Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Các lưu ý khi kể chuyện, đọc truyện cổ tích

Tạp Chí Giáo Dục

Truyện cổ tích chứa đựng nhiều giá trị giáo dục cho trẻ nhỏ. Nhưng làm sao để phát huy tốt nhất có thể những ích lợi của truyện cổ tích mang đến cho trẻ? Thứ nhất, phụ huynh cần chọn lọc truyện phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Bởi vì truyện cổ tích, cũng như các tác phẩm nghệ thuật khác, thể hiện nhân sinh quan của tác giả đối với thế giới khách quan, hàm chứa cách nhìn về cuộc sống của tác giả. Các quan điểm này, trong nhiều trường hợp, đòi hỏi ở người tiếp nhận cần đạt được một số yêu cầu nhất định về độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn… Thứ hai, để trở thành một câu chuyện tròn vẹn, đòi hỏi tác phẩm truyện cổ tích phải có nhiều tình tiết, nhiều tình huống xảy ra, giúp nhân vật thể hiện cá tính, và giúp truyện có mạch diễn biến logic. Nhưng khi kể, phụ huynh nên chú ý làm đậm các chi tiết thiện lành, các chi tiết mang lại cảm xúc tích cực; và ngược lại, cố gắng cắt giảm các tình tiết mang tính đấu tranh. Hạn chế các chi tiết quá khích, tạo sự căng thẳng không cần thiết. Thứ ba, cần sự sáng tạo của phụ huynh. Là một sản phẩm của trí tuệ dân gian, truyện cổ tích được sáng tạo qua mỗi lần kể. Những dị bản chứa nhiều chi tiết bạo lực có khả năng được kể lại bởi những thái độ quyết liệt với cái xấu, cái ác của người kể. Trong thực tế cuộc sống, hoàn toàn có kiểu người cá tính mạnh mẽ như vậy, nhất định cái xấu phải được răn đe trừng trị. Thế nên, để sinh động, và cũng là để phù hợp với sự tiếp nhận của từng trẻ, phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động kể lại câu chuyện bằng sự sáng tạo của bản thân. Sự sáng tạo này cũng giúp phụ huynh dễ dàng định hướng nhân cách cho trẻ ngay từ những bài học đầu tiên. Thứ tư, thời điểm kể chuyện cũng là một yếu tố quan trọng. Mặc dù có thể kể chuyện cho trẻ vào nhiều khung giờ khác nhau trong ngày nhưng thông thường phụ huynh lựa chọn thời điểm kể cho trẻ vào thời gian trước lúc đi ngủ buổi tối. Vậy thì cần lưu ý tránh kể các câu chuyện có nhiều tình tiết bạo lực, ma mị. Phụ huynh thường có thói quen nhát ma trẻ, hoặc hù dọa; thậm chí có phụ huynh cảm thấy thú vị khi thấy trẻ biểu lộ cảm xúc sợ hãi! Đây rõ ràng là một hành động gây ám ảnh tâm lý cho trẻ, tạo ra những sang chấn tâm lý lâu dài về sau. Thứ năm, kể chuyện, đọc truyện kết hợp tương tác với trẻ, cùng trẻ phân tích nhân vật, tình huống truyện; lắng nghe, chia sẻ cảm xúc của cả hai là một phương pháp có nhiều hiệu quả ích lợi. Một mặt tạo sự hứng thú, cuốn hút cho trẻ, mặt khác phụ huynh khéo léo định hướng cho trẻ các thông điệp giáo dục đơn giản, nhẹ nhàng. Cuối cùng, xen kẽ trong những buổi kể chuyện, đọc truyện cổ tích, phụ huynh có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện đời thực xung quanh cuộc sống của mình. Đó là những câu chuyện giản dị như một bạn nhỏ biết bỏ rác vào thùng, biết đi bộ trên vỉa hè bên phải, biết chào hỏi người lớn tuổi, biết yêu quý cây cỏ và thú vật quanh mình… Đặc biệt, phụ huynh có thể đưa ra các tình huống sinh hoạt hàng ngày theo cấu trúc như thể một câu chuyện cổ tích và gợi ý trẻ hướng giải quyết. Để trẻ trở thành nhân vật chính trong câu chuyện thực là một trò chơi nhập vai hữu ích vô cùng.

Trn Xuân Tiến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)