Phụ huynh chỉ biết đội mũ bảo hiểm cho mình mà chưa quan tâm đến trẻ. Ảnh: Hà Anh |
Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có gần 10 triệu trẻ em ở độ tuổi dưới 5 qua đời vì bệnh tật…
Báo động tai nạn ở trẻ
Theo WHO,hàng năm trên thế giới có gần 10 triệu trẻ em ở độ tuổi dưới 5 qua đời vì bệnh tật. Trong số đó, cókhoảng 829.000 trẻ em chết vì các tai nạn. Tuy con số này là khá nhỏ đối với 10 triệu em nói trên, nhưng nếu tính ra mỗi ngày trôi qua, cũng có tới 2.270 em thiệt mạng. Vào cuối năm 2008, cơ quan WHO bắt đầu nhận thức tầm quan trọng của sự kiện này và đã báo cáo lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng như công bố trên toàn thế giới về con số thương vong trong các loại tai nạn mà các em mắc phải.
Những loại tai nạn phổ biến nhất ở trẻ em là tai nạn do giao thông: xảy ra và cướp đi sinh mạng của 260.000 em trên toàn thế giới ở lứa tuổi dưới 5 mỗi năm. Theo phân tích của các chuyên gia y tế, trong các quốc gia phát triển, các em là những nạn nhân đi kèm theo bố mẹ hay người thân trên xe hơi, còn ở xứ nghèo, đa số các em là người đi bộ hay đi xe đạp nhỏ. WHO cho rằng, thông thường thì cách hữu hiệu nhất để chống lại loại tai ương này chính là các em được ngồi ghế có thắt dây an toàn trên xe của người thân, người lái xe biết giảm tốc độ vừa phải theo quy định của pháp luật. Đối với cơ quan thực thi pháp luật cần có các hình phạt nặng dành cho người lái xe vi phạm Luật Giao thông. Các chuyên gia y tế nhận định, để giảm được tệ nạn này thì Luật Giao thông phải được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và sau đó được nhiều người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong toàn xã hội. Tai nạn kế tiếp là chết đuối: loại tai nạn này cũng làm 175.000 trẻ thiệt mạng hàng năm. Các chuyên gia về giáo dục nhận định, trong phạm vi này, cha mẹ có vai trò rất lớn khi họ phải quan sát và cẩn thận theo dõi con. Đối với cơ quan quản lý giáo dục thì cần gia tăng các lớp dạy huấn luyện sơ cứu người bị chết đuối trong trường học và nhà có hồ bơi phải có rào ngăn thích hợp và có khóa an toàn vì trẻ con dễ bị lôi cuốn vào nghịch nước.
Phụ huynh hãy quan tâm đến sự an toàn của trẻ
Loại tai nạn cháy phỏng cũng thuộc loại phổ biến nhất vì mỗi năm có 96.000 trẻ thiệt mạng vì loại tai nạn này. Trẻ con là đối tượng dễ bị cháy phỏng hăm dọa mạng sống nhất, vì các em còn non nớt, nhưng có một chi tiết lạ lùng là từ 10 đến 14 tuổi thì tỉ lệ bị cháy bỏng lại không cao bằng lứa tuổi từ 15 đến 19 tuổi. Nguyên nhân là ở lứa tuổi thanh thiếu niên này, các em rất thích trò đốt pháo và pháo bông ở một số quốc gia. Bên cạnh đó, các em tiếp cận với xăng dầu, chất dễ gây cháy nổ hoặc là do hiếu động hay nghịch phá với lửa… Trong các biện pháp phòng ngừa có loại bật lửa có khóa để trẻ con không mở được, các dụng cụ báo động khói trong nhà, cha mẹ phải chăm sóc con cái, nhất là trong khu vực nhà bếp hay khi cắm trại có đốt lò.
Trong các loại tai nạn ở trẻ em thì té ngã là loại tai nạn đã cướp đi 47.000 trẻ em mỗi năm. Đây là cái chết thương tâm do loại tai nạn bất ngờ này gây ra và những lý do gây ra tai nạn té ngã rất đa dạng. Có khi tai nạn xảy ra tại những nơi giữ trẻ là do lỗi của người trông giữ trẻ (do bị stress quá nhiều), do môi trường không an toàn cho trẻ em và cả lỗi của cha mẹ hay người thân do vô ý. Riêng tại nước Đức, các chuyên gia cho rằng té ngã trong gia đình là loại tai nạn hết sức phổ biến cho mọi thành viên và là một trong các nguyên nhân hàng đầu cho các em ở độ từ 1 đến 6 tuổi. Một công ty đóng giường cho trẻ con của Canada mới đây đã phải cho thu hồi hàng triệu cái giường không an toàn khiến em bé có thể bị lọt và bị đè chết giữa khoảng trống của thành giường và lớp đáy. Các nhà giáo dục cho rằng, cần phải nghiên cứu vẽ kiểu sân chơi an toàn cho trẻ và các loại bàn ghế hay giường trong nhà, nhất là loại giường đôi, cửa sổ và bao lơn cũng là những khu vực nguy hiểm cho trẻ nhỏ, cùng với việc hướng dẫn cho các bậc phụ huynh biết những hiểm nguy bất chợt không ngờ của việc té ngã xảy ra cho trẻ nhỏ.
Sau cùng là nhiễm độc do thuốc và thực phẩm: có 45.000 trẻ em chết mỗi năm ở loại tai nạn này. Trẻ dưới 1 tuổi là có nguy cơ cao nhất, vì thế các nhà sản xuất thực phẩm luôn phải nghĩ tới việc chế tạo bao bì các loại cho an toàn đối với rất nhiều sản phẩm có thể lọt vào tầm mắt tò mò của các cháu. Cha mẹ cũng cần lưu ý giữ môi trường trong nhà không có độc chất, kể cả ngoài sân vườn. Các hóa chất độc hại trong việc tẩy rửa hay đánh bã thú vật là phải tuyệt đối bỏ vào tủ có khóa cho an toàn. Cha mẹ cần có kiến thức tối thiểu về chuyện ngộ độc, biết phải làm sao trong các trường hợp cần kíp, trước khi đưa con đi bệnh viện.
(theo Time và Live Science)
Ngọc Hà
Bình luận (0)