Cầu thủ Việt Nam giờ không còn nghèo nữa. Những cái giá chuyển nhượng bạc tỷ xuất hiện ngày càng nhiều. Điều đó có nghĩa, các đội bóng đã hiểu rõ hơn giá trị của nội binh. Tuy nhiên, có vẻ như nhận thức tích cực của “người sử dụng lao động” đang bị lạm dụng. Hiện tại, rất nhiều cầu thủ chỉ mong hết hợp đồng với CLB chủ quản để sớm được “hét giá”. Đáng nói ở chỗ, mức phí mà họ đưa ra khiến đội bóng có ý định chiêu mộ choáng váng… Hơn thế, tình trạng này đang khiến các đội bóng nghèo lâm vào tình trạng kiệt quệ nhân lực.
Lỗi không khởi nguồn từ cầu thủ
Trước tiên, cần phải khẳng định một điều: các cầu thủ không biết “hét giá” là gì, nếu không có ai “mở đường” cho họ. Ở đây, người tạo ra tiền lệ chính là các đội bóng, vì thói quen thích rút ruột lẫn nhau.
Sâu xa hơn, vì lỗ hổng đào tạo quá lớn, nên các đội bóng buộc phải sử dụng chiêu thức lôi kéo thuộc hệ “võ mèo” để đáp ứng nhu cầu “mì ăn liền”. Họ tận dụng mọi khe hở trong hợp đồng giữa cầu thủ họ muốn lôi kéo với CLB chủ quản hoặc nhờ các mối quan hệ hậu trường để tác động. Và khi tiếp xúc, đương nhiên Tiền là phương tiện giao dịch hữu hiệu nhất. Ngoài mức lương cao, họ còn ưu đãi cho “ngôi sao mới” một khoản tiền lót tay đủ để hoàn tất hợp đồng theo cách nhanh nhất. Tréo ngoe ở chỗ, các cầu thủ có chuyên môn tốt “hét giá” đã đành. Nhưng ngay cả những gương mặt vô danh, hiếm khi xuất hiện trong bộ nhớ NHM cũng đòi đãi ngộ ở mức “hàng khủng”.
Chính thói quen “đi đêm”, ưa dùng hàng có sẵn và hiếm khi chịu chờ đợi “quả chín” từ công tác đào tạo, nên các CLB nhanh chóng chấp nhận phương án ăn sổi. Từ thực tế đáng buồn đó, họ vô tình tạo ra kẽ hở để các cầu thủ bắt chẹt lại như hiện nay. Đội bóng giàu thì khổ vì phải tìm…. cách tiêu tiền sao cho hợp lý. Đội bóng nghèo thì cuống quýt lo giữ quân và “vểnh tai” cảnh giác với cám dỗ từ mọi phía. Nói không quá, BĐVN đang phải sống chung với thực – ảo lẫn lộn, trong đó, các CLB vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân.
“Tấm gương” xứ Nghệ
Khoảng chục năm trở lại đây, đội bóng bên bờ sông Lam nổi lên như một trong những lò đào tạo nổi tiếng nhất Việt Nam. Hàng loạt chức vô địch ở các giải U lớn – nhỏ giúp họ trở thành thương hiệu có uy tín trong việc “cung cấp nhân lực” cho sân cỏ.
Vài năm trước, “lính” Sông Lam có mặt khắp mọi nơi, khắp các hạng đấu. Lực lượng cầu thủ xứ Nghệ dư thừa đến nỗi, đội 1 TCDK.SLNA cũng bị cuốn theo xu hướng dùng cầu thủ theo mùa. Tuy nhiên, khi sức mạnh đồng tiền ngày càng thao túng sân cỏ quốc nội, Sông Lam lập tức trở thành cái mỏ để “toàn dân” khai thác. Giờ, khi cái mỏ ấy không còn hàng chất lượng, TCDK.SLNA nhanh chóng lâm vào thế bí. Các cầu thủ dùng được nhanh “chân chạy khỏi cái nghèo” với những bản hợp đồng cỡ vừa. Ngôi sao gắn mác Tuyển thì tìm bến đỗ tiền Tỷ. Trong khi đó, công tác đào tạo thì không phải lúc nào cũng cho ra lò sản phẩm tốt. Hơn nữa, trên thị trường đầy biến động như hiện nay, ngay cả những vụ lúa non của xứ Nghệ cũng bị “ám mùi” tiền. Họ sẵn sàng ra đi hoặc ký hợp đồng theo kiểu ghi nhớ cho đội bóng nào chi mạnh hơn, bất chấp tương lai về nghề chưa được đảm bảo chắc chắn.
Mùa giải vừa rồi, không ít lần TCDK.SLNA lâm vào cảnh khóc dở, mếu dở vì thiếu người. Nếu cú trảm cuối giải (kỷ luật 4 cầu thủ thi đấu thiếu tích cực trong trận HN.ACB-TCDK.SLNA) không “nới” cho hai trụ cột hàng thủ của đội bóng này, thì chắc chắn HLV Nguyễn Văn Thịnh và các đồng nghiệp hẳn phải chịu rất nhiều khó nhọc.
Từ một đội bóng phù hợp nhất với cơ chế thoáng của sân chơi chuyên nghiệp, TCDK.SLNA đang trở thành nạn nhân “dính chưởng” nặng nhất từ chính chủ trương thích nghi của mình. Đáng nói hơn, ngay cả những người trong cuộc hiện giờ cũng chưa lường trước được, họ có “cầm được máu” hay không, chứ chẳng thể bàn đến chuyện “bán được bao nhiêu người” như trong quá khứ nữa.
Rõ ràng, TCDK.SLNA đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức, chỉ vì cái nghèo và phần nào là cách làm “thoáng” mà họ đã vận dụng “sáng tạo” vài năm trước đây.
Bảo Thắng (theo baobongda)
Bình luận (0)