Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Các doanh nghiệp Đồng Nai “khát” lao động phổ thông

Tạp Chí Giáo Dục

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xuất hiện dày đặc những băngrôn thông báo tuyển dụng công nhân lao động với thu nhập từ 3,5-6 triệu đồng/tháng cộng với nhiều ưu đãi khác.

Có nhiều doanh nghiệp thông báo tuyển lao động với số lượng hàng trăm công nhân, tuy nhiên số người tìm việc lại rất ít, doanh nghiệp vì thế vẫn “khát” lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.

Theo thông báo của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cao su Kenda (Khu công nghiệp Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), dịp này cần tuyển 200 lao động phổ thông với thu nhập mỗi tháng từ 4,5-5,5 triệu đồng cùng với nhiều phụ cấp khác.

Dù đưa ra mức lương hấp dẫn và nhiều khoản phụ cấp nhưng đại diện Công ty Kenda cho biết số lao động đến nộp hồ sơ vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu của doanh nghiệp.

Còn Công ty điện tử Việt Tường (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cũng đang cần tuyển một lượng lớn lao động làm việc tại xưởng sản xuất với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Để thu hút lao động doanh nghiệp này cam kết tạo cho họ môi trường làm việc hiện đại, thân thiện. Những người mới tốt nghiệp bậc tiểu học vẫn được công ty nhận vào làm việc, trong quá trình làm việc, người lao động tiếp tục được công ty đào tạo nghề miễn phí.

“Khát” lao động phổ thông nhất sau Tết Nguyên đán là các công ty chuyên ngành may mặc, đóng dày. Những đơn vị như Công ty trách nhiệm hữu hạn may Pierich (Khu công nghiệp Hố Nai 3), Công ty Asia Garment Manufacture Việt Nam (Khu công nghiệp Amata)… đều thông báo tuyển công nhân không cần kinh nghiệm với số lượng không hạn chế, thu nhập từ 4 đến hơn 6 triệu đồng/tháng.

Theo lãnh đạo các công ty, việc doanh nghiệp tuyển nhiều lao động sau Tết Giáp Ngọ 2014 một phần để bù đắp số công nhân nghỉ Tết nhưng không quay lại làm việc, tuy nhiên số này chỉ trên dưới 10 lao động.

Nguyên nhân chủ yếu là kinh tế đang phục hồi, công ty mở rộng sản xuất; các đơn hàng đã ký từ quý 4/2013 nhưng đến cuối quý 1/2014 hàng mới xuất.

Trong khoảng thời gian này ở Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, sản xuất của doanh nghiệp bị ngưng so với tiến trình chung. Để kịp giao hàng cho đối tác công ty bắt buộc phải tuyển thêm lao động, đẩy mạnh sản xuất.

Dù rộng cửa “đón” lao động song hiện nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai vẫn trong tình trạng thiếu hụt bởi đa số lao động nhập cư những năm gần đây không còn tâm lý “nhảy” việc.

Người lao động đã nhận ra thu nhập giữa các công ty chênh nhau không đáng kể nếu họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, mức lương và các khoản trợ cấp khác ngày càng được nâng lên, ổn định cuộc sống. Trong hoàn cảnh này, doanh nghiệp đành trông chờ vào số lao động nhập cư mới.

Lao động nhập cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào Đồng Nai trong vài năm trở lại đây theo đánh giá của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đang dần giảm xuống, thậm chí đang có xu hướng lao động di cư ngược từ Đồng Nai ra phía Bắc. Tình trạng này xảy ra là do nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung đã hình thành các khu công nghiệp, lao động muốn trở về làm việc gần nhà.

Ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở đánh giá hiện gần 100% công nhân tại Đồng Nai đã trở lại làm việc sau Tết nhưng nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai vẫn đang đối mặt với bài toán thiếu lao động phổ thông.

Để giải bài toán trên một số công ty ở Khu công nghiệp Sông Mây, Khu công nghiệp Bàu Xéo (thuộc huyện Trảng Bom) đã về các huyện miền núi của tỉnh Đồng Nai như Tân Phú, Định Quán để tuyển lao động, cho xe đưa đón số công nhân này đi làm hàng ngày.

Cũng theo ông Tín, năm 2014, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ tuyển mới khoảng 55.000 lao động (riêng tháng 2-3/2014 cần tuyển gần 20.000 lao động), 90% trong số này là lao động phổ thông và lao động đã qua đào tạo nghề.

Về nguồn cung, năm nay tỉnh Đồng Nai sẽ cung cấp cho thị trường lao động khoảng 35.000 người, doanh nghiệp vì thế vẫn cần tuyển nhiều lao động nhập cư.

Ông Tín cho biết: “Để giữ chân, thu hút lao động các doanh nghiệp cần cải thiện hơn nữa điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho công nhân. Doanh nghiệp cũng cần chú ý chăm lo đời sống tinh thần của người lao động. Thực tế cho thấy, nhiều công ty ở Đồng Nai dù có hàng chục nghìn lao động nhưng sau Tết Giáp Ngọ 2014, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc đạt gần 100%, lao động gắn bó với doanh nghiệp là vì thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt và được chủ sử dụng lao động quan tâm”./.

Công Phong

(TTXVN)

Bình luận (0)