Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Các hãng thức ăn nhanh đua nhau lỗ

Tạp Chí Giáo Dục

Liên tục mở rộng đầu tư, doanh thu lên đến hàng ngàn tỉ đồng, dẫn đầu thị trường đang kinh doanh… song nhiều hệ thống thức ăn nhanh và bán lẻ ngoại báo lỗ triền miên.
Sau thời gian thua lỗ, KFC nay đã có lãi nhẹ 	 /// Ảnh: Ngọc Dương - Đồ họa: Phúc Hải
Sau thời gian thua lỗ, KFC nay đã có lãi nhẹ. ẢNH: NGỌC DƯƠNG – ĐỒ HỌA: PHÚC HẢI
Lỗ “ăn” hết vốn đầu tư
Các chuỗi thức ăn nhanh vào VN đến 15 năm vẫn còn “túc tắc” báo lỗ mà cơ quan thuế không thắc mắc là điều khá lạ
Chủ một chuỗi nhà hàng tại TP.HCM

Điển hình nhất là chuỗi thức ăn nhanh Lotteria với doanh thu từ 1.300 – 1.500 tỉ đồng mỗi năm, song số tiền lỗ hằng năm của chuỗi gà rán đến từ Hàn Quốc này vẫn ở mức cao. Năm 2015, doanh thu của Lotteria lên đến 1.460 tỉ đồng thì báo cáo cuối năm lỗ 118 tỉ đồng; năm 2016 doanh thu 1.306 tỉ đồng, lỗ 135 tỉ đồng; năm 2017 doanh thu 1.530 tỉ đồng vẫn lỗ 20 tỉ đồng. Tính lỗ lũy kế đến năm 2017, chuỗi thức ăn nhanh này đang lỗ 433 tỉ đồng từ khi đầu tư kinh doanh tại VN, trong khi vốn điều lệ của công ty chỉ hơn 433 tỉ đồng. Số tiền lỗ đã “ăn” sạch sẽ tiền đầu tư của doanh nghiệp (DN) sau 13 năm vào VN (từ năm 2004).

Lý do khiến Lotteria, thương hiệu thức ăn nhanh dẫn đầu thị trường về số lượng cửa hàng và doanh thu, liên tục lỗ được lý giải qua chi phí bán hàng. Báo cáo kinh doanh của DN này cho thấy, chi phí bán hàng của công ty tại VN tăng cao một cách đột biến. Chỉ trong 2 năm 2015 và 2016, tổng chi phí bán hàng lên đến 1.519 tỉ đồng, chiếm khoảng 50 – 55% doanh thu của 2 năm.
Tương tự, chuỗi thức ăn lớn nhất của Philippines là Jollibee cũng chỉ vào VN sau Lotteria 1 năm, đến nay vẫn còn lỗ 400 tỉ đồng, trong khi quy mô vốn điều lệ cũng chỉ hơn 409 tỉ đồng.
Cũng dòng sản phẩm gà rán, trong khi Lotteria và Jollibee liên tục báo lỗ, chuỗi thức ăn nhanh lớn thứ 2 trên thị trường là KFC có doanh thu đứng thứ 2 sau Lotteria (từ 1.200 – 1.400 tỉ đồng mỗi năm) đã có lãi 2 năm nay. Cụ thể, năm 2016 KFC VN đạt doanh thu 1.162 tỉ đồng, lãi 15 tỉ đồng; năm 2017 doanh thu 1.375 tỉ đồng, lãi 103 tỉ đồng. Mức lãi của KFC khá thấp, song nếu so sánh về quy mô, doanh thu, mô hình kinh doanh… việc lỗ lên đến hàng trăm tỉ đồng của 2 chuỗi gà rán nói trên là khá lạ.
Không chỉ có gà rán chìm trong thua lỗ, hàng loạt chuỗi thức ăn nhanh khác như Pizza Hut, The Pizza Company, Burger King, Domino's Pizza, Popeyes… cũng rơi vào điệp khúc lỗ triền miên từ khi vào VN. Thương hiệu bánh pizza đầu tiên vào VN năm 2007 có thể kể đến là Pizza Hut. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017 lỗ lũy kế của Pizza Hut đã hơn 334 tỉ đồng. Số lỗ quá lớn khiến đến năm 2016, vốn chủ sở hữu của DN này đã âm hơn 286 tỉ đồng. The Pizza Company doanh thu tăng liên tục nhưng lỗ lũy kế của chuỗi này đến cuối năm 2017 đã hơn 263 tỉ đồng. McDonald’s vào VN năm 2014, đến cuối năm 2017 cũng đã kịp lỗ 500 tỉ đồng. Hay như VFBS – công ty quản lý các thương hiệu đồ ăn Burger King, Domino's Pizza, Popeyes và Dunkin' Donuts tại VN, doanh thu 204 tỉ năm 2015 và 303 tỉ năm 2016. Song lỗ lũy kế tổng cộng của công ty gần 150 tỉ đồng, gấp rưỡi vốn điều lệ của công ty.
Các hãng thức ăn nhanh đua nhau lỗ

Đồ họa: Phúc Hải

Càng lỗ càng mở rộng
Trong khi hàng loạt chuỗi thức ăn nhanh tại VN lỗ triền miên thì một nghiên cứu của Euromonitor năm 2016 cho thấy, ngành thức ăn nhanh của VN đang ở vị trí thứ 3 trong thị trường ẩm thực VN, đứng thứ 2 sau ngành nhà hàng.
Lỗ nên nhà đầu tư không phải đóng thuế thu nhập DN mà chỉ đóng các khoản thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất… Chủ một DN kinh doanh nhà hàng chuỗi thành công tại TP.HCM chia sẻ, trong lĩnh vực ẩm thực, thời gian tối đa cho một nhà đầu tư bắt buộc phải có lãi là 3 năm. Với các chuỗi thức ăn nhanh, do tốc độ mở rộng điểm nhanh và nhiều nên thời gian lỗ có thể cao hơn, từ 4 – 5 năm, không thể lâu hơn. Chủ DN này nói: “Ẩm thực nói chung là mô hình kinh doanh không thể để vốn “chết” quá lâu. Nếu kinh doanh ẩm thực, nhà hàng chuỗi mà sau 5 năm vẫn báo lỗ, thì nên dẹp tiệm sớm. Tôi hơi băn khoăn các chuỗi thức ăn nhanh vào VN đến 15 năm vẫn còn “túc tắc” báo lỗ mà cơ quan thuế không thắc mắc là điều khá lạ. Theo tôi, cơ quan quản lý thuế có thể tham chiếu các chuỗi thức ăn nhanh khác trong nước, các mô hình nhà hàng khác để xem xét việc báo cáo lỗ triền miên này có chính xác không”. Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, nhận định khó cho rằng các DN ngoại kinh doanh chuỗi thức ăn nhanh hay bán lẻ là chuyển giá. Bởi với kinh nghiệm tại thị trường VN cả trên chục năm, họ thừa biết cách để cơ quan quản lý khó phát hiện được báo cáo sai số nếu có. Tuy nhiên, luật sư Toản nhấn mạnh, cơ quan thuế hoàn toàn có quyền nghi ngờ trước việc nhà đầu tư liên tục mở rộng điểm kinh doanh vẫn báo lỗ.
Nguyên Nga/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)