Buổi học đầu tiên sau Tết Giáp Ngọ của HS dân tộc Hre, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi |
Sau Tết, tình trạng học sinh (HS) chưa chịu đến trường, ảnh hưởng tới giảng dạy và học tập tại các trường học ở các huyện miền núi Quảng Ngãi lại xảy ra. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại, hết năm này sang năm khác nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để chấm dứt mặc dù ngành giáo dục và chính quyền địa phương đã nỗ lực rất nhiều để hạn chế tình trạng này.
Đến từng nhà rước HS
Cứ đến hẹn lại lên, sau Tết Nguyên đán tình hình học tập của HS tại các trường thuộc 6 huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi luôn rơi vào trạng thái không ổn định. HS đến lớp thưa thớt, nhất là những nơi có đông con em đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh dư âm của Tết Nguyên đán làm cho các em ham chơi thì nguyên nhân chính là thời điểm sau Tết là mùa thu hoạch đót. Các em HS tham gia đi bứt đót cùng gia đình. Việc đi học bữa có bữa không hoặc nghỉ học kéo dài đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các trường ở miền núi. Thầy Hồ Thanh Chương (giáo viên Trường Tiểu học Trà Lãn) là người dân tộc thiểu số nên rất hiểu hoàn cảnh các em HS của mình. Thầy Chương cho biết: “Do điều kiện kinh tế các em quá khó khăn, mùa này là mùa đót nên các em vắng học để chặt đót. Mình đi động viên các em rất nhiều nhưng điều kiện các em ở xa nên không lên lớp được”.
Ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây thừa nhận: “HS không bỏ học sau Tết Nguyên đán hàng năm là chuyện không bình thường, còn nửa tháng, một tháng sau mới ổn định là chuyện bình thường. Giáo viên của chúng tôi phải trực tiếp đến từng nhà để vận động các em tới trường. Chẳng hạn như sau Tết Giáp Ngọ vừa qua, ngày 11 tập trung đồng loạt tới trường thì chiều ngày 10, chúng tôi huy động thầy cô giáo tới tận các bản làng, tới từng gia đình để động viên, nhắc nhở các em phải đi học, có thầy phải chở các em tới trường trước một ngày. Làm như vậy để bà con thấy được tầm quan trọng của việc học”.
Chống bỏ học phải từ… phụ huynh
Trên thực tế, đời sống của bà con dân tộc nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy các em thường ở lại nhà phụ giúp cha mẹ kiếm tiền khi mùa đót tới. Hơn nữa, tâm lý của các em là nghỉ học 2 hoặc 3 ngày thì không sao. Chính những điều này đã nảy sinh tư tưởng ỷ lại và xem thường việc học không chỉ của các em HS mà trong cả nhận thức của các bậc phụ huynh. Bà Nguyễn Thị Thành, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà cho rằng, việc nghỉ học đối với các em HS miền núi sau Tết Nguyên đán không phải là cá biệt. Tâm lý chung là các em thường ham chơi, theo cha mẹ đi làm ăn, không chịu đi học. Mặc dù nhà trường, các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực rất nhiều trong việc vận động các em đến trường, nhưng cũng chỉ được phần nào.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm này, số lượng HS vắng học của 6 huyện miền núi đã hạn chế nhiều, nhưng vẫn còn hơn 700 HS chưa chịu tới trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Tháp, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, so với các năm trước, năm nay tình trạng HS vắng học đã giảm hơn rất nhiều, nhưng rất khó có thể hạn chế triệt để. Ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục, các trường học ở miền núi triển khai nhiều biện pháp từ trước Tết, cùng với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể ở xã, cùng thôn bản tuyên truyền cho bà con đồng bào dân tộc nhận thức tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường. Nhưng vẫn chưa đạt theo ý muốn. “Nhà nước đã có nhiều chính sách cho các em HS đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho các em đến trường. Bây giờ trách nhiệm của ngành GD-ĐT vẫn phải kiên trì vận động các em ra lớp. Nâng cao nhận thức của bà con dân tộc. Hơn nữa, các trường ở khu vực này phải có những hoạt động nhằm thu hút các em tới trường sau Tết. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo và đôn đốc các trường vận động HS đến trường để theo kịp chương trình và đảm bảo chất lượng giáo dục”, ông Tháp nói.
Bài, ảnh: Phước Trung
Bình luận (0)