Học sinh tìm hiểu ngành nghề trong một buổi hướng nghiệp – tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức |
Hiện nay học sinh chỉ chạy theo khối A, B, D vì cho rằng học những khối này cơ hội việc làm cao, thu nhập ổn định. Vì thế, khối C thường là sự lựa chọn cuối cùng của học sinh khi không còn lựa chọn nào. Tuy nhiên, các em chưa thấy được rằng, khối C vẫn còn rất nhiều ngành “hot”.
Ngành xã hội học: Đến năm 2020, cần 60.000 nhân lực
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí thực hiện là 2.347 tỷ đồng. Theo đề án này, đến năm 2020, cả nước cần đào tạo và đào tạo lại 60.000 nhân viên xã hội để mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 đến 2 cán bộ, nhân viên công tác xã hội. Trước mắt, nguồn nhân lực của ngành phải đạt 30.000 nhân viên.
Hiện nay, cả nước có khoảng 30 ĐH, CĐ đào tạo ngành này, mỗi năm có khoảng 1.500 đến 2.000 sinh viên tốt nghiệp nên trong 10 năm tới vẫn khó đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên hiện có một nghịch lý, dù nhu cầu nhân lực của ngành này rất cao nhưng sinh viên vẫn không tìm được việc làm. Theo ThS. tâm lý Trần Thị Thanh Trà, giảng viên Khoa Xã hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á (Trường ĐH Mở TP.HCM): “Các năm trước, thí sinh đăng ký dự thi ngành kinh tế rất đông và đến thời điểm này đang tiến tới giai đoạn bão hòa, trong khi đó ngành xã hội nói chung và xã hội học nói riêng thì đang có những bước thay đổi, phát triển để đáp ứng nhu cầu lao động trong tương lai. Tuy nhiên một số sinh viên ngành xã hội học tốt nghiệp vẫn không xin được việc làm là do các em thiếu tự tin khi xin việc”.
Ngành du lịch: Cần 500.000 nhân lực trong tương lai
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, tính đến tháng 6-2012 thì tổng số khách quốc tế đến Việt Nam có hơn 3 triệu lượt khách (tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2011), ước tính ngành du lịch phục vụ khoảng 17,5 triệu lượt khách nội địa. Trong những năm tới sẽ có nhiều khách sạn khai trương nên cơ hội việc làm sẽ rất cao. Theo dự báo của ngành du lịch Việt Nam, đến năm 2015, ngành du lịch nước ta còn thiếu khoảng 500.000 nhân lực có chất lượng.
Hiện nay, ngành du lịch có tuyển cả khối C và khối D ở nhiều trường ĐH, CĐ và cả TCCN. Ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (ngành du lịch) của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM được mở vài năm trở lại đây nhưng đã thu hút rất nhiều thí sinh quan tâm. Bằng chứng là điểm trúng tuyển vào ngành này của trường tương đối cao so với những ngành khác, năm 2012 là 20 điểm (chỉ đứng sau ngành báo chí).
Ngành tâm lý học: Nhu cầu ngày càng tăng
Khi nhu cầu về đời sống vật chất của con người ngày càng phát triển thì đời sống tinh thần cũng được nâng cao. Tuy nhiên, có một thực tế là số người bị khủng hoảng tâm lý cũng ngày càng tăng lên. Chính vì vậy, con người thường xuyên tìm đến các nhà tâm lý để được tư vấn, giải đáp những thắc mắc nhằm tiến tới một cuộc sống vui vẻ, hứng khởi hơn. Đây là lý do vì sao những năm gần đây, ngành tâm lý trở thành một ngành “hot” khi cung thì rất cần mà cầu lại thiếu.
Ngành tâm lý học không chỉ tuyển thí sinh khối C mà còn tuyển cả nhiều khối khác. Chẳng hạn, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tuyển khối C, D1, A; Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển khối C và D1; Trường ĐH Văn Hiến tuyển khối A, B, C, D1… Ngành này sẽ cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản, chuyên sâu về tâm lý con người, những kỹ năng thực hành tâm lý phục vụ cho việc ứng dụng tâm lý vào đời sống.
ThS. tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Hiện ở khu vực miền Nam chưa có trường CĐ nào đào tạo ngành tâm lý, riêng bậc ĐH thì chỉ có 3 trường tại TP.HCM là ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH KHXH&NV và ĐH Văn Hiến. Những năm gần đây ngành tâm lý học đã được quan tâm và ngày càng trở nên cần thiết đối với xã hội”. Hiện nay, hầu hết các trường THPT đều có phòng tham vấn học đường và rất cần các chuyên gia tham vấn phụ trách nhưng vẫn khó tuyển nên thường là giáo viên bộ môn hoặc cán bộ Đoàn phụ trách. Ngoài ra, các công ty chuyên về tâm lý được mở ra ngày càng nhiều do nhu cầu tăng nên người học có rất nhiều cơ hội việc làm.
Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận (0)