Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Các đại thụ lên tiếng về đổi mới giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Cần phải đề cao giáo dục đại học, ưu đãi nhà giáo, xây dựng cá tính cho học sinh… là ý tưởng của các giáo sư hàng đầu Việt Nam tại buổi góp ý dự thảo Chiến lược giáo dục, ngày 19/12.

GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội): "Chúng ta đang xếp nhầm lớp cho các cháu".

 

GS Vũ Dương Ninh. Ảnh: Tiến Dũng.

Điều xã hội băn khoăn chính là giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới. Điều đó bộc lộ chính từ nguồn nhân lực bởi chúng ta chưa có con người tương xứng được với yêu cầu đó.

Dự thảo chiến lược chuẩn bị hết sức công phu, đưa ra nhiều vấn đề nhưng quá dàn trải, cái gì cũng muốn làm. Chiến lược thì phải tìm được một vài điểm quyết định và từ đó vạch ra những kế hoạch. Còn ở đây, tôi thấy vẫn đang lẫn lộn và có lẽ phải cấu trúc lại.

Từ nay đến năm 2020 không còn xa nhưng là quãng thời gian đủ để xoay chuyển nếu chúng ta xác định được hướng đi đúng. Nếu không, có thể đến năm 2020 chúng ta đều hoàn thành các mục tiêu nhưng không mục tiêu nào làm đến nơi đến chốn. Ba năm đầu, theo tôi nên tập trung chấn chỉnh cái chúng ta đang có, xã hội đang quan tâm bởi bản chất của giáo dục là không dối trá.

Tôi thấy cũng cần phải nhấn mạnh tới đội ngũ quản lý giáo dục bởi không phải tất cả mọi việc thầy cô đều có thể làm được. Chúng ta nói trẻ ngồi nhầm lớp nhưng thật ra chúng ta xếp nhầm lớp cho các cháu. Nhiều thầy cô rất băn khoăn, trăn trở về việc xếp nhầm lớp cho trẻ nhưng do chỉ đạo của Ban giám hiệu về tỷ lệ học sinh lên lớp, còn Ban giám hiệu lại chịu sự chỉ đạo của Phòng, Sở….

GS. TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam: "Chất lượng giáo dục đại học phải là mục tiêu số một".

GS. TS Phạm Tất Dong. Ảnh: Tiến Dũng.

Tôi vừa đọc công văn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ dừng chiến lược này lại để làm cải cách giáo dục. Nhưng tôi nghĩ rằng, chiến lược giáo dục và cải cách giáo dục phải phối hợp chặt chẽ, không chỉ làm một thứ. Nếu làm cải cách thì 10 năm cũng là rất vội.

Làm chiến lược không được tham, chỉ chú ý một số mục tiêu. Tôi cực kỳ quan tâm đến chất lượng giáo dục đại học và cho đó là mục tiêu số một. Chất lượng đại học hiện nay rất quan trọng. Năng lực cạnh tranh xuất phát từ đào tạo đại học chứ không phải từ bậc tiểu học. Thế giới cảnh báo, nếu chỉ đào tạo đến trung học thì sẽ thất nghiệp nhiều. Tôi quan niệm đào tạo đại học không phải là đào tạo thầy mà đó là lao động có tri thức. Cho nên phải chú ý nhiều tới thực hành ở đại học.

Ở Việt Nam, dạy nghề ngắn hạn có vai trò quan trọng. Nhu cầu số một của người lao động là học nghề. Đây trước hết là xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Học nghề là vừa học công nghệ, vừa có thêm kiến thức phổ thông. Do vậy, không nên coi nhẹ học nghề ngắn hạn.

GS Nguyễn Hữu Tăng, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam: "Sản phẩm giáo dục là hàng hóa đặc biệt".

GS Nguyễn Hữu Tăng. Ảnh: Tiến Dũng.

Khi vào kinh tế thị trường, sản phẩm giáo dục là loại hàng đặc biệt. Do đào tạo con người nên hàng hóa tốt hay xấu không thể biết ngay được mà phải sau 5-10 năm. Hàng hóa khác hỏng có thể đổi nhưng giáo dục mà hỏng thì không thể thay được. Do vậy, không thể để tình trạng thao túng trong giáo dục.

Tiêu chuẩn đối với nhà giáo cũng phải khác hơn và muốn vậy thì chúng ta cũng phải đối xử với thầy cô khác hơn. Còn nếu mãi để như hiện nay thì nhà giáo buộc phải làm thêm các công việc khác. Tôi rất hoan nghênh việc Bộ tạo điều kiện cho xã hội đóng góp.

Chúng ta thiếu việc giáo dục cá tính cho học sinh. Như vậy, sau này các em mới sáng tạo tốt. Trường giờ không dân chủ không được. Nếu để như cũ, hiệu trưởng áp đặt thì không nên.

GS Nguyễn Mậu Bành, Phó chủ tịch Hội cựu giáo chức: "Chiến lược giáo dục này hơi lãng mạn".

Ông Nguyễn Mậu Bành. Ảnh: Tiến Dũng.

Dự thảo đưa ra chỉ tiêu về số lượng nhưng hơi lãng mạn, chưa dựa vào cơ sở thực tế. Có lẽ cần phải ước lượng công việc cần làm. Nếu chỉ tiêu 450 sinh viên trên một vạn dân, khi đó chúng ta sẽ có 4,5 triệu sinh viên. Vậy thì phải có bao nhiêu giáo viên, bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ? Trong 12 năm chúng ta có kịp đào tạo như vậy không?…

Trong tam giác 3 đỉnh thì Bộ mới chỉ nêu ra 2 đỉnh là giáo viên và đổi mới công tác quản lý còn điều kiện thực hiện là tài chính thì chưa có. Nếu không đủ tài chính thì phải lùi chỉ tiêu.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sắp tới sẽ bổ sung bộ số liệu minh họa của một số nhận định trong chiến lược, lý giải việc chọn các đột phá, làm rõ nhu cầu tài chính cũng như đưa dự thảo chiến lược lên mạng Internet để xin ý kiến tham khảo của học sinh, phụ huynh cũng như xã hội. Sau 2 tháng, Bộ sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự thảo.

Tiến Dũng (VnExpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)