Một số trường đại học dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh trong năm 2022. Diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19, phương án tổ chức các kỳ thi này có một số điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế.
Nhiều điểm mới đáng chú ý
Đến thời điểm này, một số trường ĐH đang chuẩn bị kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho năm 2022. Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài trong vài năm gần đây, các trường đang tính những phương án nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh (TS) tham dự.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 hiện đã chốt thời gian tổ chức đợt 1 vào chủ nhật cuối cùng của tháng 3 (dự kiến ngày 27.3 – PV). Nhưng thời gian tổ chức đợt 2 kỳ thi này đang được lấy ý kiến rộng rãi để điều chỉnh phù hợp hơn, có thể vào cuối tháng 5 thay vì đầu tháng 7 như các năm trước.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2021. NGỌC DƯƠNG
“Một điểm mới thứ hai, kỳ thi này có thể được tổ chức ở nhiều địa phương hơn nhằm hạn chế việc TS phải di chuyển nhiều trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Ngoài 7 địa phương của năm trước đó (TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Đắk Lắk) thì kỳ thi này có thể diễn ra thêm một số địa phương khác”, tiến sĩ Chính cho hay.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dù chưa diễn ra trong năm 2021 do dịch Covid-19, nhưng dự kiến sẽ có nhiều điểm mới trong năm 2022. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng trường này, cho biết theo kế hoạch kỳ thi này có thể được tổ chức 3 – 4 đợt trong năm 2022 và đợt thi đầu tiên dự kiến diễn ra ngay tháng 2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo vị Phó hiệu trưởng này, TS có thể dự thi nhiều đợt trong năm và sử dụng kết quả lần thi tốt nhất để xét tuyển. Kết quả kỳ thi này cũng được bảo lưu trong thời gian 2 năm, TS lớp 11 cũng có thể dự thi nếu có nguyện vọng. Thêm một điểm mới khác là trường có thể sẽ tổ chức thêm điểm thi khác ngoài TP.HCM. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, điều này là cần thiết để hạn chế việc TS phải di chuyển xa. Bởi dù TS làm bài thi trên máy tính nhưng vẫn cần tập trung tại phòng máy ở địa điểm thi do trường tổ chức.
“Mục đích chính của kỳ thi là phục vụ tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Năm 2022, trường sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức có sử dụng kết quả kỳ thi này vào trường (năm 2021 dự kiến 20% chỉ tiêu một số ngành). Tuy nhiên, với kết quả thi từng môn riêng lẻ gắn với các môn học truyền thống trong chương trình THPT, kết quả kỳ thi này hướng tới mục tiêu xa hơn là phục vụ xét tuyển các trường ĐH, CĐ khác theo tổ hợp truyền thống”, thạc sĩ Trung chia sẻ.
Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021. ĐÀO NGỌC THẠCH
Các kỳ thi này kiểm tra kiến thức gì ?
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến có nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có 1 phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong năm tới. Điểm xét tuyển phương thức này gồm điểm 1 môn TS tham dự kỳ thi năng lực (nhân hệ số 2) và điểm trung bình học bạ 6 học kỳ THPT của 2 môn khác (theo tổ hợp truyền thống). TS có thể lựa chọn đăng ký các môn riêng biệt do trường tổ chức gồm: toán, lý, hóa, sinh, văn, tiếng Anh.
TS làm bài thi trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm và tự luận tùy theo môn. Cụ thể các môn toán, lý, hóa, sinh là bài thi 50 câu hỏi, thời gian làm bài 90 phút. Trong đó 35 câu trắc nghiệm 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn, TS phải sử dụng năng lực của mình để giải quyết và điền kết quả vào ô trống. Cũng diễn ra trong 90 phút nhưng bài thi môn văn TS sẽ thi cả hai hình thức trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn và 1 bài văn nghị luận xã hội với khoảng 600 từ (chủ đề bài văn nghị luận xã hội sẽ được ra theo hướng mở). Riêng bài thi môn tiếng Anh, TS làm trong 180 phút, gồm 4 phần tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung tham chiếu 6 bậc dành cho VN.
“Mỗi môn thi đều gắn với môn học trong chương trình THPT nên thuận lợi cho TS trong việc chuẩn bị. TS không cần luyện thi, chỉ cần học tốt chương trình học hiện hành. Nội dung câu hỏi sẽ bám sát kiến thức trong chương trình THPT, trong đó 70 – 80% chương trình lớp 12, còn lại thuộc lớp 11 và rất ít phần thuộc lớp 10. Tất nhiên, đề sẽ có những câu hỏi yêu cầu năng lực suy luận, phân tích, vận dụng với mức độ cao hơn để phân loại TS”, thạc sĩ Trung lưu ý.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cũng khẳng định bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức được giữ ổn định về cách thức và nội dung kiến thức. Theo đó, TS làm một bài thi duy nhất gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn trong thời gian 150 phút.
Bài thi này có cấu trúc 3 phần, mỗi phần kiểm tra những khối kiến thức cụ thể khác nhau. Phần 1 sử dụng ngôn ngữ với 40 câu gồm tiếng Việt và tiếng Anh. Phần 2 với 30 câu sẽ kiểm tra khả năng áp dụng kiến thức toán học, khả năng tư duy logic, diễn giải và so sánh phân tích số liệu của TS. Phần 3 giải quyết vấn đề gồm 50 câu hỏi, TS giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và lĩnh vực khoa học xã hội (địa lý, lịch sử) dựa trên những kiến thức giáo khoa cơ bản.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cũng thông tin trường dự kiến tổ chức kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh vào tháng 5.2022. Theo đó, cách thức và nội dung kiểm tra cơ bản được giữ ổn định như các năm trước đó. Cũng theo vị Phó hiệu trưởng này, kết quả kỳ thi này dự kiến được sử dụng để xét TS vào trường đến khoảng 70% vào năm 2022.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)