Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Các GS “lão làng” góp ý cho Chiến lược giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7/1, Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người Cao tuổi đã tổ chức góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020. Nhiều ý kiến đáng chú ý đã được các nhà giáo dục đưa ra để bản dự thảo hoàn thiện hơn.

> Giải trình về cơ sở xây dựng Chiến lược giáo dục

> 3 giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục

Chiến lược đi quá sâu về chuyên môn – GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam 
Bản chiến lược được xây dựng công phu nhưng tôi thấy cách đặt vấn đề cần rõ hơn, vì mọi người đọc sẽ có cảm nhận đây là chiến lược của ngành giáo dục hơn là chiến lược của quốc gia. Bộ GD-ĐT đã đi quá sâu vào các vấn đề chuyên môn mà không đi ở tầm lớn, tầm quốc gia. Nếu đặt vấn đề như thế thì cái cốt lõi của nó sẽ khác đi.
Bên cạnh đó, đã là một chiến lược quốc gia thì nó phải liên quan đến các lực lượng xã hội như các lực lượng kinh tế, các tổ chức xã hội chính trị và các tổ chức nghề nghiệp… tham gia chiến lược như thế nào. Ở đây, bóng dáng của những lực lượng đó lại không thấy có.
Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 vẫn viết như một kế hoạch giáo dục nên không có tính đột phá. Bởi, trong một chiến lược, bao giờ cũng phải nói đến mục tiêu tiến tới và để tiến tới mục tiêu ấy thì có mấy mục tiêu ưu tiên, chứ không phải tất cả đều ưu tiên.
Từ nay đến năm 2020 chúng ta đang đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, một yêu cầu rất bức bách của một nước công nghiệp mới đòi hỏi nguồn nhân lức mới, đây là một yêu cầu mà chiến lược phải chú ý.
Để làm được điều đó thì cần làm mạnh ở bậc đại học. Làm sao để bậc đại học đảm bảo được những yêu cầu của nền kinh tế trong thời kỳ mới, chứ như hiện nay thì nền giáo dục đại học của chúng ta không hội nhập được.
98% người từ 15 tuổi trở lên biết chữ là duy ý chí – GS.TS Phạm Đình Thái
Giáo dục vừa qua đã quá say sưa với việc đã xóa mù. Tôi chỉ nêu ví dụ về chuyện xóa mù cho người lớn. Khi chúng tôi làm dự án ở Lào Cai, đi đến 6 xã điều tra thì có 25.000 người từ 26-45 tuổi không biết chữ, và nếu tính ở độ tuổi từ 40-45 thì phải đến trên 90% không biết chữ. Tuy phạm vi nghiên cứu là hẹp, nhưng cũng có thể thấy nếu tính trên phạm vi toàn quốc thì bức tranh cũng còn khá xám chứ không có được cái lạc quan để chúng ta nhảy một cái lên 98% người dân biết chữ đến năm 2020.
Về mục tiêu 4 trường ĐH lọt vào tốp 200 trường tốt nhất thế giới tôi thấy quá lãng mạn, xa vời. Bây giờ ngay như Hàn Quốc, Thái Lan cũng chưa đạt được mục tiêu đó.
Chiến lược coi nhẹ giáo dục từ xa – GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn
Chiến lược còn coi nhẹ giáo dục từ xa. Theo tôi đây là một sai lầm nghiêm trọng, vì đây là vấn đề cơ bản để tiến tới mục tiêu giáo dục dành cho mọi người.
Bên cạnh đó, chiến lược chưa đánh giá đúng mức khả năng tự học của con người, và đó cũng là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Nếu như một đứa trẻ phải có lộ trình cai sữa, thực hiện từng bước từ việc thôi bú, ăn cháo, ăn cơm… thì bây giờ trong các trường phổ thông cũng phải có lộ trình “cai dạy”. Phải tăng cường khả năng tự học của học sinh sau lớp 9. Không phải là không cần thầy nhưng có thầy phải học như thế nào, không ỷ lại vào thầy, tranh thủ thầy một cách tích cực nhất.  
Với các cấp học khác cũng vậy, phải làm thế nào rút ngắn thời gian thầy dạy, để học sinh quen tự học. Ngày xưa nhiều người vẫn thi đậu bằng tiến sĩ nhờ việc tự học. Và cũng phải trang bị cho người học khả năng tự mình tìm những kiến thức khi cần đến những kiến thức đó.
Hơn nữa, chúng ta đang đánh giá thấp học sinh của ta. Chúng có thể giỏi hơn, học cao hơn nữa nhưng người lớn dạy cho chúng cách học lạc hậu cho nên chúng không thông minh như khả năng vốn có. Nếu biết cách dạy, làm cho trẻ con trở nên năng động sáng tạo, còn không sẽ làm cho chúng bị động. Các thầy cô đã chặn mất con đường tiếp tục suy nghĩ tìm ra cái mới của học trò.  
Hồng Hạnh (ghi)
Theo Dân trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)