Theo Bộ GD-ĐT, địa bàn có cấp độ dịch Covid-19 ở mức độ 1 và 2 cần tổ chức cho học sinh học trực tiếp; cấp độ 3 có thể kết hợp cả 2 hình thức… Vậy, các địa phương nói gì về hướng dẫn này?
Ngày 19.10, sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 4726 gửi UBND các tỉnh, TP về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếptại các cơ sở giáo dục.
Học sinh tỉnh Bắc Ninh đến trường học trực tiếp. B.B.N
Địa bàn ở cấp độ 3 kết hợp dạy trực tiếp, trực tuyến
Chỉ có 23 tỉnh, thành cho 100% học Sinh đến trường Đến ngày 19.10, những địa phương công bố dịch ở cấp độ 1 gồm: Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Nai, Bến Tre, Bình Thuận, Sóc Trăng, Hà Nội. Các địa phương công bố dịch ở cấp độ 2 gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Trị, Đắk Lắk, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long. Tuy nhiên, chỉ có 23 tỉnh, thành cho 100% HS đến trường là Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Quảng Ninh. Như vậy, nhiều địa phương dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 vẫn chưa cho HS đi học. |
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, TP khẩn trương chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh (HS) đến lớp học trực tiếp, đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục; ưu tiên tiêm đủ liều vắc xin cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ. Các trường học được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung cần sẵn sàng đón HS đi học trở lại…
Văn bản của Bộ nêu: “Căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp xã, huyện, tỉnh để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp, theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho HS trở lại trường”.
Trong đó, đối với các địa bàn cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình), tổ chức dạy học trực tiếp; sẵn sàng chuyển sang các hình thức khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đối với các địa bàn cấp độ 3 (nguy cơ cao), tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Đối với địa bàn cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), Bộ GD-ĐT đề nghị địa phương quyết định tổ chức hình thức cho nghỉ học, hoặc dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học… Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, HS học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp; phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn HS học trực tuyến, học qua truyền hình; có phương án chuyển tài liệu học tập đến những HS còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.
UBND các tỉnh, TP hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 hoạt động đào tạo trực tiếp nếu bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Ở những địa bàn cấp độ 3, cấp độ 4 thì tổ chức dạy học trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến tùy theo phương án được UBND cấp tỉnh chấp thuận.
Công văn kèm theo 2 phụ lục hướng dẫn cụ thể về yêu cầu đối với cơ sở giáo dục trước khi đến trường, khi HS đến trường, khi HS kết thúc buổi học.
Địa phương cấp độ 1, 2 chưa cho học sinh đi học nói gì ?
Sáng 19.10, Sở Y tế Hà Nội công bố: Tổng số xã phường cấp độ 1 (vùng màu xanh) của TP là 343. Tổng số xã, phường cấp độ 2 (vùng màu vàng) là 236. Tổng số xã, phường vùng 3 và vùng 4 là 0. Như vậy, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì Hà Nội có 100% số xã, phường đủ điều kiện cho HS đi học trực tiếp.
Hôm nay những học sinh đầu tiên của TP.HCM đi học trực tiếp Chiều 19.10, TP.HCM đã chính thức quyết định cho HS 2 trường tiểu học và THCS-THPT tại xã Thạnh An, H.Cần Giờ đến trường học trực tiếp vào sáng nay 20.10. Như vậy, khoảng 250 HS và 67 giáo viên, nhân viên của Trường tiểu học Thạnh An cùng Trường THCS-THPT Thạnh An là những HS, giáo viên đầu tiên của TP.HCM trở lại trường học trực tiếp sau thời gian ngừng đến trường vì dịch Covid-19. Để tổ chức thí điểm cho những HS lớp 1, 2 và lớp 6, 9, 12 đến trường học trực tiếp thì H.Cần Giờ và 2 trường đã xây dựng phương án mở cửa trường học với sự hỗ trợ, góp ý và kiểm tra về công tác phòng chống dịch Covid-19 từ Sở Y tế, Sở GD-ĐT… Qua khảo sát, trên 94% phụ huynh HS đồng ý cho con em trở lại trường học trực tiếp. Số phụ huynh không đồng ý do chưa yên tâm về dịch bệnh và HS chưa được tiêm vắc xin, sẽ tiếp tục học trực tuyến. Bích Thanh |
Trao đổi với PV, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sau khi có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở sẽ xây dựng phương án cho HS trở lại trường để trình UBND TP. Ông Tiến cũng cho hay Sở GD-ĐT rất mong HS trở lại trường, nơi nào an toàn, nơi đó HS được đến trường.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, tỷ lệ đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 của cán bộ, giáo viên, nhân viên trên toàn TP đạt trên 95,5% (tiêm mũi 2 đạt 60%). Sở GD-ĐT đã xây dựng xong dự thảo hướng dẫn về công tác phòng chống dịch Covid-19 khi HS quay trở lại trường học trong điều kiện bình thường mới.
Học sinh Hà Nội hiện vẫn đang học trực tuyến. NGỌC THẮNG
Tỉnh Hưng Yên đến thời điểm này dù đợt dịch thứ 4 không có các ca bệnh và ổ dịch trong cộng đồng, nhưng Sở Y tế tỉnh đánh giá mức độ dịch của toàn tỉnh ở cấp độ 2, do tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp. Đây cũng là tỉnh chưa cho HS học trực tiếp từ đầu năm học đến nay (trừ lớp 1).
Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, cho biết sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và chờ chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh, Sở sẽ xây dựng phương án cho HS trở lại trường theo cấp xã, huyện chứ không áp dụng đồng loạt trên toàn tỉnh. “Tinh thần là ngay trong tháng 10, địa bàn nào, trường học nào đảm bảo an toàn, giáo viên được tiêm vắc xin nhiều sẽ tổ chức dạy học trực tiếp”, ông Phê khẳng định.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sau khi Bộ ban hành hướng dẫn, các địa phương nên căn cứ vào đó để thực hiện thống nhất, tránh trường hợp mỗi nơi đặt ra một quy định khác nhau.
Theo tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khi chiến lược phòng chống dịch đã chuyển sang giai đoạn mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, có nhiều vấn đề được đặt ra. Trong đó, mở cửa lại trường học an toàn và sớm nhất có thể hiện là vấn đề quan tâm nhất của toàn xã hội. Vì vậy, khi Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn thì đây là căn cứ thống nhất để UBND các tỉnh, TP ra quyết định mở cửa lại trường học…
Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến góp ý cùng với việc bảo đảm an toàn khi mở lại cửa trường học, cần có chính sách khắc phục ngay khoảng cách học tập từ hai góc độ. Một là, nhận dạng và đánh giá sự thiếu hụt học tập trong HS, sinh viên để có giải pháp khắc phục ngay khi HS quay lại trường, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương. Hai là, lường trước số lượng và tỷ lệ HS bỏ học do Covid-19 để có giải pháp thiết thực khuyến khích các em quay lại trường.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)