Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Các “hội chứng” trong sáng tác âm nhạc

Tạp Chí Giáo Dục

Ca sĩ – nhạc sĩ Minh Thư cũng hòa vào “hội chứng” khóc với ca khúc Bỗng dưng muốn khóc

Gọi là “hội chứng” thì nghe cũng khá nặng nề, nhưng mà không còn từ nào thích hợp hơn nên buộc người viết phải dùng như vậy. Có thể nói, thời gian qua các “hội chứng” này phát triển ngày càng nhiều trong những sáng tác âm nhạc khiến cho người nghe phải ngao ngán…
Sáng tác kiểu “hội chứng”
Nhớ trước đây, khi ca sĩ Phương Thanh “hot” với các ca khúc Tình xa khuất, Một thời đã xa… thì các bé nhóc tì cũng “vui miệng” hát theo suốt ngày: “Giờ anh đã bước theo tình mới rồi, giờ anh đã hết yêu em rồi…” hay “Chẳng trách anh đâu, khi ta đến bên nhau tình gian dối”. Nghe mà muốn nổi da gà, nhưng rồi chẳng bao lâu thì cái cảm giác ấy cũng quen dần khi có quá nhiều người thất tình cùng một lúc như: Trả nợ tình xa, Dấu chôn tình buồn, Tình băng giá, Mãi là niềm đau… cứ thi nhau ra đời như một “làn sóng mới” khi mà các nhạc sĩ thi nhau khai thác những niềm đau…
Theo các nhà tâm lý học thì “thất tình” chỉ đơn giản là một trạng thái tình cảm của từng cá nhân và cũng chẳng hề hấn gì với xã hội hay tình hình thế giới. Nhưng khi một bài hát thất tình trở nên ăn khách thì ca sĩ chạy show kiếm vài chục triệu như chơi, chính vì vậy mà đã có nhiều ca sĩ tuyên bố: “Em chỉ thích hát nhạc… thất tình”. Và theo như thực tế thì những bài hát mang nội dung thất tình lại thường nổi tiếng nhanh hơn. Chính vì vậy mà các ca sĩ thôi thúc các nhạc sĩ sáng tác sao cho buồn tỉ tê và sử dụng bài hát đó như một “cần câu cơm”, còn nhạc sĩ thì cũng được chút danh tiếng. Thời gian qua, những người thất tình trong thị trường âm nhạc nhiều vô số kể. Những nhạc sĩ thất tình thật thì mượn ca khúc để thổ lộ nỗi lòng, còn người chẳng có chút đau khổ gì thì cũng viết vài bài để mong… chia sẻ với nỗi buồn người khác. Ca sĩ lên sân khấu thì cứ khổ đau sướt mướt với Chia tay, Thà rằng như thế, Thà một lần đau… Xem ra “hội chứng” thất tình này còn lâu mới dứt.
 Khi các ca khúc thất tình bị “lên án” kịch liệt, các nhạc sĩ lại chuyển sang sáng tác thuộc dạng “xưng tụng” gia đình. Cũng có những ca khúc rất thật làm nhiều người rơi nước mắt như Chị tôi của Trần Tiến. Sau đó hàng loạt các ca khúc “tôi tôi” cũng thi nhau ra đời như Anh tôi, Bạn tôi, Mẹ tôi, Gia đình tôi… và tiếp theo đó là Cha yêu, Lời mẹ ru, Tình mẹ, Bóng cả… Cũng có thể là do vô tình “các tư tưởng lớn” gặp nhau, nhưng không thể nói là sự trùng hợp khi các ca khúc dạng này xuất hiện cùng một lúc và lắng xuống cùng một lúc như những đợt thủy triều. Đến khi dạng ca khúc mang dấu ấn gia đình này có vẻ “hết ăn” thì lại thêm một “hội chứng” khác, đó là những ca khúc mang đề tài xã hội như thân phận của con người hay những mảnh đời lạc loài nào đó. Vậy là Tiếng rao ra đời kéo theo nó là Xích lô, Quán cóc, Không gia đình, Mồ côi, Xấp vé số… Nhưng hình như do khả năng sử dụng ngôn ngữ còn hạn chế nên lời trong ca khúc đôi lúc bị cưỡng âm, hát lên nghe có phần quá gượng gạo và hầu hết các ca khúc dạng này không “đánh động” dư luận được điều gì, mà ngược lại các nhạc sĩ sáng tác ra nó còn phải chịu bao nhiêu lời bình luận “đao to búa lớn” từ nhiều phía. Hiện nay, chưa có nhạc sĩ nào đủ bản lĩnh để có thể “đánh thức xã hội” bằng những lời ca mà mình tự cho là “giàu lòng nhân ái”, ngoại trừ ca khúc Đứa bé của Minh Khang với sự tham gia của hàng trăm ca sĩ – nghệ sĩ nổi tiếng là được đón nhận nồng nhiệt.
Nhiều tác phẩm chết yểu vì… “đẻ non”
Còn nhớ có một dạo cứ đội tuyển bóng đá Việt Nam chuẩn bị đi thi đấu thì y như rằng có ngay một đêm nhạc gồm toàn những bài “khẩu hiệu” hô hào. Mà thật lạ, hầu hết đều được giới thiệu là “sáng tác mới” nhưng hình như hát qua chỉ được một lần rồi đợt sau đi tiếp thì lại tiếp tục… sáng tác. Đến nay thì cũng chẳng có bài hát nào cổ động bóng đá cho ra hồn, trên sân bóng các cổ động viên vẫn gân cổ mà hát “Go go go, alê alế alê” mới thật là lạ??? Cả ca khúc đám cưới cũng được phát động rầm rộ và có hẳn một album ca khúc dạng này. Nhưng việc quảng bá chỉ dừng lại ở mức lưng chừng nên chẳng thấy đám cưới nào hát các bài ấy cả.
Khi ca khúc Chim sáo ngày xưa của nhạc sĩ Nhất Sinh gây “sóng gió” trên thị trường thì cũng là lúc hàng loạt con sáo khác ra đời như Chim sáo xa rồi, Nỗi buồn chim sáo, Sáo sang sông… Và đến chim đa đa cũng có hiện tượng ăn theo cả bầy như Tiếng hát chim đa đa, Đừng trách đa đa, Đa đa bay xa… làm thành một “hội chứng chim cò” mà người hốt bạc không ai ngoài các ca sĩ đang “trúng” các dạng bài đó trên thị trường. Qua cái chuyện “chim cò” thì đến “hội chứng” hát: Nào là Hát cho tình yêu đầu, Hát với dòng sông, Hát cho người đã xa, Hát cho người ở lại, Hát cho một dòng sông. Mà nổi đình nổi đám nhất vẫn là Mỹ Tâm với Hát với dòng sông đã kéo theo nhiều “nhánh sông” khác ăn theo: Dòng sông băng, Dòng sông hát, Dòng sông tình yêu, Vẫn hát với dòng sông… Đôi song ca Nhật Tinh Anh – Khánh Ngọc “hot” với Vầng trăng khóc thì sau đó một loạt ca khúc “khóc” khác cũng ra đời Bỗng dưng muốn khóc, Cô bé hay khóc nhè, Khóc cho một cuộc tình, Hãy khóc đi em… kéo theo nhiều chuyện phiền phức rườm rà làm cho công chúng để ý, thế là ca sĩ và bầu show thi nhau hốt bạc, còn các nhạc sĩ lên báo chí “đôi chối” rùm beng. Tương lai không biết sẽ còn bao nhiêu “hội chứng” trong sáng tác âm nhạc nữa đây???
HUY NGUYỄN
Các nhạc sĩ chỉ chờ đến khi có tổ chức nào phát động phong trào viết về đề tài gì thì mới tham gia như là một trách nhiệm của người sáng tác. Họ cứ “đẻ non” theo phong trào nhưng không hề thích “nuôi con”.
 

 

Bình luận (0)