TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc chiều 4-3
|
Chiều 4-3, UBND TP.HCM có buổi làm việc với Ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp (BQL KCX-KCN) và các sở, ban, ngành có liên quan để bàn về đề án xây dựng trường học, khu văn hóa – thể dục thể thao; trung tâm y tế; bếp ăn công nghiệp; cửa hàng tạp hóa – siêu thị cho công nhân. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận chủ trì buổi làm việc.
Dành 15% diện tích cây xanh xây công trình phục vụ công nhân
Trình bày về phương án “Tạo lập quỹ đất để xây dựng công trình phục vụ công nhân”, ông Nguyễn Tấn Định, Phó giám đốc BQL KCX-KCN cho biết: “Dự kiến đến năm 2020, toàn TP sẽ có trên 500.000 công nhân. Chính vì vậy, việc cho ra đời những khu lưu trú công nhân và trường, lớp mầm non cho con em họ là điều vô cùng cần thiết. Từ chỗ đó, BQL KCX-KCN đã làm đề án xây dựng 5 loại công trình cần thiết phải có để nâng cao đời sống của công nhân, đó là: trường mầm non, nhà văn hóa công nhân, trạm y tế, bếp ăn công nghiệp và cửa hàng tạp hóa – siêu thị. Để có công trình phục vụ này BQL đề nghị sẽ bố trí vào đất cây xanh của KCN. Diện tích cần có để xây dựng công trình là 25,5%ha, tương đương 15% tổng diện tích cây xanh của 12 KCN (hiện tổng diện tích cây xanh là 134,07ha). Đối với trường mầm non trước mắt sẽ xây dựng 12 trường cho 12 KCN, đề xuất được ngân sách thành phố hỗ trợ để xây trường”. Việc lấy diện tích đất cây xanh làm các công trình trên, qua đó sẽ thu hẹp diện tích này xuống còn 5,95% trong các KCX-KCN sẽ nhỏ hơn rất nhiều theo chuẩn quy định. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hương Mai đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc chia sẻ: “Trước mắt, việc sử dụng đất cây xanh tại các KCX-KCN cho xây dựng các công trình phục vụ đời sống công nhân là cần thiết và nên làm. Nhưng sau khi các KCX-KCN có nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì cần bù lại diện tích đó (25,5%ha)”.
Việc xây dựng các khu văn hóa, trường học, trạm y tế trong KCX-KCN sẽ giúp người lao động an tâm và đời sống về tinh thần được cải thiện. Riêng về việc đầu tư xây dựng trường mầm non, ông Trương Lâm Danh, đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM nhấn mạnh: “BQL cần có kế hoạch và phối hợp chặt chẽ hơn với Sở GD-ĐT để cùng bàn bạc, tìm ra phương án tối ưu nhất trong việc giữ trẻ. Do nữ công nhân chỉ được nghỉ thai sản có 4 tháng, không phải ai cũng có thể rước người thân lên trông trẻ hoặc gửi con mình cho các nhóm trẻ gia đình, việc chăm sóc, trông nom cho trẻ không tốt. Cần có cách làm phù hợp cho việc gửi trẻ 4 tháng tuổi và có cơ chế đặc biệt đối với những cô giáo, bảo mẫu làm công việc này tại các KCX-KCN”.
Sớm triển khai xây trường
TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: “Để giúp TP hoàn thành kế hoạch phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi, việc BQL KCX-KCN đề xuất phương án này là rất tốt, ngành GD hoan nghênh và hỗ trợ hết mình. Với kế hoạch tại mỗi KCX-KCN có một trường mầm non trên diện tích xây dựng 5.000m2 trở lên là rất tốt. Cùng với việc lấy một tên thống nhất là trường mầm non sẽ giúp cho quá trình nuôi, dạy trẻ xuyên suốt từ mẫu giáo tới 5 tuổi”. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP kết luận: “An sinh xã hội là một trong những công việc trọng tâm của TP. Năm 2011 thực sự khó khăn với đời sống của người dân trong đó người nghèo và công nhân lao động là khó khăn nhất do giá cả leo thang, mức thu nhập chưa cao. TP tập trung những chính sách, giải pháp trong thẩm quyền của mình sẽ làm quyết liệt để chăm lo đời sống cho nhân dân. Việc hoàn thành phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi được học hai buổi/ ngày đó là mục tiêu chính. Theo khảo sát, nếu như TP không giải quyết được việc xây dựng trường mầm non tại các KCX-KCN thì sẽ quá tải về trường, lớp ở các phường, xã, thị trấn. Do quỹ đất dành cho xây dựng trường, lớp không còn nhiều, đặc biệt tại các quận, phường nội thành. Như vậy sẽ khó mà thực hiện thành công đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Qua buổi làm việc, cho thấy ý kiến của các sở, ngành về đề án này đều có sự đồng thuận cao về việc hỗ trợ con người, công tác chuyên môn, quản lý… nhưng còn có một vài ý kiến, thể hiện sự “lúng túng” trong việc thực hiện, áp dụng nghị định mới và cũ vào thực hiện đề án này. Chúng ta không nên cứng nhắc áp dụng mà cần phải có sự linh động, giải quyết trong công việc, có như vậy mới hỗ trợ, cải thiện được những hạn chế và cuối cùng là đem lại cuộc sống tốt hơn cho người lao động, qua đó giúp họ an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.
Về chính sách đầu tư, Phó chủ tịch Hứa Ngọc Thuận đề nghị: Đối với công trình xây trường mầm non, thành phố đồng ý hỗ trợ ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp. “Việc xây dựng các trường mầm non tại các KCX-KCN là cần thiết và phải làm sớm. Để thực hiện được việc này Sở Tài chính cần lưu ý: Ngân sách thực hiện đề án phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi với kinh phí triển khai hơn 2.700 tỷ đồng. Không thể nói là gặp khó khăn, bởi nếu ở quận, phường quỹ đất dành cho xây dựng trường lớp không còn trong khi tại các KCX, KCN có đất nhưng thiếu kinh phí thì trong nguồn ngân sách trên phải được triển khai một cách “năng động”. BQL KCX-KCN phải sớm hoàn chỉnh các phương án trình UBND TP phê duyệt và triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất” – ông Thuận nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Lê Quang huy
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận chỉ đạo: “Thống nhất trước mắt sẽ dành 15% diện tích cây xanh trong các KCX-KCN để xây dựng các công trình thiết thực phục vụ nâng cao chất lượng, đời sống cho công nhân, những người lao động đang đóng góp công sức cho sự phát triển của TP. Sau khi thực hiện di dời những cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi các KCX-KCN sẽ trả lại diện tích cây xanh đã sử dụng vào các công trình này nhằm bảo đảm môi trường”.
|
Bình luận (0)