Sau 30 năm phát triển, đến nay TP.HCM có 3 khu chế xuất (KCX) và 14 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cùng với thời gian, các KCN-KCX đang dần bộc lộ những hạn chế, yếu kém và nếu không nhanh chóng khắc phục sẽ chỉ khiến cho kinh tế TP phát triển chậm lại…
Các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP.HCM giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động
Thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN-KCX TP.HCM (HEPZA), lũy kế đến tháng 9-2022, các KCX-KCN đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%. Bình quân hàng năm các KCX-KCN thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài; giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm đạt 7 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng. Các KCX-KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các KCX-KCN là cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”. Theo đó đã giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, phong cách quản lý ngày càng tiên tiến hơn; đảm bảo tập trung thống nhất đầu mối trong quản lý, hoàn thiện cung cách phục vụ. Nhờ vậy đã tạo được lòng tin với nhà đầu tư.
Bên cạnh những kết quả trên, ông Hứa Quốc Hưng – Trưởng ban HEPZA – thừa nhận, vẫn còn không ít hạn chế khó khăn. Trong đó, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCX-KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu. Chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa. Đa số các dự án có quy mô vốn nhỏ. Tính hấp dẫn của KCX-KCN TP giảm về các mặt như chính sách ưu đãi, kết cấu hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực. Hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Mô hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới, chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Liên kết, hợp tác trong KCX-KCN, giữa các KCX-KCN với nhau và giữa KCX-KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế, mức độ nội địa hóa còn thấp. Thiếu các KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Nhiều lao động đã được đào tạo qua trường lớp nhưng sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại…
Ông Nguyễn Hoàng Năng – nguyên Trưởng ban HEPZA – cũng cho biết, nhiều KCN chưa là đòn bẩy để tạo sự chuyển động mạnh mẽ về sản xuất, công nghiệp tập trung; chưa phát triển bền vững. Nhiều KCN quy mô diện tích nhỏ hẹp, hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, kể cả giao thông trong khu lẫn ngoài khu kết nối từng KCN. Hạ tầng xã hội như nhà lưu trú công nhân, trung tâm đào tạo nhân lực, trung tâm văn hóa, nhà giữ trẻ cho con công nhân chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ.
Theo ông Năng, nếu không khắc phục được những bất lợi trên để mở rộng và phát triển mới các KCX-KCN thì không chỉ khó khăn đối với việc phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát sự ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở công nghiệp nằm ngoài các KCN tập trung…
Loại bỏ KCN-KCX không còn phù hợp
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thừa nhận, 30 năm qua, mô hình KCX-KCN đã hoàn thành sứ mệnh mà Chính phủ giao. Đó là thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm cho người lao động; du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của TP phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa các vùng ngoại thành.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hiện nay bắt buộc phải đổi sang mô hình mới dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Theo đó đòi hỏi các KCX-KCN TP phải tập trung cải tiến toàn diện, quyết liệt nhằm loại bỏ các KCN già cỗi, sử dụng nguyên nhiên liệu có mức phát thải cao; tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái bền vững, tuần hoàn dựa trên nền tảng công nghệ, vật liệu mới. Đồng thời, đảm bảo vai trò chuyển giao công nghệ cho các khu công nghệ.
“Chúng ta cần phải mạnh dạn loại bỏ, đưa ra khỏi quy hoạch những KCX-KCN không có tính khả thi”, Bí thư Nên nhấn mạnh.
Theo đó, Bí thư Thành ủy đề nghị lãnh đạo chính quyền TP, các sở ban ngành, các KCX-KCN phải quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị về công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn mới theo hướng tập trung chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế dựa vào phát triển công nghiệp, dịch vụ trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tập trung hoàn thiện quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó cần chủ động đào tạo nguồn nhân lực. Bởi nguồn nhân lực luôn đóng vai trò chủ đạo, quyết định trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giúp tăng lợi thế cạnh tranh.
Mặt khác, từ bài học rút ra sau đại dịch Covid-19, cần tiếp tục đầu tư, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng xã hội trong các KCX-KCN để người lao động yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp. Ban quản lý phải đổi mới mạnh mẽ để bắt kịp nhu cầu của giai đoạn mới, tiếp tục hoàn thiện mô hình, kiện toàn bộ máy, xây dựng bộ máy chính trị ngày càng tinh gọn, hiệu quả…
Theo Bí thư Nên, trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, TP.HCM hiện đang chịu tác động của tình hình thế giới, cộng đồng doanh nghiệp TP cũng đang thích ứng để vượt qua khó khăn, các công ty hạ tầng, các ban quản lý phải tính toán để thích ứng linh hoạt, hiệu quả an toàn, vừa xây dựng phát triển TP, đảm bảo bước đi vững chắc.
“TP hiện đang tập trung hoàn thành tổng kết các nghị quyết để báo cáo, xin ý kiến, chủ trương phân cấp, giao quyền và những cơ chế phù hợp để thực hiện thí điểm, tháo gỡ khó khăn. Trước mắt, tập trung thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện mô hình phát triển mới theo hướng tăng cường kết nối các KCN-KCX để hình thành các cụm liên kết công nghiệp; tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, từng bước hoàn thiện quy hoạch, thể chế chính sách, hành lang pháp lý để thực hiện phân cấp ủy quyền”, Bí thư Nên thông tin.
Cũng theo ông Nên, trong giải quyết thủ tục hành chính phải đi đầu về chuyển đổi số, phục vụ tốt các hoạt động đầu tư, thương mại, xây dựng, lao động, thực hiện hiệu quả cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”; phải cải tiến để nhanh hơn, hiệu quả hơn, bớt đi những thủ công còn hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Lãnh đạo TP luôn đặt nhiều kỳ vọng vào ban quản lý, các công ty phát triển hạ tầng, các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng chủ trương đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế TP nhanh, bền vững. Làm sao cho mỗi doanh nghiệp trong KCX-KCN thực sự là một đơn vị văn hóa với ý thức tôn trọng pháp luật, tính nhân văn cao, cân bằng hài hòa giữa lợi ích kinh tế và xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động…”.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)