát. Từ những lần thi đấu này, chuyên môn của họ sẽ được nâng lên, tên tuổi của nhóm cũng được chú ý.
Theo Gia Linh, cơ hội dự thi của các nhóm nhảy mới không nhiều do họ chưa được ban tổ chức biết đến. Trước khi nộp đơn tham gia Nữ hoàng vũ đạo đường phố (tựa gốc: Street woman fighter) – chương trình truyền hình thực tế được Việt Nam mua lại bản quyền của Hàn Quốc, lên sóng từ ngày 27/7 trên HTV7 – nhóm FED Crew đã phải liên tục tìm kiếm, tham dự một số cuộc thi.
Cuộc thi Dalat best dance crew 2024 tuyển chọn các nhóm nhảy từ một số trường đại học. Ảnh do ban tổ chức cung cấp
Các cuộc thi nhảy trên truyền hình nở rộ trong 5 năm trở lại đây. Ngoài Nhóm nhảy siêu Việt – Vietnam’s best dance crew, còn có Sàn đấu vũ đạo, Street dance Việt Nam – Đây chính là nhảy đường phố… Bên cạnh đó, các cuộc thi thường niên, không ghi hình, phát sóng như Hanoi stars dance festival hay Dalat best dance crew cũng thu hút được đông đảo giới trẻ, các nhóm nhảy chuyên nghiệp tham dự.
Biên đạo Huỳnh Mến nói, cô rất vui khi vài năm trở lại đây, vũ đạo đã được khán giả Việt quan tâm. Từng nhiều năm làm giám khảo cho cuộc thi nhảy Dalat best dance crew, Huỳnh Mến mong sân chơi nhảy múa là cơ hội để các vũ công tạo được ấn tượng đặc biệt với khán giả: “Biết đâu chừng trong tương lai, các dancer cũng trở thành thần tượng của hàng ngàn khán giả, có thù lao xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chất lượng nhảy múa cũng phải được nâng tầm”.
Khó duy trì lâu dài
Khi quyết định lấy các cuộc thi nhảy làm chương trình truyền hình thực tế, các nhà sản xuất phải cân nhắc nhiều yếu tố. Chương trình phải hay để khán giả không chuyển kênh, phải lồng ghép quảng cáo cho khéo léo để làm hài lòng chủ các nhãn hàng tài trợ, các phụ phẩm xung quanh nội dung phát trên truyền hình cũng phải hấp dẫn để có đông lượt xem, quảng bá tốt tên chương trình trên các nền tảng mạng xã hội.
Một nhà sản xuất cho biết, họ đối diện với nhiều áp lực khi thực hiện trò chơi truyền hình (game show) về vũ đạo, một phần là do các nhóm nhảy dù tài năng nhưng không nổi tiếng nên sự thu hút không cao. Trong lĩnh vực truyền hình, game show nào thiếu người nổi tiếng thì khó đủ sức giữ chân người xem.
Cuộc thi Dalat Best Dance Crew 2024 tuyển chọn các nhóm nhảy từ một số trường đại học. Ảnh: BTC
Các biên đạo nhảy, múa nổi tiếng của Việt Nam như Nguyễn Viết Thành, Chu Quỳnh Trang, Việt Max, Huỳnh Mến, Quang Đăng… đều muốn duy trì các cuộc thi nhảy trên truyền hình để các tài năng được “bước ra ánh sáng” giống như nhạc rap Việt được tôn vinh vài năm qua. Nhưng những cuộc thi uy tín, từng tạo nên hiện tượng như Thử thách cùng bước nhảy – So you think you can dance cũng phải dừng sau 5 mùa giải; Sàn đấu vũ đạo hay Street dance Việt Nam – Đây chính là nhảy đường phố cũng chưa có dấu hiệu chuẩn bị mùa giải mới.
Chia sẻ với báo chí, Diệp Lâm Anh – cựu trưởng nhóm nhảy hip hop Big Toe từng thi đấu tại các giải hip hop trong và ngoài nước – cho biết, hiện vũ công tài năng rất nhiều nhưng thiếu sân chơi tầm cỡ trong nước để họ tỏa sáng. Theo cô, nếu các nhóm nhảy có được môi trường tốt để thể hiện tài năng, công chúng sẽ biết đến họ nhiều hơn và vũ công cũng nhờ đó mà có được thù lao tương xứng.
Vũ công Gia Linh cho biết, khi tham gia Nữ hoàng vũ đạo đường phố, nếu nhóm được vào tới vòng cuối cùng, thời gian dự kiến quay hình sẽ kéo dài đến tháng 10/2024. Hiện tại, các thành viên đều “rất nghèo, sống bằng tiền tiết kiệm do không có công việc”. Lần thi đấu này của nhóm như cuộc đánh cược cho sự thành bại bởi nó ngốn nhiều thời gian và công sức nhất. Nhóm xác định sẽ “chiến đấu hết mình” để tạo nên kỷ niệm đẹp cho các thành viên và tạo ấn tượng tốt với khán giả.
Có thể xem lúc này là giai đoạn nở rộ của các cuộc thi nhảy, kể cả trên truyền hình lẫn các giải thường niên, phong trào. Đây là tín hiệu đáng mừng cho loại hình nghệ thuật vốn thiếu sân chơi, ít được chú ý. Dù vậy, trước những thách thức về kinh phí, chất lượng tổ chức và nhiều yếu tố khác, việc duy trì lâu dài các hoạt động này vẫn là bài toán khó.
Theo Diễm Mi/PNO
Bình luận (0)