Để nâng chất lượng và số lượng tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong năm 2019, đại diện các trường nghề đã đưa ra một số giải pháp, trong đó đặc biệt chú ý đến gắn kết với doanh nghiệp (DN), chương trình đào tạo, ban hành chuẩn tiếng Anh và tin học…
Học sinh tìm hiểu ngành nghề đào tạo tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp “Cùng bạn quyết định tương lai” năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức
Mời DN cùng đào tạo
Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) khẳng định chương trình đào tạo là một trong những yếu tố quyết định đến kết quả tuyển sinh của trường nghề. Do đó, từ năm 2017, trường đã rà soát lại tất cả các chương trình đào tạo, đặc biệt là chương trình đào tạo của 7 nghề trọng điểm như cơ điện tử, bảo trì thiết bị hệ thống cơ khí, cắt gọt kim loại, vận hành sửa chữa thiết bị lạnh, điện tử công nghiệp và công nghệ ô tô. Theo đó, các chương trình được đưa vào sử dụng có tham khảo từ chương trình đào tạo từ các nước ASEAN và sự hỗ trợ của DN.
Cũng theo bà Thủy, bên cạnh việc đầu tư kiến thức chuyên môn, trường còn ban hành chuẩn tiếng Anh và tin học cho học sinh sau tốt nghiệp và đã thực hiện thí điểm từ năm 2017. Cụ thể là trường đã phối hợp với tổ chức IIG ôn luyện, tổ chức thi và cấp chứng chỉ quốc tế trình độ Anh văn TOEIC và tin học IC3/MOS, giúp học sinh sau tốt nghiệp hoàn thành 2 chuẩn kỹ năng này.
Trong khi đó, đại diện Trường CĐ Nghề TP.HCM cho rằng hợp tác, liên kết đào tạo với DN là một công tác quan trọng để thu hút tuyển sinh nghề. Quan hệ hợp tác này cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng trường chất lượng cao. Tuy nhiên, chương trình đào tạo phải có tỷ lệ thực hành, thực tập, thí nghiệm đảm bảo tối thiểu 60% thời gian khóa học, trong đó ít nhất 40% thời gian thực hành, thực tập, thí nghiệm tại DN. “Chúng tôi mời DN tham gia xây dựng chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực tại DN và ký kết hợp tác đào tạo với DN cho sinh viên năm cuối với nghề cơ khí ô tô. Bên cạnh đó, trường cũng đang tiến hành xây dựng chương trình đào tạo kép đối với nghề cơ khí chính xác theo đúng thời lượng 60% thời gian khóa học thực hành tại DN, do DN đảm nhiệm giảng dạy. Sau khi ra trường, sinh viên được DN tuyển dụng làm việc ngay mà không cần đào tạo lại”, vị đại diện Trường CĐ Nghề TP.HCM cho biết.
Tương tự, ông Phạm Hữu Lộc (Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng) đánh giá cao sự gắn kết của DN và có sức ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh của trường. Từ thực tế đó, hiện Trường CĐ Lý Tự Trọng đang hợp tác toàn diện với các trường, DN, tập đoàn nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho DN; phối hợp đào tạo, thực tập, giới thiệu việc làm, tài trợ học bổng… “Tuyển sinh được đã khó, việc giữ người học còn khó hơn. Để giải quyết tình trạng này, Trường CĐ Lý Tự Trọng đã thành lập Trung tâm Quan hệ DN, hợp tác với hơn 500 DN trong và ngoài nước, cập nhật thường xuyên thông tin tuyển dụng của các DN nhằm hỗ trợ người học, đảm bảo có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Nhờ vậy mà nhiều năm qua, 100% sinh viên của trường có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Từ đó, khuyến khích động viên tinh thần học tập, tạo điều kiện để người học yêu thích và gắn bó với nghề từ khi đang học”, ông Lộc chia sẻ.
Mở ngành mới thay thế ngành cũ
Đề cập đến giải pháp thu hút tuyển sinh của trường trong thời gian tới, ông Phạm Hữu Lộc cho biết sẽ phát triển các chương trình đào tạo có chất lượng, có tính ứng dụng thực tiễn cao đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp; xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo quốc tế để thu hút tuyển sinh. Đồng thời tiếp tục mở một số ngành nghề mới để thay thế những ngành nghề mà nhu cầu việc làm đã bão hòa, tiếp cận các ngành nghề đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị, tổ chức để đào tạo những lớp ngắn hạn; liên thông, liên kết đào tạo với các trường ĐH, công ty trong và ngoài nước để mở rộng quy mô đào tạo.
Trong khi đó, đại diện bộ phận tuyển sinh của Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Theo vị đại diện này, bên cạnh nỗ lực của trường, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cần làm đầu mối kết nối giữa trường với các DN, khu chế xuất – khu công nghiệp và các đối tác xuất khẩu lao động. “TP xem xét hỗ trợ trường vay vốn kích cầu để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chương trình, giáo trình để nâng cao chất lượng đào tạo và mở thêm một số ngành nghề trọng yếu”, vị đại diện này đề xuất.
Theo thống kê, tuyển sinh GDNN năm 2018 của TP.HCM đạt 482.699 người, cụ thể: CĐ 46.782 người; TC 29.091 người; sơ cấp 159.000 người và đào tạo thường xuyên 246.926 người. Trong đó tập trung chủ yếu ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu (92.788 người); 9 ngành dịch vụ chủ yếu (365.687 người) và các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN (24.224 người). So với năm 2017, công tác tuyển sinh các trình độ đào tạo năm 2018 tăng 4,28%. |
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đề nghị trong năm 2019, các trường công lập phải xây dựng lộ trình tự chủ tài chính. Đặc biệt, các trường chủ động đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo của đơn vị. Ông Lâm cũng cho biết đến thời điểm này, TP có 13 trường chất lượng cao và trường có nghề trọng điểm được Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút tuyển sinh, các trường phải chú trọng gắn kết với DN, tiếp cận với các trường CĐ-ĐH của khu vực để chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến… “Bệnh viện thực hiện xã hội hóa hiệu quả, tại sao trường nghề lại không? Vì thế, các trường phải tính đến chuyện xã hội hóa, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước. Trường nào có nhu cầu vay vốn đầu tư trang thiết bị, mở ngành mới thì sớm có văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, sau đó, sở sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hỗ trợ”, ông Lâm gợi ý.
T.Anh
Bình luận (0)