Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Các loài chim và tác dụng chữa bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Chim bồ câu
Chim bồ câu với tác dụng bồi bổ cơ thể

Bồ câu

Dân gian hay nói “một con bồ câu hơn chín con gà” vì tác dụng bổ dưỡng của nó. Chất thịt bồ câu non mịn, vị tươi ngon, có đặc điểm lượng protein cao, lượng mỡ và cholesterol thấp, đồng thời trong thịt chim bồ câu còn có vitamin A, B1, B2, E và nhiều nguyên tố vi lượng là thành phần tạo máu, do vậy giá trị dinh dưỡng trong thịt chim bồ câu cao hơn thịt gà, cá, thịt bò… Thường xuyên ăn thịt chim bồ câu có thể kích thích ăn uống, tăng khả năng tuần hoàn máu, giúp con người có tinh thần, thể lực sung mãn, da mịn, hơn nữa phòng chống lão hóa sớm và bạc tóc sớm. Khoa học còn chỉ ra rằng thịt chim bồ câu dễ tiêu hóa hấp thu, nên đối với người cao tuổi, chức năng tiêu hóa kém và trẻ em thì tác dụng bổ dưỡng của thịt chim bồ câu càng rõ rệt. Ăn thịt chim bồ câu có thể làm vết thương mau kín miệng.
Một vài món ăn – bài thuốc từ chim bồ câu
Thịt chim bồ câu có tính bình do vậy bệnh trạng thuộc hàn hay nhiệt, thể chất âm hay dương suy đều dùng được.
Canh thịt chim bồ câu hạt sen: Món ăn này thích hợp với những người lao tâm quá mức, tâm thần bất ổn, mất ngủ di tinh.
Cách làm: lấy 2 con bồ câu non đã làm sạch, để ráo nước. Sau khi xát một lớp rượu ngon lên mình chim thì cho vào chảo rán vàng. Lấy 300g hạt sen ngâm nước cho nở, bóc bỏ vỏ và tâm sen rồi luộc chín, dùng dầu lạc rang qua. Có thể cho thêm 300g thịt lợn thái miếng. Cho vào nồi đất thịt chim, thịt lợn, nhục quế, hành, gừng, thêm chút rượu vang, muối, đường phèn, xì dầu rồi đặt lên bếp lửa to đun sôi, tiếp theo hầm nhỏ lửa, đợi cho thịt chim chín nhừ mới cho hạt sen vào hầm tiếp cho nhừ hạt sen là được. Lấy chim ra đặt úp lên đĩa, bỏ hành, gừng, quế đi, đun lại nồi canh cho đặc lại, hòa chút bột cho vào nồi canh cho sánh rồi rắc hành hoa, bột hồ tiêu và dầu vừng, ăn thịt chim, thịt lợn, hạt sen và uống nước.
Thịt chim bồ câu hầm đông trùng hạ thảo:
Món ăn này thích hợp cho những người thận tinh hư tổn, hay quên, chóng mặt, chân tê dại rã rời, lưng đau mỏi.
Nguyên liệu: 2 con chim bồ câu, 15g đông trùng hạ thảo, 15g hoài sơn, 10g long nhãn, 10g mộc nhĩ trắng, 15g hạt sen, gừng, đường phèn.
Cách làm: chim bồ câu bỏ nội tạng, làm sạch lông để ráo nước. Hạt sen cho vào nồi luộc qua, dùng đũa khuấy nhanh, bóc bỏ vỏ ngoài. Mộc nhĩ trắng ngâm trong nước ấm, rửa sạch. Hạt sen và chim cho vào bát hấp, trên rắc một lớp gừng rồi cho tiếp đông trùng hạ thảo, hoài sơn, long nhãn, mộc nhĩ trắng và đường phèn vào. Đổ nước sôi vào gần đầy bát thì đậy lại, cho bát vào nồi nước sôi hầm cách thủy trong 3 giờ là dùng được.
Chim sẻ
Chim sẻ với tác dụng chữa bệnh
Chim sẻ là loại thực phẩm hảo hạng để cường dương bổ hư, ăn vào sẽ tăng khí cho ngũ tạng, trợ giúp dương đạo và ích tinh tủy. Chim sẻ vị ngọt, tính ấm có thể giúp cường dương, ấm lưng gối, giảm tiểu tiện và trị bệnh băng đới (khí hư) ở phụ nữ. Tất cả những người mắc chứng bệnh dương hư khí tổn đều có thể ăn chim sẻ để ấm bổ. Những người âm hư hỏa vượng, dương cường dễ cương lên thì không nên ăn.
Một số món ăn – bài thuốc từ chim sẻ

Chim sẻ

– Dương khí hư tổn có thể dùng 3 con chim sẻ, 150g gạo tẻ, 3 nhánh hành củ nấu thành cháo ăn.
– Những người dương suy, lưng mỏi gối chồn, liệt dương, xuất tinh sớm có thể lấy 3 con chim sẻ, 15g thỏ ty tử, 15g thung dung. 2 loại thuốc Đông y này sắc lấy nước rồi hầm chim sẻ, hoặc cho thuốc vào túi vải, hầm lẫn với chim khi ăn thì bỏ túi thuốc.
– Những người dương suy, tinh thần mệt mỏi, hay quên chóng mặt có thể lấy 2 con chim sẻ, 15g thiên ma, cho nước vào đun chín rồi ăn.
– Chim sẻ 3 con, thỏ ty tử 10g, câu kỷ tử 10g nấu canh ăn rất tốt. Chim sẻ có tác dụng cường dương, bổ thận, ấm lưng gối, giảm tiểu tiện, trị băng đới.
Thỏ ty tử là thuốc cường dương, có thể bổ thận ích tinh, bổ gan sáng mắt. Câu kỷ tử bổ âm bổ hư, ích tinh, sáng mắt. Cả 3 thứ này phối hợp có tác dụng trị dương đạo, làm khỏe lưng gối, bổ gan thận, chữa liệt… rất thích hợp với những người mắc chứng bệnh dương teo, xuất tinh sớm, lưng gối chồn mỏi, tỳ vị hư hàn, phụ nữ bị bạch đới. Những người mắc các bệnh thần kinh chức năng đặc biệt nên ăn món này.
Chim cút
Chim cút với tác dụng chữa bệnh

Chim chú

Chim cút còn được gọi là “nhân sâm động vật” vì nó được coi như một loại thuốc tốt giúp bồi bổ nội tạng, bổ trung ích khí, cứng gân cốt, chịu đựng được nóng rét, tiêu nhọt do nóng, có tác dụng bổ hư trừ bệnh tốt. Chim cút rất giàu protein, muối vô cơ, vitamin… thịt nó có vị thơm ngon lại dễ tiêu hóa hấp thụ, rất thích hợp với phụ nữ có thai, phụ nữ sau khi sinh, người cao tuổi sức khỏe yếu. Nó cũng là món ăn có tác dụng chữa bệnh tốt đối với những người béo phì và cao huyết áp.
Theo tính toán khoa học, thịt chim cút bổ hơn thịt gà và một số loại động vật khác, đồng thời lại có khả năng “bồi bổ ngũ tạng” giúp con người chịu được hàn, nóng như của nhân sâm.
Một số món ăn – bài thuốc từ chim cút
Tác dụng chữa bệnh của chim cút tương đối nhiều, thường dùng để bồi bổ ngũ tạng, bổ trung ích khí, thanh lợi thấp nhiệt và chữa bệnh cam trẻ em.
Bồi bổ ngũ tạng: những người gan thận tinh máu hư tổn, đau lưng, thần kinh mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt có thể dùng 30g câu kỷ tử, 30g hoàng tinh cho vào bụng chim cút đã làm sạch, thêm nước, hành, gừng, muối rồi hầm ăn. Những người làm việc trí óc nhiều, thương tổn tâm thần có thể lấy 1 con chim cút, 30g long nhãn, 1 khúc xương sống lợn rồi hầm lên ăn.
Bổ trung ích khí: dùng 1 con chim cút, 15g đẳng sâm, 30g hoài sơn đun lên cùng với chim rồi ăn. Mỗi ngày ăn 1 lần trong mấy ngày liền, có tác dụng chữa các chứng bệnh tỳ vị suy yếu, tiêu hóa kém, ăn không thấy ngon.
Thanh lợi thấp nhiệt: lấy 1 con chim cút, 60g đậu đỏ đun lẫn ăn, có thể chữa các bệnh kiết lỵ, bệnh tê chân do thấp nhiệt.
Trừ bệnh cam tích ở trẻ em: lấy 1 con chim cút hầm nhừ, thêm 30g bột sơn dược, 15g bột kê nội kim trộn đều lên ăn, chia ăn làm 2-3 ngày.
BS. Thu Hương (Theo SK&ĐS)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)