Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Các kỹ năng cần thiết khi học khối ngành khoa học xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Khối ngành khoa học xã hội hành vi và giáo dục đòi hỏi người học cần có những tố chất cần thiết để thành công.

Với ngành tâm lý học đang được rất nhiều thí sinh (TS) quan tâm, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhấn mạnh mặc dù nhu cầu cao và cơ hội việc làm rất lớn, tuy nhiên để thành công được với ngành học này, TS phải có niềm yêu thích tiếp xúc giao tiếp với con người, đặc biệt phải có kỹ năng lắng nghe, khả năng kiên nhẫn, thấu hiểu. “Ngoài ra, để theo ngành tâm lý, cần 2 kỹ năng quan trọng là cân bằng được cảm xúc và không được phán xét người khác. Đây là 2 kỹ năng quan trọng nhất nếu bạn muốn thành công với lĩnh vực này”, tiến sĩ Hải giải thích thêm.

Các kỹ năng cần thiết khi học khối ngành khoa học xã hội - ảnh 1

Học sinh chia sẻ với giáo viên tại phòng tâm lý học đường của một trường học ở TP.HCM. Theo các chuyên gia, để học ngành tâm lý, học sinh phải yêu thích tiếp xúc giao tiếp với con người, đặc biệt có kỹ năng lắng nghe, khả năng kiên nhẫn, thấu hiểu. PHẠM HỮU

Cặn kẽ hơn, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, chỉ ra: “Con người ngày càng chịu nhiều áp lực nên gặp khủng hoảng tâm lý. Ngành này nghiên cứu về thế giới nội tâm của con người, ứng dụng vào nhân sự, kinh doanh thương mại, quảng cáo, chăm sóc khách hàng… nên cơ hội việc làm rất lớn”.

Còn thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng ngành tâm lý học được đào tạo theo hướng rất năng động như chuyên ngành trị liệu tâm lý, tâm lý học phục vụ trong tổ chức nhân sự…

Với khối ngành sư phạm, theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, người học cần có thêm kỹ năng truyền đạt.

Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân, giảng viên Khoa Xã hội học – Công tác xã hội Trường ĐH Mở TP.HCM, chia sẻ: “Khi chúng ta thấy tính rộng mở của khối kiến thức và nhóm ngành nghề của khối ngành này, thì các trường luôn chú ý đến việc đào tạo cho người học 3 trụ cột quan trọng là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Ngoài các kỹ năng về giao tiếp, tư duy phản biện thì còn cần có một óc biết phân tích, thái độ đối với thời cuộc, với cuộc sống và môi trường xung quanh. Đây chính là khối ngành giúp chúng ta có thể sống trong một thế giới luôn thay đổi không ngừng”.

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lưu ý thêm TS muốn học tốt các ngành thuộc khối khoa học xã hội hành vi và ra trường có thể làm việc thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì cần trang bị thật tốt 4 kỹ năng quan trọng gồm giao tiếp, tư duy phản biện, sáng tạo và hợp tác.

Theo Nữ Vương – Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)