Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các mục tiêu đã “thực tế” hơn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một số cảnh giao lưu trực tuyến lấy ý kiến đóng góp của các Sở GD-ĐT về dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2009 – 2020

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chậm nhất đến 20-1-2009, các trường phải gửi ý kiến đánh giá về dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 của mình về sở GD-ĐT. Số trường và cơ sở góp ý phấn đấu đạt 50%. Chậm nhất đến 10-2-2009, các sở GD-ĐT đưa ý kiến về Bộ GD-ĐT. So với bản dự thảo lần trước, thì dự thảo lần này đã có nhiều thay đổi. Ông Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (trước là Viện Chiến lược và chương trình giáo dục Việt Nam) cho biết đã rút bớt 24 chỉ tiêu của bản dự thảo chiến lược giáo dục 2009 – 2020.

Mỗi cấp học sẽ có chiến lược riêng
Ông Châu cho biết: Chúng tôi đã tiếp thu một cách nghiêm túc các ý kiến đóng góp cho dự thảo chiến lược, đến ngày 28-12-2008 thì từ 74 chỉ tiêu chúng tôi đã rút xuống còn gần 50 chỉ tiêu. 50 chỉ tiêu đó được tính toán dựa trên những số liệu theo chúng tôi là có căn cứ. Đây không phải là phép trừ một cách thô thiển mà mình giữ lại những gì mình có căn cứ đối chiếu và có triển vọng. Nhưng trong chiến lược không nhất thiết phải nêu hết các số liệu.
PV: Các độc giả cũng góp ý là cần ưu tiên cho các mục tiêu chiến lược ĐH. Trong bản dự thảo mới này Bộ GD-ĐT đã thể hiện điều đó chưa, thưa ông?
– Đây là một chiến lược quốc gia toàn diện. Khi nói đến phổ thông là nói đến ĐH, khi nói đến mầm non là nói đến phổ thông… Các cấp học đều có một vị trí ngang tầm nhau.
Nhưng mục tiêu dàn trải như thế thì khó xác định được đâu là khâu đột phá?
– Đây là một chiến lược quốc gia. Và ở nước nào cũng vậy. Sau đó, Phó thủ tướng Bộ trưởng sẽ chỉ đạo mỗi một cấp học xây dựng một chiến lược riêng cho mình. Như vậy phổ thông, mầm non, ĐH… từ chiến lược chung này sẽ có một chiến lược riêng. Hiện các vụ của Bộ đang nhận trách nhiệm thực hiện việc này.
Năm 2010: không còn biên chế trong giáo viên
Ông đánh giá như thế nào về mục đích nhằm tạo ra sự cạnh tranh trong đội ngũ nhà giáo mà giải pháp này hướng đến?
– Dự thảo Chiến lược đã nêu rất rõ: “Để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu trong đội ngũ nhà giáo, nhanh chóng tiến tới thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng các giáo viên, giảng viên và các viên chức khác, năm 2009 bắt đầu thí điểm ở một số trường phổ thông và trường đại học, tới năm 2010 có 100% số giáo viên, giảng viên mới được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng thay cho biên chế”.
Theo tôi, đây là một trong những giải pháp nhằm tạo ra cạnh tranh mang tính lành mạnh, tạo sự kích thích, là động lực của sự phấn đấu. Không riêng gì ngành giáo dục, mà ở nhiều ngành khác, nếu giữ biên chế, người lao động sẽ không phấn đấu, nỗ lực cố gắng bởi tư tưởng “yên vị”, đã biên chế rồi cứ thế hưởng lương. Việc bỏ biên chế, thay bằng hợp đồng được thực hiện với ngành giáo dục ở nước ta cũng sẽ giống nhiều nước trên thế giới. Đương nhiên, khi người giáo viên dạy tốt sẽ được tiếp tục ký hợp đồng.
Tuy nhiên, chiến lược này không có nghĩa là bắt đầu từ năm 2010, mọi giáo viên sẽ ra khỏi biên chế. Mà bắt đầu từ năm 2010, mọi giáo viên, giảng viên được tuyển dụng  mới đều là ở diện hợp đồng.
Vậy kế hoạch cụ thể thực hiện giải pháp này của Bộ GD-ĐT hiện ra sao, thưa ông?
Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT sẽ lập kế hoạch cụ thể để thực hiện. Năm 2008 bắt đầu thí điểm và trong chiến lược có nêu vào năm 2010 sẽ tiến tới bắt đầu 100% những người được tuyển dụng là ký hợp đồng.
Trước đây ngành đã từng xảy ra tình trạng khủng hoảng thiếu giáo viên. Với chính sách mới này, liệu điều đó sẽ lại xảy ra?
– Ngành giáo dục đang có hơn 1 triệu giáo viên, chiếm khoảng  80% lực lượng công chức nhà nước. Có thể khẳng định, hiện nay giáo viên ở tiểu học không còn thiếu, thậm chí là thừa. Nếu có thiếu thì chỉ ở một số môn đặc thù như giáo dục công dân, ngoại ngữ, tin học, thể chất, giáo dục nghệ thuật… Chủ trương tiến tới thực hiện ký hợp đồng lao động với người giáo viên sẽ là cơ hội tốt để chúng ta thu hút, mời và ký hợp đồng với nhiều người hơn.
Như vậy là tới năm 2010, ngành giáo dục vẫn sẽ tồn tại 2 dạng giáo viên, giảng viên biên chế và hợp đồng. Theo ông phải có những động thái gì để sự cạnh tranh theo hướng tích cực?
– Chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh giữa hai loại hình giảng viên, giáo viên này và ngành sẽ có giải pháp hỗ trợ để tạo sự động viên, khuyến khích giáo viên biên chế làm việc tốt hơn nữa, cống hiến nhiều hơn. Một trong những giải pháp tích cực là người giáo viên cũng sẽ được đánh giá thực chất bởi chính HS, SV và chế độ trả lương của người hiệu trưởng cho từng người.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, năm 2009 sẽ thực hiện thí điểm hiệu trưởng trả lương ở một số ĐH. Ở các nước, người hiệu trưởng có quyền trả các mức lương khác nhau cho giáo viên. Thậm chí có những người hưởng mức lương gấp 10 lần người khác, tương đương với trình độ của mỗi người. Đương nhiên sẽ có cả bộ máy, một hội đồng giúp người hiệu trưởng xây dựng quy định về thang, bảng lương khách quan, khoa học. Điều này cũng đỏi hỏi ở người lãnh đạo sự can đảm, bản lĩnh và công bằng.
Thí điểm hiệu trưởng trả lương cho giáo viên đã được Bộ dự định thực hiện trong năm 2008 nhưng đã không thực hiện được. Năm 2009, vấn đề này theo ông sẽ được giải quyết như thế nào?
– Năm 2009 bắt đầu ở các cơ sở ĐH trước. Hiệu trưởng ĐH sẽ trả lương cho giảng viên. Sẽ nhiều vấn đề nảy sinh. Người hiệu trưởng phải là người can đảm và công bằng. Nhưng chắc sẽ phải có một hội đồng. Bộ sẽ giao quyền cho các trường và hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tất nhiên, bên cạnh người hiệu trưởng là cả bộ máy, không phải của một cá nhân.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

Tại hội nghị, lãnh đạo một số sở GD-ĐT đã nêu những vướng mắc xung quanh dự thảo chiến lược này.

Sở GD-ĐT Lào Cai hỏi: Trong chiến lược có nêu ra mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh của các cơ sở giáo dục, điều này có mâu thuẫn với Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII đã nêu ra là tránh thương mại hóa trong giáo dục?
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã giải đáp những băn khoăn của các sở. Nói đến vấn đề thương mại hoá giáo dục là nói đến mục tiêu vì thu nhập mà coi nhẹ mục tiêu giáo dục cũng như mục tiêu đào tạo con người. Khi nói đến cạnh tranh ở đây là phải công khai hoá thông tin ở các cơ sở đào tạo. Năm học này, Bộ bắt đầu thực hiện 3 công khai: công khai về chất lượng của các cơ sở giáo dục, công khai về nguồn lực, công khai về sử dụng tài chính của đơn vị. Khi thực hiện 3 công khai này, người học và gia đình có quyền đánh giá và lựa chọn những cơ sở nào có chất lượng giáo dục thực sự. Việc lựa chọn của người dân đối với những cơ sở tốt chính là tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị. Điều đó tránh được xu hướng hướng tới mục tiêu lợi nhuận của các đơn vị đào tạo. Giữa chiến lược và Nghị quyết Trung ương 2 không mâu thuẫn với nhau. Chúng ta đã biết là người học khó đánh giá chất lượng của trường khi vào học mà chỉ đến khi ra trường rồi mới biết. Để giúp người học và gia đình hình dung được chất lượng của các trường, Bộ đã thành lập Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng. Hiện 55/63 sở đã có phòng khảo thí và đánh giá chất lượng. Năm 2010, tất cả các cơ sở giáo dục ĐH, chuyên nghiệp phải tham gia đánh giá chất lượng.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)