Đề thi với hình thức trắc nghiệm khách quan (gọi là thi theo hình thức trắc nghiệm) gồm nhiều câu hỏi, nhưng chỉ có một câu trả lời đúng hay câu trả lời tốt nhất. Đề thi trắc nghiệm khách quan thường sử dụng một số loại câu hỏi sau: Câu hỏi nhiều lựa chọn: Đây là loại câu hỏi thường sử dụng nhất. Câu trả lời đúng cho từng câu hỏi được lựa chọn từ nhiều phương án (thông thường có 4 phương án). Câu hỏi ghép đôi: Là loại câu hỏi gồm 1 dãy các phương án lựa chọn được dùng để trả lời hoặc để gắn kết với một trong các câu hỏi khác (còn gọi là câu hỏi kết cột, kết nối). Câu hỏi đúng sai: Đây là loại câu hỏi chỉ có 2 cách lựa chọn. Câu hỏi điền khuyết: Trong câu hỏi này phải điền một từ hay liệt kê các sự việc hoặc nhiều từ hay nhiều sự việc. Câu nhiễu: Các phương án lựa chọn sai của câu hỏi trong đề thi.
Đề thi trắc nghiệm thường dựa trên cơ sở phát triển năng lực trí tuệ HS ở 6 mức độ từ đơn giản đến phức tạp gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá.
Đề thi trắc nghiệm khách quan có ưu điểm là đánh giá phạm vi kiến thức rộng hơn hình thức tự luận. Với số lượng câu hỏi nhiều hơn tự luận, mỗi câu lại có 4 phương án trả lời, nên khối lượng kiến thức đưa vào đề thi khá lớn, có thể đủ để dàn trải hầu hết các nội dung của chương trình học. Vì vậy thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan sẽ hạn chế được tình trạng học tủ, học lệch của HS, yêu cầu các em học đầy đủ, toàn diện và không được bỏ qua bất cứ kiến thức cơ bản nào có trong chương trình.
Khi làm đề thi trắc nghiệm khách quan, HS cần lưu ý không nên tập trung quá nhiều thời gian cho một câu nào đó, nhất là những câu quá khó. Nếu chưa giải quyết được ngay thì nên chuyển sang câu khác, lần lượt đến hết, sau đó sẽ quay lại nếu còn thời gian. Đừng để xảy ra tình trạng “vướng mắc” ở một câu mà bỏ qua cơ hội kiếm điểm ở những câu hỏi khác trong khả năng của mình ở phía sau. Kinh nghiệm tốt nhất là cần lọc ra nhanh nhất những câu hỏi chỉ yêu cầu ở mức độ nhận biết để dành ít thời gian làm loại câu này. Cũng cần luôn nhớ rằng các câu hỏi trong đề thi đã được xáo trộn thứ tự ngẫu nhiên, nên không có thứ tự sắp xếp cho câu hỏi dễ, khó. Đối với những câu hỏi yêu cầu mức độ cao hơn nhận biết, nếu chưa nhìn ra ngay phương án đúng thì nên loại các phương án nhiễu dễ nhận được nhất. Thông thường, trong 3 phương án nhiễu sẽ có một phương án nhiễu dễ nhầm với phương án đúng là khó nhận ra nhất. Do vậy, cần loại ngay hai phương án sai dễ nhận thấy. Ví dụ, có 4 phương án trả lời, chưa biết cái nào đúng thì loại trước hai phương án nhiễu dễ nhận được chính xác, còn lại, khi lựa chọn phương án trả lời sẽ nhanh và xác suất trả lời đúng sẽ cao hơn. Như vậy, nhìn vào các phương án, thí sinh đã phải phán đoán, loại được phương án sai thì mới kịp trả lời tất cả các câu. Do đó, việc rèn khả năng phán đoán, suy luận nhanh trên cơ sở nắm vững kiến thức đã được chuẩn bị đầy đủ là rất quan trọng và cần thiết cho HS thi theo hình thức trắc nghiệm để đạt kết quả cao.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)