Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Các loại phí bủa vây tân sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Tân sinh viên bắt đầu nhập học sau khi có quyết định trúng tuyển. Ngoài học phí, một số trường “đẻ” ra một số khoản thu phi chính thống.
Đến hẹn lại lên, đầu năm học, các loại phí lại bủa vây sinh viên. Ảnh: CTV
Đến hẹn lại lên, đầu năm học, các loại phí lại bủa vây sinh viên. Ảnh: CTV
Trong thông báo nhập học đối với thí sinh trúng tuyển năm 2021, Trường ĐH Thủ đô yêu cầu tân sinh viên ngoài học phí, 2 khoản phí thu hộ là bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể (tự nguyện), còn phải đóng kinh phí nhập học là 150.000 đồng/người. Tương tự, thí sinh trúng tuyển vào ngành dược Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương đóng phí nhập học 900.000 đồng/sinh viên, trong khi các ngành khác đóng 700.000 đồng.

Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông thu mỗi sinh viên 750.000 đồng kinh phí làm thủ tục nhập học. Kinh phí này gồm các khoản khám sức khỏe, đăng ký tạm trú, thẻ sinh viên, tài liệu học tập tuần lễ công dân đầu năm học, kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào… Phí nhập học Trường ĐH Hùng Vương TPHCM là 748.000 đồng, Trường CĐ Sư phạm Trung ương, Hà Nội là 350.000 đồng, Trường ĐH Đà Lạt 170.000 đồng, Trường ĐH Hoa Sen 110.000 đồng…

Trường ĐH Lao động xã hội cơ sở TPHCM thu tiền khám sức khỏe 337.300 đồng/sinh viên. Ngoài ra, tân sinh viên phải đóng 442.000 đồng tiền thi Anh văn đầu vào, 50.000 đồng làm thẻ sinh viên. Trường CĐ Nghề Phú Yên thu 290.000 đồng phí dịch vụ tuyển sinh khi thí sinh nhập học. Trường ĐH Văn hóa TPHCM thu 100.000 đồng phí xử lý hồ sơ nhập học, bảng tên sinh viên, thẻ sinh viên.

Các khoản phí khác như khám sức khỏe, kiểm tra tiếng Anh đầu vào, thẻ sinh viên được nhiều trường thu với mức phí khác nhau. Có trường chỉ thu phí khám sức khỏe 60.000 đồng nhưng không ít trường thu đến vài trăm ngàn đồng. Học viện Chính sách và Phát triển thu phí khám sức khỏe 300.000 đồng/sinh viên, phí làm thẻ sinh viên 50.000 đồng.

Ngoài ra, tài liệu học tập, đi thực tế tuần sinh hoạt công dân – sinh viên, giấy chứng nhận, phiếu khảo sát, hồ sơ sinh viên, sổ ngoại trú – nội trú, sổ tay sinh viên toàn khóa học… được trường gom chung thu 450.000 đồng/sinh viên. Như vậy, tổng các loại phí mà một sinh viên nhập học phải đóng là 800.000 đồng.

Trường ĐH Y Hà Nội thu thêm nhiều khoản phí dịch vụ đào tạo như tiền phục vụ thư viện ngoài giờ 180.000 đồng/khóa với hệ bác sĩ, 120.000 đồng với hệ cử nhân. Trường này cũng thu thêm phí hỗ trợ dạy trực tuyến với mức 60.000 đồng/10 tháng.

Theo lý giải của đại diện bộ phận Tài chính, Trường ĐH Y Hà Nội, sinh viên đã được học trực tuyến bình thường, nhưng với sinh viên ngành y, có nhiều bài giảng cần phải có video lâm sàng hỗ trợ. Những video này đều phải thuê khâu kỹ thuật bên ngoài và khoản phí hỗ trợ dạy trực tuyến là để trả tiền cho phần kỹ thuật này.

Đối với khoản tiền phục vụ thư viện ngoài giờ, vị đại diện này cho hay, trong giờ học chính khóa, sinh viên được sử dụng hoàn toàn miễn phí. Khoản thu này để hỗ trợ các thầy cô trực thư viện phục vụ những sinh viên muốn lên thư viện ngoài giờ hành chính như buổi tối.

Nhiều khoản trường tự “vẽ”

Hôm qua, trao đổi với phóng viên, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, ngoài học phí, các trường ĐH được thu một số khoản như thu hộ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể (tự nguyện). Nhưng vị này cũng cho hay, có nhiều trường thu một lần cho 4 năm học đối với một trong hai khoản thu này là sai quy định.

Nguyên tắc phí là đóng hằng năm. Các trường cũng được phép thu một số khoản khác dưới dạng dịch vụ thu hộ, chi hộ như vệ sinh, nước uống… Đây là những khoản thu thỏa thuận và phải được công bố công khai trước khi thí sinh nhập học. Ngoài ra, còn các khoản khác theo thỏa thuận người học có quyền đóng hoặc chọn phương án khác.

Đối với các khoản thu dịch vụ gia tăng các trường phải chứng minh được sự khác biệt với dịch vụ mà trường có nghĩa vụ cung cấp cho sinh viên, như chi phí hoạt động của thư viện, chi phí giảng dạy trực tuyến phát sinh tăng thêm các khoản phí chênh lệch so với giảng dạy trực tiếp.

Các dịch vụ gia tăng phải đảm bảo cho người học có 2 quyền lựa chọn (tham gia hoặc không) và khi người học từ chối sử dụng dịch vụ gia tăng, các trường vẫn phải đảm bảo tiến độ học tập của sinh viên. Các khoản phí như thư viện điện tử, thư viện ngoài giờ, chi phí học trực tuyến nếu là giải pháp thay thế của quá trình học trực tuyến thì không được phép thu.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, tại Điều 65 Luật Giáo dục ĐH 2018 và Nghị định 81/2021 của Chính phủ có quy định về học phí và các khoản thu dịch vụ khác đối với người học, bên cạnh học phí, các trường được thu thêm các khoản thu dịch vụ tuyển sinh.

Các khoản thu này đủ điều kiện mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí hợp lý thực tế phát sinh. Vì vậy, với các khoản như phí nhập học, phí hồ sơ nhập học là các trường thu không đúng quy định do các khoản này đều đã nằm trong phí tuyển sinh. Còn phí hỗ trợ học trực tuyến cũng không đúng vì các trường đã thu học phí.

Tháng 4, trong kết luận thanh tra Trường ĐH Văn hóa TPHCM, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã chỉ ra trường thu phí sử dụng thư viện, thế chân sử dụng thư viện chưa đúng quy định.

Trường đã dừng việc thu các khoản phí này và hoàn trả cho sinh viên đã nộp, tuy nhiên nhiều sinh viên không đến nhận. Đến thời điểm thanh tra, tài khoản của trường còn dư số tiền 258 triệu đồng. Thanh tra yêu cầu trường nộp ngân sách nhà nước các khoản thu sử dụng thư viện (159 triệu đồng) và thế chân sử dụng thư viện (99 triệu đồng).

HSSV có thể được vay 7 triệu đồng mua máy tính

Trong báo cáo trình Thủ tướng cuối tháng 9 về gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên, Bộ Tài chính đề xuất, học sinh, sinh viên có thể vay tối đa 7 triệu đồng để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến.

Điều kiện được vay vốn là các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo và những em có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, có bố hoặc mẹ mất do dịch bệnh và chưa có máy tính để học trực tuyến. Với mức vay này, Bộ Tài chính dự kiến tổng nguồn vốn bố trí để cho vay là khoảng 3.500 tỷ đồng.

Thời hạn cho vay dưới một năm, lãi suất cho vay là 0% một năm, lãi suất nợ quá hạn là 6,6%, bằng với mức cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay. Bộ Tài chính dự kiến thời gian giải ngân là từ ngày quyết định của Thủ tướng có hiệu lực đến hết 31/3/2022.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)