Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Các giải pháp tránh cắt giảm lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa

Cắt giảm lao động là trường hợp chẳng đặng đừng vì nó tạo ra nhiều vấn đề bất lợi cho doanh nghiệp… Nhiều công ty do đó đã tìm cách kết hợp nhiều giải pháp sáng tạo khác nhau để tránh phải giảm biên chế.

Cần thận trọng khi quyết định cắt giảm lao động

Các lãnh đạo sáng suốt sẽ thấy rằng họ không chỉ phải đối phó với áp lực cắt giảm kinh phí một cách thông minh, mà còn biết rõ những người bị sa thải hôm nay sẽ có thể trở thành khách hàng, đối tác, hoặc đối thủ của họ trong tương lai. Vì vậy, một số công ty không có điều khoản hay chính sách nào liên quan tới cắt giảm nhân sự.

Không công ty nào trong số này chịu để mất những người họ đã dày công tuyển dụng và đào tạo. Theo họ, đó cũng là cách thức xây dựng lòng trung thành của nhân viên với công ty.

Biện pháp duy nhất những công ty này áp dụng khi gặp khó khăn là “để mở” công việc cho nhân viên tự quyết định đi hay ở, nếu đi thì có thể trở lại vị trí cũ bất cứ khi nào họ muốn, hoặc giảm giờ làm việc. Họ có thể tạm ngưng làm việc, yên tâm đi du lịch một thời gian, và vẫn đảm chắc rằng sau đó có thể quay trở lại công việc yêu thích của mình.

Một số kinh nghiệm sáng tạo để tránh phải cắt giảm nhân sự

Công ty 415 Productions đã đề ra hai phương pháp cho toàn thể nhân viên của mình cùng bỏ phiếu lựa chọn: hoặc tất cả cùng chấp nhận giảm 5% lương, hoặc giảm ngày làm việc. Thay vì phải làm năm ngày mỗi tuần, nhân viên công ty này chỉ làm bốn ngày và chịu mức giảm thu nhập tương ứng. Dù sao thì vẫn tốt hơn nhiều so với bị mất việc nên tất cả nhân viên trong công ty đều chấp nhận thiếu thốn hơn một chút để cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.

Một số công ty khác áp dụng cách tương tự cách thứ hai của công ty trên, chỉ hơi khác một chút là làm và nghỉ luân phiên và giảm mức lương tương ứng. Nhưng cách này bất lợi ở chỗ không tiết kiệm được chi phí vận hành máy móc, điện nước vì văn phòng, nhà máy vẫn phải tốn nguyên liệu hoạt động như trước.

Công ty Acxicom Corporation áp dụng phương pháp bắt buộc cắt giảm 5% lương, cộng với tùy chọn giảm 5% lương nữa và số tiền này được quy đổi tương đương ra số cổ phần của công ty.

Công ty Charles Schwab Corp. cam kết mức thưởng 7.500 USD cho những nhân viên nào bị buộc phải tạm ngưng việc và chấp nhận lời mời quay trở lại làm trong vòng 18 tháng sau. Ngoài ra, công ty còn gây quỹ khuyến học giá trị lên đến 10 triệu USD dành riêng cho những nhân viên này. Công ty sẽ tài trợ học phí tối đa là 20.000 USD trong hai năm cho mỗi nhân viên nếu họ muốn tiếp tục theo học các khóa chuyên ngành.

Công ty Texas Instruments đã cho các đối tác làm việc “mượn” những nhân viên bộ phận nhân sự của mình trong vòng tối đa tám tháng. Sau thời hạn đó, họ được bảo đảm quay trở lại vị trí cũ của mình. Các công ty này thanh toán cho Texes Instruments lương của những nhân sự họ đã được mượn và phải cam kết không mời gọi họ làm việc lâu dài.

Công ty Binghamton đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, sau đó chuyển những nhân sự giỏi từ các khu vực sản phẩm không bán chạy sang các bộ phận đạt hiệu quả hơn, yêu cầu họ cùng phối hợp để phát triển kinh doanh các sản phẩm mới, cải tiến, mang lại lợi nhuận cao hơn cho công ty.

Công ty Accenture có chương trình “nghỉ phép linh động”. Tất cả nhân viên có thể tùy chọn nghỉ phép tự do kéo dài đến 12 tháng, trong thời gian nghỉ được nhận 20% lương. Họ cũng có quyền sang làm tạm thời cho bất kỳ công ty nào khác trong thời gian nghỉ phép, miễn là không phải đối thủ cạnh tranh. Các tiêu chuẩn khác liên quan đến thưởng, cổ phần… vẫn được giữ nguyên.

Công ty Cisco Systems cũng chọn giải pháp tương tự. Mọi nhân viên được nhận 1/3 mức lương, trọn vẹn các khoản thưởng, quyền mua cổ phần… trong vòng một năm làm việc cho một nhóm đối tác khác của công ty đang hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

Cho dù sáng tạo và tỏ ra hiệu quả đến đâu, những biện pháp trên chỉ có thể vận dụng tạm thời. Các nhân viên dù trung thành và gắn bó đến mấy với công ty cũng sẽ ra đi nếu họ không thấy được triển vọng trong tương lai. Vấn đề trọng tâm của ban giám đốc không phải là né tránh cắt giảm lao động, mà về lâu dài, họ phải tạo ra công việc có thể bảo đảm thu nhập cho nhân viên của mình nhằm giữ lại những người tài và tâm huyết.

Theo BÍCH THỦY
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần/Salary.com

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)