Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các lĩnh vực kinh tế TP.HCM tiếp tục có mức tăng trưởng khá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong tháng 8, các lĩnh vực kinh tế TP.HCM tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc; nhiều doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.


Ông Đặng Quốc Toàn – Chánh Văn phòng UBND TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo

Chiều 30-8, UBND TP.HCM tổ chức họp báo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP, tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 9-2022.

Tham dự họp báo và báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 8, 8 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp tháng 9 – 2022, ông Đặng Quốc Toàn – Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, trong tháng 8, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc; nhiều doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại TP và nhiều hoạt động khuyến mại tập trung được tổ chức. Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8-2022 ước tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 104% so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu du lịch tăng 2.567% so với cùng kỳ năm 2021 (do năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19).

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh được TP tiếp tục kiểm soát tốt trong điều kiện có những yếu tố phát sinh bất lợi như dịch sốt xuất huyết, biến chủng mới của Covid-19, nguy cơ xuất hiện dịch đậu mùa khỉ.

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS 2021) của TP có bước cải thiện, đạt 86,69%, nằm trong nhóm các tỉnh, TP có mức hài lòng thuộc loại trung bình thấp (từ 83% đến dưới 87%). 

“Nếu so sánh với kết quả từ năm 2017 đến năm 2021 cho thấy có sự tiến bộ trong việc nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP, tăng dần qua các năm từ 71,19% vào năm 2017 tăng hơn 15% đạt 86,69% vào năm 2021”, ông Đặng Quốc Toàn cho hay.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, theo Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, tình hình kinh tế – xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành TP trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc về đất đai, về tải sản công còn chậm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2022 tăng 1,95% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 10/11 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng là 9,57% do tác động giá xăng, dầu tăng cao.

Dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp. Sự gia tăng trở lại các ca mắc Covid-19; dịch sốt xuất huyết còn tiếp tục diễn biến phức tạp số ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết tăng so với tháng trước; nguy cơ xâm nhập vào TP của bệnh đậu mùa khỉ và bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác.

Trước tình hình trên, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, trong tháng 9 và thời gian tới, TP phấn đấu thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo các nghị quyết của Chính phủ. Cùng với đó, triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường công tác cải cách hành chính, thực hiện “Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày” các tháng còn lại trong năm 2022; tăng cường kỷ luật kỷ cương.

TP cũng tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; đặc biệt là nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công, nâng cao các chỉ số PCI, DDCI, PAPI, PAR Index.


Thời gian qua, kinh tế du lịch trên đà phục hồi, đóng góp lớn cho thu ngân sách TP (Trong hình là hoạt động xúc tiến thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long)

Thực hiện nghiêm hiệu quả chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các tháng còn lại trong năm 2022.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của quận, huyện và TP.Thủ Đức liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đồng thời, tổ chức sơ kết công tác triển khai chương trình chuyển đổi số của TP và triển khai đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025. Triển khai Cổng dịch vụ công TP, hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, TP tăng cường kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến khó lường như dịch bệnh covid-19, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và các dịch bệnh khác. Tiếp tục rà soát nguồn lực để sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có diễn tiến theo chiều hướng xấu. Khắc phục ngay tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc bằng nhiều giải pháp, phương án phù hợp; nâng cao năng lực hoạt động y tế cơ sở.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội, TP chuẩn bị và tổ chức tốt hội nghị văn hóa. Tổ chức các hoạt động trọng tâm chào mừng lễ hội “Tết Độc lập” kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và 77 năm Ngày Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền…

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)