Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Các ngành nghề trong xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

A. KHỐI NGÀNH KINH TẾ TÀI CHÍNH

Quản trị kinh doanh

Quản trị kinh doanh (QTKD) là việc thực hiện các hành vi quản trị quá trình kinh doanh để duy trì, phát triển công việc kinh doanh của một hoặc một số doanh nghiệp trong một ngành nghề nào đó.
Trong kinh doanh, quản trị bao gồm việc cân nhắc, tạo ra hệ thống, quy trình và đa hiệu quả "hiệu suất" hoặc "quản lý hoạt động kinh doanh" bằng quá trình tư duy và ra quyết định của nhà quản lý.
Đây là ngành học tương đối rộng bởi tính ứng dụng cao trong nhiều mặt của đời sống. Hiện tại, có các chuyên ngành đào tạo về QTKD như sau:
1. Quản trị kinh doanh tổng hợp: Cung cấp kiến thức cơ bản về kinh doanh, về quá trình kinh doanh và quản trị ở các doanh nghiệp, các kỹ năng cơ bản để vận dụng kinh doanh nói chung vào lĩnh vực chuyên môn như hoạch định chiến lược kinh doanh, tổ chức quản trị, những kiến thức mới và hiện đại về quản lý kinh doanh…
Kỹ năng đạt được khi kết thúc khoá học: xác định mục tiêu kinh doanh, xây dựng các chính sách về kinh tế, hoạch định các công việc quản lý nguồn nhân lực và các chiến lược kinh doanh, quản trị chất lượng, tổ chức điều hành hoạt động thực hiện mục tiêu kinh doanh đã đề ra, kiểm soát quá trình thực hiện mục tiêu…
Vị trí công việc: Nhà điều hành hoặc giữ vai trò chuyên viên trong các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty tài chính, thị trường chứng khoán. Đồng thời có thể làm nghiên cứu, tư vấn đào tạo các hoạt động kinh tế, thương mại dịch vụ trong nước và quốc tế hoặc tự thành lập doanh nghiệp trở thành giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT…
2. Quản trị chất lượng: Đào tạo về kỹ năng quản trị chất lượng, thiết kế hệ thống chất lượng, đo lường chất lượng, chi phí chất lượng, tiêu chuẩn hóa, thống kê chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng…
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng: lên kế hoạch về quản trị chất lượng dựa trên thực tế, định được mức chất lượng tối ưu nhất trong chiến lược kinh doanh, tổ chức hệ thống quản trị chất lượng trong công ty mình, từ đó thúc đẩy việc tiến hành tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với thực lực công ty mình và có sức cạnh tranh càng cao càng tốt, hướng đến việc đạt chuẩn quốc tế.
Những vị trí cho sinh viên tốt nghiệp ngành này là: làm công tác quản lý nhà nước về chất lượng, công tác quản lý ở các công ty, quản lý điều hành kiểm tra chất lượng ở các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ…
3. Thương mại:
Một nhà hoạt động trong lĩnh vực quản trị kinh doanh chuyên ngành thương mại là người thực hiện các nghiệp vụ cơ bản về kinh doanh, xây dựng và hoạch định chiến lược, xây dựng chính sách phát triển kinh doanh thương mại của doanh nghiệp, thực hiện các hợp đồng kinh doanh thương mại…
Họ có thể là: Nhà điều hành các doanh nghiệp, công ty tài chính, công ty thương mại và dịch vụ trong nước và quốc tế, các lĩnh vực có liên quan như ngân hàng, tài chính, công tác nghiên cứu, tư vấn đào tạo, các Vụ thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Sở Thương mại, Sở Kế hoạch Đầu tư hoặc làm ở phòng kinh doanh, phòng xuất nhập khẩu tại các tổng công ty, liên hiệp công ty hoặc có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, giảng viên…
4. Kinh doanh quốc tế
Nói đến kinh doanh quốc tế là nói đến giao lưu, hợp tác làm ăn với các đối tác nước ngoài hoặc chí ít cũng làm việc trong môi trường kinh doanh có người nước ngoài phụ trách. Vì thế ngoài những kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh, người kinh doanh quốc tế cần trang bị một vốn ngoại ngữ thật vững để làm tốt vai trò của mình.
Công việc của người QTKD quốc tế: Lập và tổ chức các dự án đầu tư quốc tế; xây dựng các chiến lược kinh doanh dịch vụ quốc tế như vận tải và giao nhận quốc tế, bảo hiểm quốc tế, du lịch quốc tế, thanh toán quốc tế, tín dụng đấu thầu quốc tế, quản trị tài chính quốc tế, quản trị nhân lực quốc tế, tổ chức các hội chợ và triển lãm quốc tế…
Nghề nghiệp: trợ lý giám đốc, quản lý và điều hành các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tư vấn đầu tư, dịch vụ thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, tín dụng quốc tế và tham gia hội chợ triển lãm quốc tế; chuyên viên hoạch định các chính sách về ngoại thương và đầu tư trực tiếp nước ngoài của ban đối ngoại từ trung ương đến địa phương; ban quản lý các khu công nghiệp; các hệ thống ngân hàng thương mại có hoạt động kinh doanh ngoại hối; các Bộ hoặc các Sở Kế hoạch Đầu tư, Bộ Thương mại, Tài chính, Cục Hải quan của các tỉnh, thành phố hoặc làm cán bộ nghiên cứu giảng dạy ở các viện, trường đại học….
5. Ngoại thương
Chuyên viên tư vấn, chuyên viên thanh toán quốc tế, quản lý và điều hành doanh nghiệp xuất nhập khẩu; trợ lý văn phòng, trợ lý kinh doanh cho các công ty nước nước ngoài hoặc làm việc ở các ban ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và thư tín quốc tế, các hãng vận tải quốc tế, hải quan… là những vị trí mà sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đảm nhiệm. Đây là nguồn nhân lực đang được các nhà tuyển dụng tìm kiếm và chấp nhận trả lương cao cho những ứng viên sáng giá. Do vậy, đây cũng là ngành học hút sinh viên hiện nay và tỷ lệ chọi cũng khá cao.
Học gì trước khi là một nhà ngoại thương: khi vào trường "tu luyện" cho ngành này, bạn sẽ được học những kiến thức cơ bản và hiện đại về QTKD chung và QTKD quốc tế; các kiến thức về xuất nhập khẩu, về pháp luật và thông lệ quốc tế; những chính sách nhà nước đối với các hoạt động ngoại thương và kinh tế đối ngoại; những phương thức và phương pháp tìm kiếm thâm nhập thị trường xuất nhập khẩu; các nghiệp vụ về xử lý thông tin liên quan hoạt động kinh doanh; các nghiệp vụ về thuê tàu trong chuyên chở hàng hoá kinh doanh xuất nhập khẩu, nghiệp vụ thanh toán quốc tế…
6. QTKD Du lịch
Không nằm ngoài mục đích chung của ngành QTKD, những sinh viên khi học QTKD chuyên ngành Du lịch sẽ được học những kiến thức cơ bản về quản lý kinh tế và QTKD, những kiến thức về kinh tế du lịch, QTKD Du lịch, khách sạn, nhà hàng; các kiến thức về hướng dẫn du lịch… Theo đó công việc cụ thể của một nhà QTKD du lịch là lập kế hoạch, chỉ đạo các bộ phận lễ tân, phục vụ, nhà bếp, kế toán; khởi xướng các kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; đảm bảo tuân thủ các quy định về khách sạn do nhà nước đề ra; thực hiện các chương trình phát triển của công ty và việc quảng bá hình ảnh khách sạn trên phương diện truyền thông báo chí.
Vị trí công việc: có thể làm người quản lý khách sạn, quản lý nhà hàng; điều hành nhân sự tại các khách sạn, nhà hàng, làng ẩm thực; trưởng tiếp tân, sale; điều phối tour du lịch ở các công ty lữ hành, du lịch hoặc làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch như Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch hoặc có thể làm trong các tổ chức nghiên cứu về du lịch…
7. Marketing
Marketing là những việc bạn làm để tìm hiểu khách hàng của mình xem họ là ai, họ cần gì, muốn gì và làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của họ đồng thời tạo ra lợi nhuận bằng các hình thức: cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ mà khách hàng cần; đưa ra các mức giá mà khách hàng chấp nhận trả; đưa sản phẩm, dịch vụ đến với khách hàng; cung cấp thông tin và thu hút khách hàng để họ mua sản phẩm và dịch vụ của bạn. Nếu bộ phận sản xuất đưa ra những sản phẩm tốt, chất lượng thì người làm Marketing đem nó đến với khách hàng một cách hợp lý, đạt hiệu quả nhất.
Khi học QTKD Marketing bạn sẽ được học các kiến thức cơ bản về quản trị, chức năng và quá trình quản trị kinh doanh ở các doanh nghiệp; cách lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động marketing, quản trị sản phẩm, quảng cáo và xúc tiến bán hàng; tổ chức các kênh phân phối, dịch vụ marketing; quản lý hoạt động nghiên cứu thị trường…
Công việc của QTKD Marketing là nghiên cứu marketing, nghiên cứu sản phẩm mới, lập chiến lược kinh doanh và chiến lượng marketing; điều hành và tổ chức thực hiện chiến lược giá. Tổ chức và quản lý lực lượng bán hàng trực tiếp; quản lý và thực hiện các hoạt động khuyến mãi quảng cáo sản phẩm…
Nghề nghiệp phụ trách: Giám đốc phụ trách tiêu thụ, người quản trị mạng lưới kênh phân phối, quản trị khuyến mãi…
Các trường đào tạo ngành QTKD: ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Ngân Hàng, Học viện Ngân Hàng, Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM), ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Hiến, ĐH DL Hùng Vương, ĐH DL Văn Lang, ĐH Marketing, Trường CĐ Tài chính Kế toán…
Nếu có điều kiện hơn về kinh tế và vốn ngoại ngữ kha khá, bạn cũng có thể đăng ký dự tuyển vào các chương trình liên kết đào tạo giữa một trường ĐH trong nước với ĐH nước ngoài có uy tín như chương trình liên kết giữa ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU) với ĐH Troy (Hoa Kỳ); ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Curtin (Úc)…
Kế Toán
Nhu cầu về công việc kế toán trong xã hội là vô cùng lớn bởi tất cả các dịch vụ, công ty, cơ sở sản xuất lớn nhỏ đến các cơ quan nhà nước đều cần có kế toán. Đây có thể nói là một nghề phù hợp với cả nam lẫn nữ, sinh viên ra trường tìm được việc làm khá nhanh chóng. Kế toán là nghệ thuật thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản và sự vận động của tài sản (hay là toàn bộ thông tin về tài sản và các hoạt động kinh tế tài chính) trong doanh nghiệp nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho việc ra các quyết định về kinh tế – xã hội và đánh giá hiệu quả của các hoạt động trong doanh nghiệp
Nhân viên kế toán sẽ thực hành quy trình kế toán, kiểm toán cơ bản; soạn thảo chính sách và tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp; thực hiện các phiếu thu, chi, phiếu nhập kho, xuất kho, làm báo cáo kế toán, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế và tài chính cho các lãnh đạo của đơn vị kinh doanh hay nhà nước…
Bạn có thể là nhân viên kế toán tại bộ phận kế toán của các ngân hàng, các công ty tài chính, công ty chứng khoán, các công ty quản lý đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các đơn vị sản xuất, thương mại, dịch vụ…
Các trường đào tạo ngành kế toán: ĐH Kinh tế, ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Trường Tài chính Kế toán, ĐH Hoa Sen, ĐH DL Văn Hiến…
Nghề kiểm toán
Kiểm toán khác gì so với kế toán? Đôi khi hai ngành này được xếp học chung tại một số trường, vậy chúng có cùng chung chương trình đào tạo hay không?
Kế toán thì bạn đã biết, còn kiểm toán với chuyên môn của mình là người kiểm tra, xác minh tính trung thực của các báo cáo do kế toán trình lên và họ phải đưa thông tin về thực trạng hoạt động tài chính của các doanh nghiệp. Dựa vào đó, các nhà doanh nghiệp sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về tình hình kinh tế, tài chính của đơn vị mình. Bạn sẽ phải học những định nghĩa, phân loại, lịch sử hình thành, vai trò, hình thức tổ chức và quy trình kiểm toán; chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý, kiểm soát nội bộ; chuẩn bị kiểm toán; bằng chứng kiểm toán; kiểm toán trong môi trường tin học; báo cáo kiểm toán…
Công việc của một kiểm toán là hoạch định chính sách và hoạt động kiểm toán, kiểm tra kế toán trong các tổ chức; lên kế hoạch tiếp nhận và thoả thuận sơ bộ với khách hàng; thực hiện hợp đồng kiểm toán; xác định mức trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán, thu thập bằng chứng kiểm toán; lên kế hoạch chương trình kiểm toán tổng thể; bảo mật và lưu trữ hồ sơ kiểm toán …
Người kiểm toán có thể tìm việc tại các công ty kiểm toán, tư vấn tài chính, thanh tra cán Bộ ngành, Vụ, Cục, Tổng cục, mở văn phòng tư hoặc làm việc tại các văn phòng của các công ty tư nhân, doanh nghiệp; làm việc tại các hiệp hội kế toán – kiểm toán…
Các trường đào tạo: ĐH Kinh tế TP.HCM; ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngân Hàng, Học viện Tài chính…
Nghề tài chính
Tài chính hiểu theo nghĩa thông dụng nhất là một lượng tiền hoặc tương đương với tiền được sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Và những người làm trong ngành tài chính là những người nắm giữ tiền bạc, "máu" của các cơ quan, doanh nghiệp, công ty… Đây là một ngành nghề hấp dẫn trong môi trường năng động và cạnh tranh quyết liệt.
Là người giữ tiền bạc nên bạn cần có những tố chất để có thể đảm đương công việc một cách hiệu quả nhất. Bạn cần giỏi môn toán và cả môn văn bởi vì bạn phải làm việc trong môi trường cần có khả năng diễn giải logic, khúc chiết với các văn bản; tính cẩn thận, khách quan, trung thực, có tinh thần trách nhiệm là những đức tính cần thiết cho công việc này, có khả năng phân tích cao và hiểu biết về những kiến thức tự nhiên và xã hội.
Bạn có thể đảm nhận các vị trí trong các cơ quan thuế, ngân hàng, các cơ quan quản lý tài chính nhà nước với vai trò là chuyên viên tư vấn tài chính, chuyên gia kinh tế…
Những chuyên ngành lớn trong khối tài chính
Tài chính nhà nước: những kiến thức cơ bản về tài chính quốc tế, tài chính doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, tiền tệ ngân hàng… sẽ giúp sinh viên sau khi ra trường có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước, quản lý điều hành ngân sách nhà nước, tổ chức thực thi các luật thuế… nhân viên tài chính nhà nước có thể làm việc tại các cơ quan thuế, tài chính, kho bạc, hải quan, hệ thống ngân hàng, các cơ quan quản lý nhà nước, tư vấn tài chính, các công ty kiểm toán nhà nước…
Tài chính doanh nghiệp: Lượng kiến thức mà sinh viên tài chính doanh nghiệp được học trong trường là kiến thức về tài chính công, tài chính quốc tế, tài chính doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, tiền tệ ngân hàng, lý thuyết bảo hiểm, nghiệp vụ ngân hàng ngoại thương, thuế, hệ thống thông tin tài chính kế toán, kế toán tài chính, kế toán quản trị, đầu tư tài chính, quản trị tài chính, phân tích hoạt động kinh doanh, thẩm định dự án đầu tư, quản trị doanh nghiệp, luật doanh nghiệp, ngoại ngữ chuyên ngành…
Chuyên viên tài chính kinh doanh là vị trí công việc cho những ai tốt nghiệp ngành học này trong tất cả các hình thức công ty, hoặc chuyên viên tư vấn quản lý, chuyên gia kinh tế, giám đốc tài chính…
Các trường đào tạo ngành tài chính: ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngoại Thương, Học viện Ngân Hàng, ĐH Hoa Sen, ĐH Marketing…
Nhân viên ngân hàng
Để làm việc trong một ngân hàng thì bạn cần phải trang bị cho mình những kiến thức về tín dụng quốc tế, tài chính quốc tế, nghiệp vụ ngân hàng trung ương, thanh toán quốc tế và tài trợ xuất nhập khẩu, nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, nghiệp vụ ngoại thương, marketing ngân hàng, quản trị kinh doanh ngân hàng, kế toán ngân hàng…
Có thể hình dung những công việc mà một nhân viên ngân hàng sẽ đảm trách: thực hiện các hợp đồng; lên các kế hoạch chiến lược cho ngân hàng dựa trên tình hình thực tiễn trong trong và ngoài nước; thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng; tiến hành giám sát thường xuyên việc thực hiện quy chế, chấp hành pháp luật của các đối tượng ngân hàng; viết báo cáo số liệu; giao dịch hay mã hoá các chương trình
Hiện nay có các trường đào tạo chuyên ngành ngân hàng như: ĐH Ngân hàng, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngoại Thương, Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế Huế, ĐH Qui Nhơn, ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh Đà Nẵng…
Marketing
Marketing là hoạt động quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Đây là nghề có nhu cầu nhân lực rất lớn vượt xa nguồn nhân lực hiện tại và cũng là nghề có thu nhập cao, cơ hội thăng tiến rất lớn.
Những kỹ năng và những đức tính cần thiết của người làm nghề marketing: nghề này đòi hỏi người thực hiện công việc phải thường xuyên đi lại, gặp gỡ, thương thuyết, nghiên cứu, thống kê, báo cáo nên rất cần khả năng giao tiếp, truyền đạt, sự năng động, nhiệt tình. Nhiệm vụ của marketing là "lo" đầu ra của sản phẩm nên áp lực công việc cao, đòi hỏi tính độc lập, tự chủ, tự tin. Để đạt được thành công đòi hỏi sự sáng tạo, tính kiên trì và biết lắng nghe. Thêm một đức tính quan trọng nữa là nhạy bén, sắc sảo, nhanh nhạy trong công việc
Chương trình học bao gồm: kiến thức cơ bản về kinh doanh, chức năng kinh doanh, các quá trình kinh doanh và quản trị kinh doanh ở các doanh nghiệp, các nghiệp vụ kinh doanh, phương pháp tổ chức marketing, thị trường và hành vi người tiêu dùng, quản trị sản phẩm, quảng cáo và xúc tiến bán hàng, tổ chức các kênh phân phối, dịch vụ marketing, quan hệ công chúng, nghiên cứu thị trường quảng cáo, kiến thức tâm lý giao tiếp…
Vị trí công việc: bán hàng và quản trị bán hàng, nghiên cứu tiếp thị, phát triển tiếp thị sản phẩm mới, chăm sóc khách hàng, quan hệ công chúng, quản trị bán lẻ, quản trị marketing, quản trị nhãn hiệu và sản phẩm, quảng cáo, quản trị mua sắm, quản trị khuyến mãi, quản trị mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, quản lý đại lý phân phối trong các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, các cơ quan, tổ chức phi lợi nhuận…
Các trường đào tạo ngành marketing: ĐH Kinh tế, CĐ Kinh tế, ĐH Marketing, các trường ĐH Dân lập, ĐH Mở…
Các ngành nghề khác thuộc khối ngành kinh tế tài chính
1. Ngành Hệ thống Thông tin Kinh tế
Ngành này trang bị kiến thức về quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh cùng kỹ năng chuyên sâu về tin học quản lý và công nghệ phần mềm tin học ứng dụng trong quản lý, quản lý doanh nghiệp, cơ sở kinh tế xã hội…
Học tốt ngành này, bạn có thể trở thành những chuyên gia có khả năng cải tiến, nâng cao hiệu quả khâu quản lý ở các cơ quan, đơn vị. Sau khi tốt nghiệp bạn có thể làm ở bộ phận quản lý dữ liệu các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các trung tâm tin học; tham gia thiết kế cài đặt các phần mềm tài chính kế toán; các cơ quan thống kê; phân tích thông tin kinh tế; làm công tác giảng dạy…
Sinh viên có thể học ngành này tại: ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế Quốc dân, Khoa Kinh tế, ĐH Công nghệ Thông tin – ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Ngân Hàng…
2. Kinh doanh Bảo hiểm
Chuyên ngành Kinh doanh bảo hiểm (mã ngành 433) của trường ĐH Kinh tế TP.HCM đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức toàn diện về ngành tài chính – ngân hàng và kiến thức chuyên sâu về ngành bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có chuyên môn cao về quản lý ở các tổ chức tài chính nói chung, các tổ chức bảo hiểm nói riêng. Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác tại các tổ chức bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế); cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); các tổ chức tài chính trung gian (ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ…) và các tổ chức kinh tế xã hội khác (với tư cách là người quản trị tài chính về rủi ro và bảo hiểm).
Nơi đào tạo: ĐH Kinh tế TP.HCM, Học viện Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Lao động – Xã hội…
3. Kinh tế Thẩm định giá
Thẩm định giá là công tác định giá giá trị của các tài sản hữu hình như nhà xưởng, đất đai hay máy móc… và tài sản vô hình như thương hiệu của các doanh nghiệp…
Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhu cầu về thẩm định giá (mua bán, cầm cố, thế chấp, đầu tư, bảo hiểm, tính thuế…) cũng ngày một tăng theo. Tuy nhiên thị trường lao động VN thiếu trầm trọng đội ngũ thẩm định viên về giá. Sinh viên tốt nghiệp ngành này được các doanh nghiệp săn đón (đặc biệt là các doanh nghiệp muốn hành nghề thẩm định giá) nên cơ hội việc làm cho ngành này khá cao. Để học ngành này bạn phải có tính kiên trì và cẩn trọng trong việc thu thập thông tin và xử lý số liệu. Ngoài việc xem xét những đặc điểm riêng biệt của từng tài sản, người thẩm định còn phải xem xét các yếu tố rủi ro vô hình và những yếu tố luật pháp ảnh hưởng đến giá trị tài sản. Do tính chất đặc biệt, thẩm định viên còn phải đáp ứng một số yêu cầu đặc thù: kỷ luật và trung thực. Đây là nghề đòi hỏi trách nhiệm trước pháp luật rất cao và cần nhất là không để bị tiền chi phối.
Nơi bạn có thể làm việc: doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, công ty chứng khoáng hoặc làm tại các trung tâm, bộ phận thẩm định giá từ trung ương đến địa phương…
Bạn có thể học ngành này tại ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Marketing.
4. Kinh tế học
Mục tiêu của ngành này là: Đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức quản lý kinh tế tổng hợp, có khả năng nghiên cứu, có năng lực tự học để tiếp tục nâng cao và mở rộng kiến thức nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển kinh tế. Có khả năng phán đoán, nắm bắt được diễn biến tình hình kinh tế xã hội, các nghiệp vụ sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao trên thương trường trong nước và quốc tế.
Nơi làm việc: các cơ quan nhà nước về lĩnh vực kinh tế, quy hoạch chiến lược các cấp từ trung ương đến địa phương, các sở, ban, ngành của tỉnh (thành phố), quận (huyện); Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế học có khả năng làm việc tại các cơ quan, các tổ chức, dự án, các bộ phận quản lý về kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước; các viện, trường, cơ sở đào tạo có chuyên ngành kinh tế.
Nơi đào tạo: hầu hết các trường ĐH Kinh tế trên cả nước đều có chuyên ngành này như: ĐH Kinh tế TP.HCM, Khoa Kinh tế – ĐH Quốc gia TP.HCM…
5. Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, để học được ngành này cần phải đạt những yêu cầu: thích làm việc trong môi trường nông nghiệp nhưng phải có khả năng phân tích, đánh giá để có thể nắm bắt được tình hình nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, cần phải có óc chiến lược để có thể hoạch định những hướng đi cho công việc sau này…
Công việc của người làm nghề này là: tham gia hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn; quản lý trực tiếp các hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến, lưu thông và xuất khẩu nông sản…
Nơi làm việc, công tác: các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong nông nghiệp và nông thôn, các dự án phát triển vùng, nông nghiệp của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ…hoặc cũng có thể trở thành cán bộ nghiên cứu ở những cơ quan nghiên cứu nông nghiệp và giảng dạy trong các viện nghiên cứu hoặc các trường ĐH có chuyên ngành nông nghiệp
Bạn có thể học tại: ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế Huế, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Cần Thơ…
6. Kinh tế Lao động và Quản lý nguồn nhân lực
Làm giám đốc nhân sự là một nghề hấp dẫn học sinh khi đăng ký chọn ngành học này. Quản lý nguồn nhân lực là thiết kế các chính sách và thực hiện các lĩnh vực hoạt động nhằm làm cho con người đóng góp giá trị hữu hiệu nhất cho tổ chức, gồm các lĩnh vực như hoạch định nguồn nhân lực, phân tích và thiết kế công việc, chiêu mộ và lựa chọn, đào tạo và phát triển, đánh giá thành tích và thù lao, sức khoẻ và an toàn lao động, tương quan lao động…
Là một người quản lý nhiều người làm việc trong công ty, doanh nghiệp, bạn phải có những tố chất: tính tổ chức, kỷ luật cao; có thể quán xuyến nhiều công việc; tinh tế trong cách đánh giá con người…
Hiện nay ngành này đang được các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước tuyển dụng. Bạn có thể đăng ký học tại ĐH Kinh tế TP.HCM
7. Kinh tế Tài nguyên và Môi trường
Mục tiêu đào tạo của ngành này: đào tạo cử nhân kinh tế chuyên ngành Kinh tế Tài nguyên – Môi trường, có kiến thức đủ rộng, có khả năng nghiên cứu, có năng lực tự học để tiếp tục nâng cao và mở rộng kiến thức nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển kinh tế. Có khả năng phán đoán được tình hình phát triển tài nguyên – môi trường để thực hiện khai thác, kinh doanh nguồn tài nguyên có hiệu quả, đảm bảo duy trì và phát triển nguồn lợi về mặt kinh tế, bảo đảm ổn định môi trường bền vững, tạo thế mạnh và phát huy tiềm năng.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Tài nguyên – Môi trường có khả năng làm việc trong các cơ quan thuộc lĩnh vực kinh doanh, khai thác nguồn tài nguyên – môi trường, ở các bộ phận tổ chức điều hành kinh doanh, nghiên cứu thị trường, điều hành sản xuất thuộc mọi thành phần kinh tế.
Hiện nay ĐH Nông lâm TP.HCM là nơi đào tạo chuyên ngành này, ngoài ra bạn cũng có thể học tại các ĐH khác.
8. Kinh doanh Nông nghiệp
Người kinh doanh nông nghiệp là cầu nối giữa người nông dân trực tiếp sản xuất với người tiêu thụ sản phẩm. Đây là nghề rất thích hợp cho những ai là con nhà nông nhưng có "máu" thương gia và mong muốn làm lợi cho quê hương mình, giúp bà con nông dân không bị thương lái "ép giá” khi bán sản phẩm. Tất nhiên ngành học này là dành cho tất cả mọi người có sở thích kinh doanh.
Với các kiến thức và hiểu biết về nguyên lý cơ bản của kinh doanh; môi trường kinh doanh và tính chất đặc thù của kinh doanh nông nghiệp; về mối liên hệ giữa các hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp; về công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản với kỹ năng phát hiện vấn đề, phân tích và ra quyết định đối với những vấn đề mấu chốt, vấn đề phát sinh, đồng thời giao tiếp có hiệu quả đối với những người làm việc trong và ngoài ngành kinh doanh nông nghiệp.
Bạn có thể tham gia trong các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, các cơ quan chức năng quản lý và các tổ chức khác hoạt động trong lĩnh vực này. Các bạn có thể học ngành này tại: ĐH Kinh tế Huế, ĐH Kinh tế TP.HCM.

B. KHỐI NGÀNH KHOA HỌC TỰ NHIÊN VÀ KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ

Công nghệ thông tin – IT (viết tắt của Information Technology)
Trong thời đại công nghệ số, nghề IT thực sự có nhu cầu rất cao, tuy nhiên nhiều bạn cho rằng học phần mềm ra khó kiếm việc làm vì năng lực sản xuất phần mềm của nước ta chưa phát triển mạnh, hay có bạn lại cho rằng học phần cứng ra làm việc vất vả nhưng thu nhập thấp. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp phát triển phần mềm thì họ không cho rằng điều đó là đúng bởi thị trường hệ thống mạng phần cứng, phần mềm cũng điều là những thị trường rộng lớn và thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực làm việc của mỗi người.
Môi trường làm việc trong ngành IT rất đa dạng với nhu cầu nhân lực khá cao. Ngoài những công ty về tin học, hiện nay hầu hết các tổ chức, cơ quan điều sử dụng hệ thống máy tính và cần nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin (CNTT). Đặc biệt, thị phần gia công phần mềm ở nước ta đang phát triển mạnh, nhất là TP.HCM
Một số địa chỉ đào tạo CNTT: Hiện nay rất nhiều trường ĐH, CĐ, cơ sở đào tạo về CNTT có các chương trình đủ cấp độ từ cơ bản đến nâng cao. Bạn có thể học tại khoa CNTT của ĐH Bách Khoa Hà Nội và TP.HCM, ĐH KHTN Hà Nội và TP.HCM, SaigonCTT, Trung tâm Đào tạo Lập trình viên quốc tế Aptech ở Hà Nội và TP.HCM…
Ngành Công nghệ Thông tin "hút" thí sinh
Sau nhiều tháng có sự sụt giảm vào đầu năm, nhu cầu nhân lực ngành nghề CNTT – viễn thông – truyền thông trong những tháng cuối năm lại tăng cao (3.73%), so với tháng 11/2009 thì nhu cầu tuyển dụng ngành này trong tháng 12/2009 tăng 48.47%, chủ yếu tập trung vào lao động trình độ cao. Vì thế năm 2010, CNTT vẫn sẽ là một trong những ngành có nhu cầu nhân lực rất lớn.
Cánh cửa rộng mở
Ông Trần Anh Tuấn – Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết: "Khảo sát 27.000 DN thuộc các ngành nghề cho thấy, năm 2010, ngành CNTT có nhu cầu nhân lực lớn nhất, chiếm 7,75%". Không những thế, hiện hãng Boeing đang tìm đối tác tại Việt Nam với yêu cầu mỗi hợp đồng cần tối thiểu 1.000 kỹ sư phần mềm, hãng máy tính IBM vào Việt Nam cũng cần tuyển dụng 2.000 kỹ sư….Những con số khảo sát trên và những đơn hàng tuyển dụng nhân lực, kỹ sư Công nghệ Thông tin (CNTT) từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước, tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam đã nói lên sức hút nhân lực của ngành này trong thời gian tới như thế nào. Tuy nhiên, thị trường nhân lực mới chỉ cung cấp được 1/3 nhu cầu. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, lượng nhân lực cho ngành CNTT đang thiếu hụt trầm trọng, tính đến năm 2015, con số này có thể lên đến 250.000 lao động, do vậy, ngành CNTT đang xếp đầu bảng về nhu cầu tuyển dụng nhân lực.
Ngoài nhu cầu tuyển dụng cao, với mức thu nhập từ gần 5 triệu/tháng trở lên (theo thống kê mức lương trung bình tại các doanh nghiệp CNTT), môi trường làm việc năng động và toàn cầu hóa, ngành này càng trở nên "hot" với giới trẻ và trở thành sự lựa chọn của nhiều thí sinh trong các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ. Hiện cả nước có 270 trường ĐH, CĐ đào tạo chuyên ngành CNTT, chỉ tiêu tuyển sinh trên 10.000 sinh viên mỗi năm, nhưng con số sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp chỉ là "muối bỏ biển".
Hiện nay, có hai hướng nổi trội nhất thí sinh thường chọn học ở lĩnh vực này là chuyên ngành CNTT chung (chuyên ngành lập trình phần mềm, quản trị hệ thống mạng) và chuyên ngành Mỹ thuật đa phương tiện (thiết kế các sản phẩm nghệ thuật ứng dụng bằng máy tính).
Cần yếu tố nào để học được CNTT?
Khi nộp đơn thi vào chuyên ngành lập trình phần mềm, quản trị hệ thống mạng, nhiều thí sinh hay băn khoăn liệu mình có đủ sức học theo ngành này hay không. Trả lời thắc mắc trên, ông Chu Tuấn Anh, giám đốc hệ thống đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech cho biết: "Theo học ngành này, các em chỉ cần 2 tố chất tối thiểu: tư duy logic và tiếng Anh. Tư duy logic là khả năng các em trình bày, giải quyết vấn đề một cách mạch lạc, có hệ thống. Tư duy là tố chất riêng biệt của mỗi con người, vì vậy, không cứ là bạn nào học tốt môn tự nhiên thì sẽ có tư duy tốt hơn bạn học tốt môn xã hội. Còn tiếng Anh yêu cầu ở khả năng đọc hiểu được các tài liệu, khả năng này hoàn toàn có thể trau dồi thêm trong quá trình các em học chuyên môn."
Là một trong những đơn vị đào tạo CNTT thuộc hàng "top" của Việt Nam (cùng với Trung tâm tin học KHTN, NIIT VN, SaigonTech và Infoworld) với 2 năm liên tiếp nhận giải "Đơn vị đào tạo xuất sắc toàn cầu" do Tập đoàn Aptech toàn cầu trao tặng, Aptech tại Việt Nam hiện đang đào tạo hơn 2.000 sinh viên các khóa lập trình viên và quản trị mạng. Chỉ sau ba năm học, 95% sinh viên được giới thiệu việc làm, số còn lại muốn học cao hơn thì học tiếp từ 1-1.5 năm theo hình thức du học nước ngoài hoặc du học tại chỗ tại các trường ĐH quốc tế Úc, Mỹ, Canada, Ấn Độ để lấy bằng Cử nhân CNTT. Những con số này chứng tỏ sinh viên Việt Nam có đầy đủ năng lực để theo học chuyên ngành đầy tiềm năng này.
Ngành "lạ” – Mỹ thuật Đa phương tiện?
Với nhiều thí sinh, thuật ngữ chuyên ngành này nghe rất lạ. Tuy nhiên, với những sinh viên đang theo học các chuyên ngành thiết kế đồ họa, xử lý âm thanh, làm kỹ xảo hình ảnh, hoạt hình 2D, 3D… thì đơn giản Mỹ thuật đa phương tiện là ngành sử dụng máy tính và các phần mềm thiết kế để sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, truyền thông ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Trình bày trang, bìa cho một cuốn tạp chí, xây dựng một video clips ca nhạc, quảng cáo hay sử dụng công nghệ 3D làm phim hoạt hình, làm mô hình kiến trúc…, tất cả các kỹ năng nếu như trước kia phải mất đến hàng năm trời để làm bằng tay, thì nay với các phần mềm thiết kế đặc biệt trên máy tính, việc làm ra chúng chỉ mất vài tháng.
Mỹ thuật Đa phương tiện đang là ngành "hút hồn" những bạn trẻ có óc sáng tạo và tư duy hình tượng tốt. Không chỉ được đào tạo trong các chuyên khoa Thiết kế, Đồ họa ở các trường ĐH, CĐ, những năm gần đây, các trường đào tạo chuyên ngành riêng biệt thu hút khá lớn thí sinh mỗi năm. Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia, một trong số các trường loại này, mỗi năm nhập học gần 1.000 sinh viên. Trường chỉ tập trung đào tạo các khóa học chuyên môn Mỹ thuật Đa phương tiện bao gồm thiết kế đồ họa, xử lý và biên tập âm thanh, video, thiết kế các ứng dụng trực tuyến (web, game online), kỹ xảo 3D. Sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng ngay vào các công ty truyền thông quảng cáo, đài truyền hình, tạp chí, công ty kiến trúc, thời trang… Arena Multimedia được nhiều trường ĐH quốc tế Úc, Mỹ chuyên ngành thiết kế đào tạo liên thông để sinh viên học tiếp 1-2 năm được lấy bằng Cử nhân Thiết kế truyền thông. Ngoài ra, Mỹ thuật đa phương tiện hiện cũng đang được giảng dạy tại các trường như Đại học FPT, Trung tâm Giáo dục – Đào tạo và Phát Triển Hội Tụ Việt (H.E.D Center) và thu hút khá đông học viên theo học.
Một số nghề liên quan đến CNTT
1. Phát triển phần mềm
Các chuyên gia phát triển phần mềm có trình độ lúc nào cũng là "của hiếm". Các công ty sẵn sàng trả "bộn" tiền để tuyển và giữ chân các nhân tài trong lĩnh vực này.
Yêu cầu chuyên môn: Các nhà tuyển dụng thường đòi hỏi ứng viên có bằng cử nhân CNTT hoặc tương đương, có ít nhất 2 – 3 năm kinh nghiệm lập trình. Ứng viên phải thành thạo Active X, C#, Visual Basic, .Net hoặc Java… Ngoài ra, các nhà phát triển phần mềm phải có khả năng phân tích, giải quyết vấn đề, tỉ mỉ chăm chút từng chi tiết, có khả năng làm việc độc lập hoặc theo nhóm.
2. Chuyên gia phát triển Website
Là những chuyên gia phát triển ứng dụng, dịch vụ và công cụ dựa trên web. Yêu cầu chuyên môn: ứng viên phải có hiểu biết sâu rộng về các ứng dụng và giao thức mạng cũng như các chiến lược kinh doanh. Nhà tuyển dụng thường đòi hỏi ứng viên phải có bằng cử nhân về máy tính hoặc các lĩnh vực có liên quan và nhiều năm kinh nghiệm về web. Các kỹ năng về .Net, Ajax hoặc Java… là một lợi thế
3. Quản lý lưu trữ dữ liệu
Vị trí này yêu cầu ứng viên phải thành thạo các công cụ và cấu trúc lưu trữ cũng như phải là chuyên gia kỹ thuật về ngôn ngữ và các ứng dụng cơ sở dữ liệu như Oracle, SQL Sever and DB2. Ứng viên phải có bằng cử nhân CNTT hoặc tương đương và có từ 5 năm kinh nghiệm trở lên trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu và 3 năm kinh nghiệm quản lý nhân sự kỹ thuật.
4. Quản lý dự án
Công việc này đòi hỏi phải có kinh nghiệm về quản lý dự án để giám sát các dự án đa dạng và phức tạp. Yêu cầu cơ bản là bằng cử nhân CNTT hoặc các lĩnh vực liên quan đến kinh doanh, có kiến thức nền về phát triển chương trình ứng dụng, 5 năm kinh nghiệm trở lên về quản lý các dự án phức tạp.
5. Sáng tạo chương trình ứng dụng
Việc này dành cho chuyên gia kỹ thuật, đồng thời có khả năng lên kế hoạch, phối hợp tổ chức và giao tiếp tốt. Nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên phải có bằng cử nhân CNTT hoặc hệ thống thông tin và tối thiểu 8 năm kinh nghiệm liên quan đến công việc. Hiểu biết DB2, cơ sở dữ liệu Oracle, XML hoặc C++ là lợi thế.
Công nghệ Cơ khí
Công nghệ cơ khí luôn là một trong những ngành then chốt đối với sự phát triển kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Theo học ngành công nghệ cơ khí bạn có cơ hội chọn lựa một trong các chuyên ngành sau:
Kỹ thuật chế tạo: đào tạo kỹ sư có kiến thức và kỹ năng vững vàng về gia công, chế tạo, chế biến để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, năng suất và hiệu quả cao.
Cơ điện tử: đào tạo kỹ sư giỏi về điện tử, đầy đủ kiến thức về CNTT; giải quyết những vấn đề liên quan đến thiết kế, chế tạo, vận hành, cải tiến và bảo trì các máy móc thiết bị từ thô sơ đến hiện đại thuộc quy trình sản xuất và chế tạo của các nhà máy, xí nghiệp.
Cơ khí năng lượng: đào tạo kỹ sư có kiến thức toàn diện và vững vàng trong các lĩnh vực liên quan đến năng lượng.
Kỹ thuật dệt may: đào tạo kỹ sư có kiến thức, kỹ năng nghiên cứu sản phẩm và điều hành tốt các dây chuyền sản xuất của ngành dệt may, bao gồm các ngành kéo sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang.
Kỹ thuật hệ thống công nghiệp: đào tạo kỹ sư có khả năng, thiết kế mới các hệ thống công nghiệp trong sản xuất và dịch vụ từ quy mô nhỏ đến lớn; điều hành hiệu quả các hệ thống công nghiệp trong sản xuất dịch vụ; phát hiện, mô hình hoá, tìm lời giải và đề xuất để tăng năng suất, giảm giá thành, rút ngắn thời gian, nâng cao sức cạnh tranh; phân tích đánh giá và hỗ trợ ra quyết định cho các cấp quản lý; chủ trì thực hiện các công việc trong quản lý sản xuất
Máy xây dựng và nâng chuyển: đào tạo kỹ sư chủ yếu phục vụ cho ngành máy xây dựng và các ngành công nghiệp có liên quan.
Điều kiện làm việc và cơ hội việc làm: những người được đào tạo về cơ khí có thể làm việc ở mọi nơi trên đất nước và các nước khác trên thế giới, trong mọi ngành công nghiệp và kinh tế xã hội khác nhau như: Viện nghiên cứu, trường ĐH, CĐ, TC dạy nghề; làm việc trong nhà máy, công ty sản xuất cơ khí của mọi lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, văn hoá, xã hội, quốc phòng…; làm việc ở mọi nơi có sử dụng máy móc, thiết bị vận hành…
Một số địa chỉ đào tạo: Hiện nay có nhiều trường ĐH, CĐ công nghệ, kỹ thuật trên toàn quốc đào tạo ngành cơ khí như: Trường ĐH Bách Khoa (Hà Nội, TP.HCM), ĐH Xây dựng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Học viện Kỹ thuật Quân sự, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Quy Nhơn…
Công nghệ Sinh học
Những ứng dụng của công nghệ sinh học (CNSH) hiện nay phổ biến trong mọi lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp đến an ninh quốc phòng, giải trí…
Công việc chính của chuyên viên CNSH: Là ứng dụng kiến thức và kỹ năng khoa học kỹ thuật để thiết kế, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh mới có tính năng ưu việt hơn giống hiện có. Từ những loại vi sinh mới, chuyên viên CNSH tạo ra những thức ăn mới, chất xét nghiệm mới, những enzym mới và những kích thích tố mới. Lĩnh vực của chuyên viên CNSH rất rộng lớn, vì vậy người làm trong ngành này có thể chuyên về di truyền học, y học, thực vật học và các khoa học khác có liên quan.
Cơ hội việc làm: Chuyên viên CNSH có thể tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước, trung tâm hoặc viện nghiên cứu, các công ty, xí nghiệp chọn tạo giống cây con hoặc chế biến các sản phẩm nông, thuỷ, hải sản… Ngoài ra, họ cũng có thể làm việc trong các tổ chức liên quan đến ngành môi trường. Công việc của chuyên viên CNSH thường diễn ra trong các phòng thí nghiệm, các khu vực kỹ thuật tương đối khép kín.
Nơi đào tạo: ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội và TP.HCM), ĐH Bách khoa Hà Nội và TP.HCM, Trung tâm CNSH TP.HCM, ĐH Nông nghiệp, ĐH Cần Thơ…
Ngành Toán học
Đây là một trong những ngành học cổ xưa nhất của nhân loại. Nó mê hoặc rất nhiều thế hệ nhà khoa học vì những bí ẩn và khả năng ứng dụng vô biên trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Nhà toán học sử dụng những học thuyết toán, kỹ thuật tính toán… để giải quyết những vấn đề kinh tế, kỹ thuật… thậm chí cả những vấn đề thuộc về khoa học xã hội và nhân văn.
Toán học được chia làm 2 lĩnh vực chính: toán học lý thuyết và toán học ứng dụng. Tuy nhiên, không có ranh giới phân biệt tuyệt đối giữa 2 lĩnh vực này.
Nhà toán học lý thuyết tập trung nghiên cứu, thúc đẩy sự tiến bộ của những lý thuyết , kiến thức toán học. Còn nhà toán học ứng dụng thì sử dụng những học thuyết và kỹ thuật tính toán để phân tích và giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và thương mại…
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp: Các nhà toán học thường làm việc trong văn phòng, cuộc sống gắn với các con số và thuật toán phức tạp. Họ vừa nghiên cứu vừa giảng dạy. Do đặc trưng công việc, nhà toán học ứng dụng thường làm việc trong một nhóm các chuyên gia như nhà kinh tế, nhà địa chất, nhà vật lý, kỹ sư… Nhà toán học lý thuyết làm việc trong các viện toán, trường ĐH, CĐ…
Nơi đào tạo: Ngành toán học được đào tạo tại nhiều trường ĐH, CĐ trong cả nước như: ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội và TP.HCM), ĐH Bách Khoa Hà Nội và TP.HCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Quy Nhơn, ĐH Sư Phạm Hà Nội và TP.HCM…
Nhà Vật lý học
Nhà vật lý học chuyên nghiên cứu và làm sáng tỏ cấu trúc, hoạt động…của thế giới vật chất như: lực hấp dẫn, sự phát sinh và chuyển hóa năng lượng, sự tương tác giữa năng lượng và vật chất.. Từ đó nhà vật lý học tìm kiếm và sáng tạo ra những kiến thức vật lý mới để ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống khoa học và công nghệ, sản xuất, y tế…
Vật lý học có thể chia làm 2 mảng chính: vật lý học lý thuyết và vật lý học ứng dụng. Nhà vật lý học lý thuyết tập trung nghiên cứu, phát triển kiến thức vật lý trong các lĩnh vực khác nhau như: nguồn gốc và quy luật khác nhau của thời gian, các lực hấp dẫn… Nhà vật lý học ứng dụng dựa trên những kiến thức vật lý lý thuyết để phát triển và ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống, góp phần giải quyết những vấn đề và nhu cầu thực tiễn đang nảy sinh. Tuy nhiên, cũng như các lĩnh vực khoa học khác, không có sự phân biệt tuyệt đối giữa nhà vật lý học lý thuyết và vật lý học ứng dụng. Tuỳ vào năng lực và sự say mê sáng tạo của mình, bạn có thể đảm nhận cả hai vai trò trên.
Nhà vật lý học chuyên môn hoá trong nhiều lĩnh vực khác nhau của vật lý như: quang học, vật lý nguyên tử, khoa học vật liệu… Tuỳ vào mỗi lĩnh vực chuyên sâu mà nhà vật lý học có những đối tượng nghiên cứu và công việc khác nhau.
Điều kiện làm việc: Nhà vật lý học chủ yếu làm việc trong phòng thí nghiệm. Họ cần những thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cho công việc nghiên cứu của mình như máy gia tốc, kính viễn vọng, quang phổ…
Vật lý học là một lĩnh vực rộng lớn bao gồm nhiều nghề nghiệp khác nhau nên cơ hội việc làm trong ngành này cũng rất rộng mở. Bạn có thể làm việc ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp… Bạn cũng có thể trở thành chủ một doanh nghiệp sản xuất trên cơ sở các nghiên cứu ứng dụng của mình. Đây cũng là một ngành khoa học cơ bản rất được Đảng và Nhà nước ta đầu tư phát triển.
Nơi đào tạo: Ngành Vật lý được đào tạo ở nhiều trường ĐH, CĐ khác nhau như: ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội và TP.HCM), ĐH Bách khoa Hà Nội và TP.HCM, ĐH Đồng Tháp, ĐH Sư phạm Hà Nội và TP.HCM…
Ngành Tự động hóa
Tự động hóa là ngành học tương đối mới ở nước ta, ít phổ biến và cũng ít trường đào tạo. Thế nhưng đây là ngành học được đánh giá rất có triển vọng trong tương lai.
Với chuyên ngành tự động hoá, chương trình đào tạo sẽ mang đến cho bạn kiến thức về lý thuyết điều khiển tự động, lý thuyết điều khiển hiện đại, mạch điện tử, dụng cụ linh kiện điện tử, lý thuyết tín hiệu, xử lý số hiệu, đo điện tử, thiết bị và hệ thống tự động, tự động hoá quá trình công nghệ, kỹ thuật robot, đo lường điều khiển bằng máy tính, điện tử công suất, trí tuệ nhân tạo và hệ chuyên gia, hệ thống thu nhập và xử lý dữ liệu…Tuy nhiên, trước khi vào học chuyên ngành này bạn phải trải qua phần đào tạo kiến thức cơ bản và cơ sở. Ở khối kiến thức cơ bản, bạn sẽ được học các kiến thức cơ sở của ngành cần thiết như: mạch điện, trường điện từ, hàm phức toán tử, mạch điện tử, kỹ thuật số, vi xử lý, an toàn điện, thí nghiệm mạch điện…
Cơ hội nghề nghiệp: Hệ thống tự động hoá có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất của các ngành kinh tế khác nhau: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải… Bởi vậy cơ hội nghề nghiệp của người học ngành này là rất lớn. Nếu được đào tạo về tự động hoá, bạn có thể chọn những nơi làm việc phù hợp ở các dây chuyền sản xuất hiện đại trong công nghiệp như: dây chuyền sản xuất xi măng, sản xuất giấy, xử lý nước thải… Hoặc bạn có thể vận hành, thiết kế hệ thống tự động hoá đèn giao thông, hệ thống điều hành và tín hiệu hóa giao thông…
Nơi đào tạo ngành tự động hóa: ĐH Bách khoa Hà Nội và TP.HCM, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Công nghiệp Hà Nội và TP.HCM, ĐH Công nghiệp Thái Nguyên, ĐH Mỏ – Địa chất…
Ngành Luyện kim
Nước ta nằm trong số 10 quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản nhưng chủ yếu còn ở dạng tiềm năng, chưa thăm dò và khảo sát đầy đủ. Theo nguyên tắc, có bao nhiêu loại quặng thì có bấy nhiêu phương pháp giải phóng các kim loại ấy ra khỏi các quặng chứa chúng. Tiếp đó phải tinh luyện để các kim loại đạt được độ sạch cao, pha trộn giữa các kim loại đó để có được hợp kim đáp ứng những yêu cầu mong muốn. Đó chính là công nghệ luyện kim, công nghệ tinh luyện, công nghệ hợp kim hóa…
Công việc chính của người làm trong ngành luyện kim rất đa dạng và chuyên môn hóa vào các lĩnh vực khác nhau. Bạn có thể là nhà nghiên cứu, kỹ sư luyện kim, kỹ thuật viên hay nhà quản lý và chuyển giao công nghệ… Tuy nhiên, tập trung vẫn ở những công việc như: thiết kế nhà máy và các thiết bị luyện kim; nghiên cứu công nghệ luyện kim phi cốc và các công nghệ mới cho tương lai; làm thay đổi cấu trúc, tính chất theo yêu cầu; nghiên cứu mô hình hóa các quá trình luyện kim; nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải và bảo vệ môi trường…
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp: Bạn có thể làm việc ở các nhà máy luyện kim hiện có ở TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang… Ngoài ra còn có các trường ĐH, CĐ, các viện nghiên cứu như: ĐH Bách khoa Hà Nội và TP.HCM, trường CĐ Cơ khí luyện kim Thái Nguyên, ĐH Công nghiệp, Viện Luyện kim đen, Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim, Viện Công nghệ Bộ Quốc phòng…
Nơi đào tạo: ĐH Bách khoa Hà Nội và TP.HCM, ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam), trường CĐ Cơ khí – Luyện kim…
Ngành Dầu khí
Các mỏ dầu khí được sinh ra rất lâu đời và nằm sâu trong vỏ trái đất hàng ngàn năm. Muốn lấy được dầu khí lên trên mặt đất để sử dụng, người ta phải áp dụng công nghệ khai thác dầu khí với những phương pháp và quy trình đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Trong lĩnh vực khai thác dầu khí, bạn sẽ làm việc ở các viện nghiên cứu chuyên ngành cùng với những máy móc hiện đại trong các phòng thí nghiệm đẳng cấp quốc tế. Bạn cũng có thể làm việc trực tiếp ở các giàn khai thác dầu khí trên biển với hệ thống máy móc tự động hóa rất hiện đại. Bạn sẽ có rất nhiều cơ hội được đi tu nghiệp, tham quan, khảo sát thực tế ở nước ngoài, được tiếp cận với nhiều nền tri thức và phương pháp tiên tiến trên thế giới.
Hiện dầu khí đang là ngành kinh tế trọng điểm với yêu cầu rất lớn về nhân lực cùng những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Nếu bạn ham mê với sự nghiệp dầu khí nói chung và ngành khai thác dầu khí nói riêng, cơ hội lớn và những thú vị đang chờ đón bạn.
Nơi đào tạo: ĐH Mỏ – Địa chất (Phân hiệu ĐH Kỹ thuật Dầu khí tại Vũng Tàu), ĐH Bách Khoa TP.HCM, Trường CĐ Kỹ thuật Dầu khí tại Vũng Tàu…
Ngành Môi trường
Môi trường có rất nhiều chức năng khác nhau như tạo không gian sống cho con người và các sinh vật; lưu trữ và cung cấp nguồn thông tin; chứa đựng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; chứa đựng các phế thải do con người tạo ra… Vì vậy nghiên cứu, giữ gìn, bảo vệ môi trường đã trở thành mục tiêu của các nhà khoa học, các kỹ sư làm việc trong ngành khoa học môi trường, ngành công nghệ môi trường…
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp: Nhà môi trường có thể làm việc tại các cơ quan quản lý và nghiên cứu về môi trường. Hiện nay ở nước ta có một hệ thống các cơ quan về môi trường từ trung ương đến địa phương như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, các Sở Tài nguyên Môi trường tại các tỉnh, thành. Ngoài ra, còn có các nhà máy, xí nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế về môi trường; các trường ĐH, CĐ có chuyên ngành về môi trường; các Sở Du lịch, công ty dịch vụ du lịch, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu di tích lịch sử… là những nơi phù hợp để các nhà môi trường làm việc và cống hiến.
Cuộc sống của người làm trong ngành môi trường không đơn độc một mình mà thường có sự cộng tác chặt chẽ của các chuyên gia trong lĩnh vực sinh học, hoá học, địa chất học…
Nơi đào tạo: ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội và TP.HCM), ĐH Bách khoa Hà Nội và TP.HCM, ĐH Mỏ – Địa chất, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH DL Văn Lang, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang…
Ngành Công nghệ hàn
Hiện nay, công nghệ hàn trở thành mối quan tâm trọng điểm của các nhà khoa học và cán bộ công nhân kỹ thuật với mục tiêu tạo ra những sản phẩm sáng tạo cho các lĩnh vực công nghệ như: vũ trụ, quốc phòng, hạt nhân, hàng không, xây dựng kết cấu… góp phần làm cho cuộc sống con người ngày càng tiện nghi hơn.
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp: Theo phân tích của các nhà chuyên môn, những người được đào tạo trong lĩnh vực công nghệ này luôn được tiếp cận với những kiến thức mới về năng lượng, vật liệu, điều khiển thiết bị… Trên cơ sở đó, họ có thể sáng tạo ra những sản phẩm vĩ đại cho con người. Học ngành này, bạn có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ, trung cấp và dạy nghề, công tác trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế tạo sản phẩm như công nghiệp dầu khí; công nghiệp tàu thuỷ, đường sắt cao tốc; công nghiệp máy bay; công nghiệp ô tô, xe máy; công nghiệp hóa dầu, hóa chất…
Nơi đào tạo: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường Kỹ thuật Cơ khí luyện kim Sài Gòn (Saimete)…
Ngành Điện tử Viễn thông
Đây là ngành sử dụng những công nghệ tiên tiến để tạo nên các thiết bị giúp cho việc truy suất thông tin mà các cá nhân, tổ chức muốn có. Có thể kể ra đây các thiết bị như cột anten truyền tín hiệu, đường cáp ngầm xuyên đại dương, máy thu hình điện thoại đều sử dụng thành quả của điện tử viễn thông.
Cơ hội nghề nghiệp: Kỹ sư Điện tử Viễn thông làm việc tại các công ty sản xuất, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện tử, các dịch vụ internet, các công ty viễn thông, các công ty điện thoại di động… Công việc của họ thường gắn liền với các phòng thí nghiệm, phòng kỹ thuật và máy móc hiện đại
Hiện nay, nhu cầu sử dụng và truyền dữ liệu của con người ngày càng lớn. Điện tử viễn thông là một trong những ngành luôn có mặt trong các thông tin tuyển dụng. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò quan trọng và tích cực trong toàn bộ sự phát triển kinh tế xã hội nên nhu cầu về nhân lực trong ngành này là rất lớn.
Nơi đào tạo: Điện tử Viễn thông được đào tạo tại nhiều trường ĐH, CĐ, trung tâm trong cả nước như: ĐH Bách khoa Hà Nội và TP.HCM, ĐH KHTN TP.HCM, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM, Trung tâm đào tạo quốc tế NIIT Hà Nội và TP.HCM…
Ngoài các ngành chính trên, khối ngành KHTN và Kỹ thuật Công nghệ còn bao gồm nhiều ngành khác như: Công nghệ hóa học, Lọc hóa dầu, Khoa học đất, Mỏ, Địa chất…
C. KHỐI NGÀNH Y DƯỢC
Ngành Y
Bác sĩ là một trong những nghề được xã hội đánh giá là nghề "cao cả” bởi tính chất đặc thù là cứu người. Tuy nhiên muốn học ngành này, bạn phải có sức học khối B kha khá trở lên và thời gian học cũng khá dài (6 năm) so với đa số các ngành học khác (4 năm). Sau khi học xong ĐH, bạn còn phải chọn một trong các chuyên khoa chính để theo học chuyên sâu và trở thành bác sĩ theo mảng đó: Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa, Sản khoa, Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Mắt, Da liễu, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Giải phẫu, Thần kinh, Y học cổ truyền…
Nơi đào tạo: ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Y Dược Huế, ĐH Y Dược Thái Nguyên, ĐH Y tế Công cộng, ĐH Y Thái Bình …
Ngành Dược
Ngành dược là một bộ phận không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe của con người, trên cơ sở sự phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế và sự phân công xã hội. Tính chất của hoạt động dược gồm cả các mặt: khoa học công nghệ, kinh tế thương mại và dịch vụ cộng đồng.
Dược sĩ theo quan niệm hiện đại phải là chuyên gia về thuốc với chức năng sản xuất, quản lý, cung ứng và hướng dẫn sử dụng thuốc một cách an toàn, hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm nhất; trong đó công tác sản xuất ngày càng được công nghiệp hóa, chuyên sau hóa và có thể có sự tham gia của các chuyên viên, nhân lực của ngành khác. Riêng công tác quản lý, cung ứng, hướng dẫn sử dụng thuốc ngày càng phức tạp và phát triển, đòi hỏi kiến thức, kỹ năng cũng như đạo đức của chính người dược sĩ. Do đó, trong thực tế dược sĩ có thể chỉ làm việc trong một bộ phận nào đó như sản xuất, kiểm nghiệm, quản lý cung ứng, hướng dẫn sử dụng thuốc…nhưng kiến thức và kỹ năng cần thiết phải bao gồm mọi khía cạnh liên quan đến thuốc; đặc biệt phải có lương tâm và đạo đức của một lương dược, để có thể thực hành tốt nhất nghiệp vụ ở một bộ phận.
Học ngành dược, bạn có thể trở thành một nhà bào chế thuốc, một nhà hoá dược, quản lý dược, nhà dược lý – dược lâm sang, nhà nghiên cứu về hóa lý, thực vật…
Nơi đào tạo ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Y Dược Huế, ĐH Y Dược Thái Nguyên…
D. KHỐI NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Ngữ Văn
Học văn không hẳn là để làm nhà văn bởi phẩm chất để trở thành một nhà văn gần như là năng khiếu đặc biệt của mỗi người. Có người không trải qua bất kỳ một khóa đào tạo viết văn nào cũng có thể trở thành một văn sĩ nổi tiếng, lại có người học rất nhiều khóa huấn luyện, trại sáng tác nhưng cứ lận đận mãi trên văn đàn. Vậy học ngữ văn để làm gì? Tùy theo trường mà sinh viên chọn học thì mục đích đào tạo theo hướng chuyên sâu khác nhau. Ví dụ như khi học Ngữ văn tại các trường sư phạm, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức chuyên ngành và những kỹ năng nhà giáo để đảm đương chức vụ của người giáo viên, nhưng khi học Ngữ văn tại trường ĐH KHXH&NV thì sinh viên sẽ được cung cấp hệ thống kiến thức chuyên sâu về Văn học, Ngôn Ngữ, Hán Nôm. Bên cạnh đó trường chú trọng cung cấp hệ thống tri thức, phương pháp luận để hướng sinh viên trở thành một nhà nghiên cứu về văn học.
Khi học xong, bạn làm nhà phê bình văn học là đúng nghề nhưng đòi hỏi chuyên môn lẫn khả năng cảm thụ văn học thật tốt. Những kiến thức về văn học, ngôn ngữ đặc biệt là cách sử dụng thuần thục tiếng Việt trở thành lợi thế khi đi xin việc của những sinh viên Ngữ văn. Bất kỳ một công ty, doanh nghiệp nào cũng cần đến những văn bản, công văn, thư ngỏ, giấy tờ có liên quan và nhà tuyển dụng có xu hướng chọn những sinh viên tốt nghiệp ngành này vào làm. Với những sinh viên ngành Ngôn ngữ thì ưu tiên làm việc với vai trò là một nhà biên tập cho các nhà xuất bản, toà soạn báo, đài truyền hình… Ngoài ra, một số sinh viên tốt nghiệp Ngữ văn cũng khá thành công trong các ngành nghề hiện nay như: tổ chức sự kiện, PR, nhà phê bình văn học, nhà giáo, làm báo…
Nơi đào tạo: ĐH KHXH&NV Hà Nội và TP.HCM, ĐH Sư Phạm, ĐH DL Văn Hiến…
Báo Chí
Làm nghề báo được đi dây đó, được là người phát hiện và truyền tải thông tin đầu tiên đến công chúng, được phỏng vấn những người nổi tiếng, được tham gia các hoạt động trọng đại của đất nước về tất cả các lĩnh vực như chính trị, văn hóa, thể thao… Và nhiều khi bạn trở thành người nổi tiếng khi xuất hiện trong các chương trình truyền hình, phát thanh… Tuy nhiên đây là nghề không phù hợp cho những bạn "yếu bóng vía" vì có những lúc nhà báo đóng vai trò như một cảnh sát điều tra, theo dõi đối tượng, tìm bằng chứng để có thể đưa ra ánh sáng những sai phạm. Không ít nhà báo khi tham gia đưa tin những tin thời sự bị bọn xã hội đen uy hiếp, đôi khi bị "xử" theo luật giang hồ!
Những phẩm chất cần thiết cho một nhà báo: năng khiếu phát hiện, truyền đạt thông tin; quan tâm, phát hiện sự kiện, vấn đề một cách nhanh nhạy, biết chọn lọc và xử lý thông tin một cách sinh động, dễ hiểu và cần thiết cho công chúng; sức khoẻ tốt, năng động, thích đi đây đi đó; biết tìm tòi, xây dựng cho mình một vốn văn hóa, vốn sống phong phú, phong cách viết riêng; có niềm đam mê, có lập trường tư tưởng vững vàng; một vài vị trí trong đài truyền hình, phát thanh còn đòi hỏi phải có yêu cầu về ngoại hình, chất giọng…
Nơi đào tạo: ĐH KHXH&NV Hà Nội và TP.HCM, Học viện Báo chí – Tuyên truyền, ĐH Khoa học (ĐH Huế), Trường CĐ Phát thanh Truyền hình…
Lịch Sử
Không lãng mạn như sinh viên khoa văn, không "sỏi đá” như sinh viên khoa địa, sinh viên khoa Sử phải là người có kiến thức sâu rộng về xã hội, có khả năng phân tích, tổng hợp để tìm hiểu và tái hiện lại quá khứ của nhân loại, qua đó phát hiện những quy luật phát triển của xã hội loài người và áp dụng những quy luật đó vào việc định hướng cho sự phát triển của xã hội trong tương lai…
Học lịch sử có gì lý thú? Đã bao giờ bạn cảm thấy tự hào khi nghĩ về lịch sử hào hùng của dân tộc, một đất nước bé nhỏ nhưng đã dũng cảm "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" để đánh thắng tất cả các thế lực ngoại xâm, bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc? Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao tất cả các sự kiện lịch sử lớn nhỏ của đất nước và thế giới đều được ghi lại một cách sinh động và lý thú? Đó là kết quả của những năm tháng làm việc không mệt mỏi của các nhà sử học, những người "đào bới quá khứ" để "định hướng tương lai". Như vậy, để trở thành một "thần dân" ngành lịch sử, bạn phải có khả năng xâu chuỗi cũng như gắn kết mọi sự kiện, vấn đề một cách dễ hiểu, dễ nhớ nhất. Tiếp đến, bạn thử nhẩm xem trong đầu bạn còn nhớ được bao nhiêu sự kiện lịch sử mà bạn được học từ xưa tới giờ, bởi nếu muốn trở thành nhà sử học bạn phải là người có trí nhớ cực siêu.
Sau khi học xong bạn sẽ có đủ năng lực đảm nhiệm công tác thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: nghiên cứu lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, lịch sử thế giới, làm công tác tuyên huấn, bảo tàng; làm việc cho các cơ quan ngoại giao, báo đài, công ty du lịch… Ngoài ra, bạn có thể học thêm lớp nghiệp vụ sư phạm để có thể đảm nhận việc giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, Trung học…
Với 3 chuyên ngành chính: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử Thế giới, Trường ĐH KHXH&NV (Hà Nội và TP.HCM) là nơi đào tạo hàng đầu ngành này. Ngoài ra, còn có các trường khác như: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Khoa học Huế, ĐH Văn Hiến…
Triết Học
Bất kỳ một quốc gia, một xã hội nào cũng cần trang bị cho mình một hệ thống lý luận để theo đuổi trong suốt quá trình phát triển đất nước. Như Việt Nam ta theo hệ thống lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc tìm hiểu đặc điểm, tính chất, lịch sử cũng như so sánh nó với các hệ thống tư tưởng khác là nhiệm vụ cơ bản của nhà Triết học, để từ đó có những cống hiến cho xã hội, có thể là bằng một hệ thống tư tưởng hoàn toàn mới. Để học được ngành này bạn cần phải là người có khả năng tư duy logic cao, có tính hoài nghi trước sự vật, hiện tượng trong xã hội nhằm tìm ra những giải pháp mới trong hệ thống lý luận của mình.
Sau khi học phần kiến thức cơ sở (thường là những học phần về lịch sử các nền triết học nổi tiếng thế giới, triết học trong các môn khoa học khác…), sinh viên sẽ vào học phần kiến thức chuyên ngành do mình tự chọn: lịch sử triết học, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa xã hội, logic học, thẩm mỹ học, đạo đức học và tôn giáo học. Bên cạnh đó, những khối kiến thức nghiệp vụ được học trong chương trình sẽ rất hữu ích cho sinh viên trong môi trường làm việc sau này.
Hiện nay cơ hội làm việc của ngành triết học khá lớn, bạn có thể làm việc tại các trung tâm, viện nghiên cứu KHXH&NV; làm công tác tuyên huấn, tuyên giáo tại cơ quan quận, tỉnh, huyện, TP; làm việc trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng cấp chính quyền. Hoặc bạn cũng có thể đi dạy (học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm) môn Giáo dục công dân, chính trị… hoặc làm giảng viên tại các trường ĐH, CĐ…
Nơi đào tạo: ĐH KHXH&NV (Hà Nội và TP.HCM), Học Viện Báo chí Tuyên truyền, ĐH Khoa học Huế…
Ngành Địa lý
Ở bậc phổ thông, học sinh chỉ được học một môn học mang tính chất chung nhất đó là Địa lý. Nhưng ở ĐH, địa lý được chia thành địa lý tự nhiên và địa lý xã hội. Phần địa lý tự nhiên đã được giới thiệu trong phần các ngành nghề khối tự nhiên – khoa học – kỹ thuật. Ở đây chúng tôi sẽ nói sơ nét về địa lý xã hội.
Địa lý học cung cấp kiến thức về quy luật tạo thành, phân bố và sử dụng các tài nguyên, quy luật phân bố dân cư và di dân, đặc điểm và sự phân hoá lãnh thổ của các ngành kinh tế, kinh tế vùng và tổ chức lãnh thổ sản xuất. Có 4 chuyên ngành địa lý xã hội:
Địa lý Kinh tế và Phát triển vùng: Những vấn đề toàn cầu hóa, nghiên cứu và phát triển thị trường, hội nhập kinh tế và phát triển bền vững… sẽ là những kiến thức hữu dụng cho các vị trí công việc như: tham gia công tác tại các cơ quan kinh tế nhà nước, nếu linh động có thể đảm nhận vị trí cao tại các cơ quan kinh tế, công ty tư nhân…
Địa lý Môi trường: Đây là ngành học được đánh giá là "có giá” hiện nay bởi những gì học được về tài nguyên môi trường, quản lý, sử dụng tài nguyên môi trường sẽ cần thiết và hữu ích cho công tác quản lý, khai thác tài nguyên hợp lý và bảo vệ môi trường. Hiện nay, các công ty lớn, xí nghiệp thường tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành này cho các vị trí tương đương.
Địa lý Dân số – Xã hội: Đây là ngành học mang tính liên đới cao, liên quan đến vấn đề dân số, xã hội và chính sách xã hội đối với những vấn đề này. Có thể nói, bất kỳ một địa phương, quốc gia nào cũng quan tâm đến vấn đề dân số – xã hội, chính vì thế mà sinh viên tốt nghiệp ngành này đa phần tìm được việc làm tại các tổ chức, cơ quan dân số, sức khoẻ và kế hoạch hoá gia đình của các tổ chức phi chính phủ và chính quyền các cấp.
Địa lý Du lịch: Hướng dẫn viên du lịch, nhân viên tại các công ty du lịch, Sở Du lịch ở các tỉnh, thành phố là nghề mà nhiều sinh viên chọn khi tốt nghiệp ngành học này. Những kiến thức về địa lý học và những kiến thức chuyên ngành địa lý du lịch hình thành cho bạn kỹ năng thiết kế, tổ chức điều hành tour du lịch; quy hoạch lãnh thổ du lịch; kỹ năng hoạt náo; nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng, lễ tân… sẽ giúp bạn đáp ứng nhiều yêu cầu của nhà tuyển dụng tại các công ty du lịch.
Ngoài ra, các cử nhân Địa lý học có năng lực nghiên cứu khoa học, có thể giảng dạy Địa lý ở bậc CĐ, ĐH và trung học phổ thông…
Nơi đào tạo: ĐH KHXH&NV Hà Nội và TP.HCM, các trường ĐH Sư phạm trên cả nước…
Xã hội học
Có thể hình dung Xã hội học là một "cơ thể sống", có lúc tiềm ẩn hoặc bộc phát những hiện tượng "bệnh lý” làm chậm, thậm chí kéo lùi sự phát triển. Và nhà xã hội học chính là "bác sĩ chuẩn bệnh".
Với những kiến thức xã hội được trang bị một cách có hệ thống trong trường học, bạn sẽ có thể giải mã những hiện tượng xã hội đa dạng. Bạn có thể tiếp tục làm nghiên cứu, làm giảng viên xã hội học tại các cơ sở đào tạo CĐ, ĐH, sau ĐH, hoặc về làm việc tại các cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội, thậm chí là cả trong những bộ phận liên quan đến quan hệ đối ngoại, quan hệ xã hội, quan hệ công chúng của các tổ chức kinh tế, báo chí, doanh nghiệp…
Tại mỗi vị trí làm việc, bạn có thể phát huy kiến thức xã hội của mình trên cơ sở gắn với thực tiễn. Công việc này tạo cho bạn cơ hội lớn để tham gia vào các hoạt động gắn với sự phát triển xã hội, phát triển cộng đồng… Dù làm việc ở đâu, con mắt của nhà xã hội học cũng thường xuyên đem lại cho bạn nhiều bất ngờ khi "thám hiểm" xã hội xung quanh. Trong nghề này, đòi hỏi không thể thiếu là những chuyến nghiên cứu dã ngoại, vì thế bạn sẽ có những cơ hội tuyệt vời để khám phá những miền đất lạ, gặp gỡ những con người, những cộng đồng xã hội khác đầy thú vị.
Kỹ năng nghề nghiệp: trước hết nhà xã hội học cần có tư duy phân tích để có thể nắm bắt, phân tích, đánh giá hiện tượng trong xã hội. Kiên nhẫn là một điều không thể thiếu khi làm nghề này. Thêm vào đó, bạn cần có khả năng ngoại giao cũng như khả năng viết, truyền đạt tốt những gì mình thu thập được…
Bạn có thể học ngành này tại ĐH KHXH&NV (Hà Nội và TP.HCM), Học viện Báo chí và truyền thông, ĐH Công đoàn, ĐH Đà Lạt…
Văn hóa học
Ngành Văn hoá học có mục tiêu đào tạo cử nhân có trình độ chuyên sâu về lý luận văn hóa, lịch sử văn hóa, địa lý văn hóa, văn hoá tộc người và các vấn đề khác có liên quan đến văn hóa học VN và thế giới.
Sinh viên được trang bị kiến thức về các ngành văn hóa cổ thế giới, các di sản văn hoá nổi tiếng thế giới, mỹ thuật thế giới, nghệ thuật kiến trúc thế giới, văn hoá trang phục, các dân tộc trên thế giới, văn hoá ẩm thực các dân tộc trên thế giới, phong tục, lễ hội các dân tộc…
Cử nhân ngành văn hoá học có khả năng làm công tác nghiên cứu về văn hóa VN và thế giới tại các Viện hoặc trung tâm nghiên cứu khoa học, làm công tác giảng dạy văn hoá VN, văn hoá thế giới tại các trường ĐH, CĐ; các trường nghiệp vụ về văn hoá thông tin, chính trị – hành chính… Ngoài ra, Cử nhân Văn hóa học có đủ kiến thức chuyên môn cần thiết để làm tốt công tác quản lý nghiệp vụ tại các tổ chức, cơ quan thuộc ngành văn hóa, du lịch; hoạt động hữu hiệu hơn trong mọi ngành nghề đòi hỏi các tri thức về Văn hóa học như truyền thông đại chúng, quảng cáo, kinh tế, kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp
Văn hóa học được giảng dạy tại trường ĐH KHXH&NV Hà Nội và TP.HCM
Nhân viên Thư viện
Có thể bạn cho rằng đây là một công việc an nhàn, suốt ngày lủi thủi với mấy đống sách như một con "mọt" gặm nhấm công việc. Nhưng thực tế công việc này không hề "an nhàn" và "dễ thở" như nhiều người vẫn nghĩ.
Là một nhân viên thư viện phải đảm trách nhiều chức vụ, công việc khác nhau: lựa chọn tài liệu, tiếp nhận các loại tài liệu mới, phân loại tài liệu theo danh mục hoặc theo loại hình tài liệu; tổ chức, sắp xếp và bảo quản các loại hình tài liệu theo một trật tự nhất định. Xây dựng và duy trì các cơ sở dữ liệu phục vụ cho mục đích tìm kiếm tài liệu dễ dàng, thuận lợi. Tiến hành chuyên biệt cho các diện tích sử dụng của thư viện, luôn luôn giữ gìn cho cơ sở vật chất trong tình trạng tốt nhất. Tuyên truyền, giới thiệu vốn tài liệu của thư viện, hướng dẫn sử dụng thư viện, nghiên cứu nhu cầu đọc, nhu cầu tin tức để việc phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân được hiệu quả nhất; đề xuất các chính sách và phát triển các dịch vụ thư viện, các sản phẩm thư viện để đáp ứng mọi yêu cầu của người đọc.
Làm việc trong thư viện, bạn luôn đồng hành với sách, với thế giới tài liệu phong phú, đa dạng để tổ chức, tuyên truyền, giới thiệu các nguổn tài liệu phục vụ cộng đồng. Do sự phát triển về công nghệ thông tin, khoa học… thư viện có nhiều hình thức hoạt động khác nhau: thư viện đa phương tiện, thư viện điện tử, thư viện số…
Bạn có thể làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước về thư viện hay trong các hệ thống thư viện khác nhau ở các tỉnh, thành phố, các cơ quan đoàn thể, các trường học, hoặc làm công tác văn thư lưu trữ ở các công ty lớn…
Nơi đào tạo: ĐH KHXH&NV Hà Nội và TP.HCM, ĐH Văn hóa Hà Nội và TP.HCM, ĐH Dân Lập Đông Đô…
Công tác xã hội
Công tác xã hội (CTXH) có nhiều lĩnh vực: CTXH đối với sự phát triển của cộng đồng (giải quyết bền vững các vấn đề đói nghèo, trẻ em lang thang, người già cô đơn, tệ nạn xã hội…); CTXH trong các lĩnh vực tệ nạn xã hội và tội phạm (những người nghiện ma túy, hoạt động mại dâm, người lớn và trẻ em làm trái pháp luật là đối tượng thường xuyên của chương trình phục hồi xã hội); Ngoài ra, còn có CTXH đối với những người khuyết tật, người cao tuổi, CTXH trong bệnh viện và trong trường học…
Những kỹ năng để trở thành một nhà CTXH: trước hết bạn phải là người có trái tim nhân hậu, đến với nghề không vì mục đích trục lợi cá nhân; là người có khả năng giao tiếp tốt, hiểu và dễ cảm thông với mọi người vì đối tượng trực tiếp của bạn là những người "lệch chuẩn", gặp nhiều bắt trắc nên nếu không có đức tính này bạn sẽ dễ bỏ cuộc. Thứ hai đó là tính kiên nhẫn vì công việc này ít khi có kết quả ngay mà đa phần phải có thời gian lâu dài. Ngoài ra, bạn phải có khả năng thích ứng với nhiều môi trường làm việc khác nhau, ít khi ngồi trong văn phòng.
Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm cán sự xã hội hay chuyên viên tư vấn trong các lĩnh vực: y tế, học đường, khu công nghiệp, CTXH với người già, trẻ em, với các nhóm dễ bị tổn thương… hoặc có thể tham gia các dự án xã hội của nhà nước và các tổ chức phi chính phủ; giảng dạy, nghiên cứu ở các cơ quan, trường, viện, hướng dẫn thực hành công tác xã hội tại thực địa cho cán bộ xã hội bậc cao đẳng, trung, sơ cấp…
Học CTXH ở đâu? Có khoảng 20 trường ở VN đào tạo ngành CTXH, một số trường điển hình như: ĐH KHXH&NV Hà Nội và TP.HCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Công đoàn, CĐ Sư phạm Trung ương, CĐ Sư phạm Kon Tum…
Ngành Luật
Theo một báo cáo gần đây, mọi lĩnh vực điều thiếu cán bộ pháp lý. Tính đến năm 2010 này, ngành tòa án cần thêm khoảng 4.000 thẩm phán, ngành kiểm sát cần thêm 2.500 kiểm sát viên, nhu cầu xã hội cần thêm hàng chục nghìn luật sư, chưa kể nhiều lĩnh vực hoạt động của ngành công an cần cán bộ có trình độ cử nhân luật. Đây là cơ hội lớn cho những bạn muốn tham gia vào ngành này.
Trong ngành luật bạn có thể làm thẩm phán, luật sư, công chứng viên, chấp hành viên, chuyên viên pháp lý, cố vấn pháp lý, giảng viên luật. Bạn cũng có thể làm việc theo các mảng: luật thương mại, luật dân dân sự, luật hành chính, luật quốc tế…
Muốn theo đuổi nghề luật, bạn khải là người công bằng, khách quan và trung thực: muốn làm người bảo vệ công lý thì trước tiên bạn phải yêu lẽ phải, tôn trọng sự thật và chuộng lẽ công bằng. Kế đến là sự mẫn cảm nghề nghiệp, khả năng phân tích, tổng hợp cao để có được quyết định đúng đắn. Thêm một khả năng cần có nữa là cách diễn đạt, trình bày vấn đề tốt và một bản lĩnh vững vàng để thuyết phục được người khác.
Nơi đào tạo: ĐH Luật Hà Nội và TP.HCM, Khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM), Khoa Luật Kinh tế (ĐH Kinh tế Quốc dân), ĐH Khoa Học – Huế, ĐH Cần Thơ…
Nhân học
Đây là ngành học nghiên cứu tổng hợp về con người, cụ thể là nguồn gốc, sự phát triển, các tổ chức chính trị xã hội, tôn giáo, ngôn ngữ, nghệ thuật và các tạo vật của con người. Nhân học gồm 4 phân ngành chính: Nhân học văn hóa xã hội, Ngôn ngữ học, Khảo cổ học, Nhân học thể chất (hay còn gọi là Nhân chủng học).
Mục tiêu đào tạo cụ thể của ngành này là trang bị cho sinh viên vừa có kiến thức đại cương về các ngành khoa học xã hội nhân văn, vừa có kiến thức chuyên sâu về Nhân học cả về lý luận và phương pháp nghiên cứu, có kỹ năng thực hành và khả năng vận dụng kiến thức chuyên nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Nhân học sẽ có khả năng làm việc trong các cơ quan trung ương và địa phương liên quan đến ngành học về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa; có thể làm cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng và cán bộ nghiên cứu ở các viện và trung tâm nghiên cứu liên quan đến yếu tố văn hóa – con người (cơ quan nghiên cứu dân tộc học, xã hội học hoặc các cơ quan văn hoá)
Nơi đào tạo: ĐH KHXH& NV TP.HCM
Việt Nam học
Ngành học này tương đối mới dành cho đối tượng muốn nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam cũng như những giá trị, bản sắc văn hoá Việt. Đây là ngành học có lĩnh vực công tác hẹp nhưng chương trình đào tạo khá hấp dẫn nên thu hút khá đông người Việt Nam và cả người nước ngoài theo học. Khi sinh viên là người nước ngoài, chương trình chú trọng rèn luyện khả năng sử dụng tiếng Việt, giúp người học có đủ trình độ để phiên dịch, biên dịch, nghiên cứu giảng dạy chuyên ngành Việt Nam học và có thể làm việc, giao tiếp trực tiếp với người Việt nhằm giới thiệu về đất nước, con người, sự nghiệp đổi mới của VN cho bạn bè thế giới.
Sau khi tốt nghiệp ngành này, bạn có thể đi sâu nghiên cứu về chuyên ngành Việt Nam học; trở thành hướng dẫn viên du lịch; làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện, văn phòng thương mại, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước.
Nời đào tạo: ĐH KHXH&NV (Hà Nội và TP.HCM), ĐH Hồng Bàng..
Đông Phương học
Ngành Đông phương học đào tạo những kiến thức cơ bản tương đối rộng về khoa học nhân văn các nước phương Đông. Sinh viên có thể nắm bắt được tình hình lịch sử, hiện tại của một nước hay một khu vực và mối quan hệ với VN. Có các chuyên ngành như: Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Đông Nam Á học, Ấn Độ học, Trung cận Đông học, Úc học, Thái học…Người học sử dụng được ngoại ngữ chuyên ngành (ngoài tiếng Anh học ở giai đoạn đầu) và kỹ năng cần thiết trong giao tiếp nên có thể xem đây là khoa đào tạo tiếng.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở các cơ quan văn hóa , giáo dục, du lịch, các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài, hoặc làm trong các cơ quan ngoại giao, quan hệ quốc tế, các văn phòng đại diện hoặc hoạt động trong các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.
Nơi đào tạo: ĐH KHXH&NV (Hà Nội, TP.HCM), ĐH Lạc Hồng…
Quốc Tế học
Mục tiêu của ngành là đào tạo những người có năng lực làm công tác nghiên cứu và giảng dạy về các vấn đề quốc tế và khu vực trên thế giới, có khả năng làm công tác giao dịch với nước ngoài, làm việc trong các cơ quan đối ngoại và các cơ sở doanh nghiệp, văn hóa thông tấn… ở trong nước hay ngoài nước. Thời gian đào tạo bậc đại học là 4 năm, trên nền tảng kiến thức chung về quan hệ quốc tế, kinh tế và luật pháp quốc tế, văn hóa thế giới, sinh viên sẽ chọn một trong các chuyên ban về quan hệ quốc tế và quan hệ đối ngoại VN, về từng khu vực trên thế giới.
Sinh viên ngành này có thể làm việc trong các cơ quan nhà nước phục vụ công tác đối ngoại hay các cơ quan có quan hệ, giao dịch với nước ngoài. Nhà ngoại giao là hướng mà sinh viên sẽ chọn để phát triển nghề nghiệp sau này. Ngoài ra, bạn cũng có thể giảng dạy về Quốc tế học và Quan hệ Quốc tế tại các trường ĐH, CĐ, viện nghiên cứu…
Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội và TP.HCM là nơi đào tạo ngành học mang tính quốc tế này.
Nhóm ngành Ngoại ngữ
Đây là ngành khá "hút" thí sinh đăng ký học trong nhiều năm nay khi thi vào khối ngành khoa học xã hội. Có 2 cách gọi khác nhau cho ngành này: đó là ngữ văn và tiếng. Nhưng vấn đề là giữa chúng có sự thống nhất trong cách đào tạo hay không? Nếu các khoa học tiếng chỉ đơn thuần học để trang bị các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, giao tiếp với người nước ngoài ở các cấp độ khác nhau thì ngữ văn trang bị cho người học những kiến thức bao gồm về tiếng (thông thạo ngôn ngữ của quốc gia đó) và về các vấn đề như: kinh tế, văn học, ngôn ngữ… của quốc gia mà bạn học (ngữ văn Trung Quốc, Ngữ văn Anh, Ngữ văn Pháp, Ngữ văn Đức…)
Cơ hội việc làm cho các bạn tốt nghiệp ngành này khá lớn, đặc biệt là trong thời đại phát triển toàn cầu như hiện nay. Những nghề hợp với ngành này là biên (phiên) dịch, thông dịch viên, công tác ngoại giao, đối ngoại, giảng dạy ngoại ngữ.
Hiện nay, nơi đào tạo ngành này là ĐH KHXH&NV (Hà Nội và TP.HCM), ĐH Ngoại ngữ (Huế, Đà Nẵng), ĐH Sư Phạm…
Giáo dục học
Nhà Giáo dục học và Nhà giáo có gì giống và khác nhau? Có thể hình dung như sau: Cả 2 ngành nghề này cùng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên Giáo viên là người cung cấp kiến thức trực tiếp cho học sinh còn nhà Giáo dục học là người đề ra các đường lối, hoạt động của ngành giáo dục thông qua những kết quả nghiên cứu từ tình hình giáo dục trong và ngoài nước. Giáo viên là người dạy những kiến thức theo khung chương trình còn khi nào thay đổi chương trình, thay đổi hướng hoạt động thì là công việc của Nhà giáo dục học, họ nắm bắt vấn đề của ngành giáo dục ở tầm vĩ mô.
Mục tiêu của giáo dục học là đào tạo cử nhân giáo dục học có phẩm chất tư tưởng chính trị vững vàng, có đạo đức và lối sống lành mạnh, có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học giáo dục vào cuộc sống. Sinh viên được cung cấp kiến thức lý thuyết cơ bản, hiện đại, có hệ thống và từng phần chuyên sâu về khoa học giáo dục; những kỹ năng thực hành về quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, tham vấn học đường và ứng dụng khoa học giáo dục trong cuộc sống.
Học ngành này tại: ĐH KHXH&NV (Hà Nội và TP.HCM)…
Lưu trữ học
Công việc của nhân viên lưu trữ là nhận giấy tờ, tài liệu, công văn của cơ quan, đơn vị và có nhiệm vụ lưu trữ, quản lý nó một cách khoa học nhất để làm văn bản lưu cho các cơ quan này khi cần. Nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng để nhận được nhiệm vụ này nhân viên lưu trữ cần phải tạo được niềm tin nghề nghiệp nơi cơ quan bởi không phải đơn giản mà người ta giao những giấy tờ quan trọng của đơn vị cho bạn quản lý.
Cử nhân Lưu trữ – Quản trị văn phòng có thể làm các công việc: nghiên cứu và giảng dạy văn thư, lưu trữ học ở các ĐH, CĐ, THCN; làm việc tại các phòng lưu trữ các tỉnh, thành, cơ quan khoa học chuyên ngành và các cơ quan, doanh nghiệp.
Hiện nay, ĐH KHXH&NV (Hà Nội và TP.HCM), trường CĐ Văn thư Lưu trữ TW1.. là những nơi đào tạo chuyên ngành này.
Tâm lý học
Những người được đào tạo bài bản về Tâm lý học có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế xã hội: trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu, các công ty, trung tâm làm dịch vụ tư vấn tâm lý. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (nhân viên phòng nhân sự, marketing, thiết kế quảng cáo, nghiên cứu thị trường); các cơ quan nhà nước, chính phủ, bộ, ngành, trong các bệnh viện…
Phẩm chất cần thiết cho ngành học này là phải có kiến thức phong phú về các lĩnh vực văn hóa, xã hội; có hiểu biết rộng về các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội hằng ngày; trung thực, tôn trọng người khác, khách quan, không nhận xét, đánh giá đối với những khúc mắc tâm lý của người khác, nhạy cảm, cởi mở; chịu được áp lực cao trong công việc; kiên nhẫn, biết lắng nghe; có khả năng chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu vấn đề; có khả năng thuyết phục khéo léo, nhẹ nhàng trong giao tiếp; diễn đạt tốt; có kỹ năng xử lý thông minh, khả năng phân tích, tổng hợp vấn đề.
Nơi đào tạo: ĐH KHXH&NV (Hà Nội và TP.HCM), ĐH Sư Phạm (Hà Nội và TP.HCM), ĐH Văn Hiến…
Một số ngành nghề tâm lý:
Tâm lý học đường: làm việc tại các trường học. Công việc chính là tham gia vào việc phòng ngừa những khó khăn, thất bại trong học tập cũng như trong đồi sống tinh thần của học sinh, từ đó góp phần giúp học sinh giải tỏa những khúc mắc trong đời sống, có thành tích tốt hơn trong học tập.
Nhà trị liệu tâm lý: làm việc tại các bệnh viện, trung tâm trị liệu khác… Bạn có thể hỗ trợ y bác sĩ hoặc làm việc độc lập trong công tác điều trị bệnh. Giúp người bệnh có thể hiểu và giải quyết những vấn đề, mâu thuẫn và tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị đúng.
Nhà tâm lý học: làm việc tại các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các trường ĐH, CĐ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, công ty quảng cáo, truyền thông…
Chuyên viên tham vấn: có môi trường làm việc rất rộng, tại các trung tâm tư vấn, các đường dây tư vấn nóng 1080, 1088, 1900… hoặc các dự án phi chính phủ. Công việc của chuyên viên tham vấn thường liên quan đến các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống như: tình yêu, hôn nhân, gia đình, quan hệ con cái…
Nghề Sư phạm
Đây là nghề thường đòi hỏi bạn phải được đào tạo chính quy trong trường sư phạm, hoặc có chứng chỉ sư phạm. Với phái nữ, đây là một trong những sự lựa chọn được ưu ái nhất bởi có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, ít va chạm với những bon chen của xã hội.
Tuỳ theo sở thích, khả năng và đôi khi là năng khiếu cho từng môn học mà bạn theo học đúng môn mình thích.
Giáo viên Mầm non: được ví là "người mẹ thứ 2" của các em nhỏ. Các bạn phải là người yêu con trẻ, kiên nhẫn, thích được chăm sóc, dạy bảo những em đôi khi mới tập nói. Bạn có thể sẽ rất cực nhọc khi dạy cùng lúc nhiều em và đôi khi cùng các cô bảo mẫu cho các em ăn, tắm rửa cho các em.
Giáo viên Tiểu học: Là một người đa năng, bạn phải biết tuy không sâu nhưng hầu hết các môn học từ tự nhiên đến xã hội, đôi khi còn kham cả những môn năng khiếu. Giáo viên tiểu học phải đứng lớp một mình (có khi có giảng viên trợ giảng) nên rất cực và mệt khi phải chuẩn bị giáo án, dụng cụ trợ giảng, và nhiều lúc phải dạy ngày 3 buổi nếu ở tỉnh.
Giáo viên Trung học: không phải kham nhiều môn, nhưng bạn phải thực sự hiểu chuyên môn về một môn mà mình phụ trách. Bạn có thể giảng dạy một môn tại nhiều lớp trong một học kỳ nên được gặp nhiều em học sinh, nhiều lớp học thú vị.
Giảng viên ĐH, CĐ, THCN: đòi hỏi bạn phải có kiến thức "thâm sâu" về lĩnh vực mình nghiên cứu, giảng dạy. Làm việc trong môi trường trí thức chuyên nghiệp sẽ giúp bạn trải nghiệm cũng như ứng dụng kiến thức của mình. Áp lực công việc là điều khó tránh khỏi khi bạn trở thành giảng viên nhưng đây là công việc đáng được tự hào vì phải trải qua quá trình học tập, tuyển chọn gắt gao tại các trường này.
Giáo viên chuyên biệt: là giáo viên giảng dạy các học sinh đặc biệt bị mắc các bệnh như: mù, câm, điếc; trẻ chậm phát triển… làm nghề này bạn phải biết thông cảm với sự kém may mắn của người khác, có trái tim nhân hậu, mong muốn cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Đôi khi người giáo viên giảng dạy tại đây đồng thời là nhà công tác xã hội, nhà hoạt động từ thiện… để tìm nguồn tài trợ cho các em.
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp: hệ thống các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, các trường bổ túc văn hoá, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, cao đẳng, đại học, học viện; các cơ quan quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương, các tổ chức, trung tâm trong và ngoài nước về giáo dục….
Nơi đào tạo: các trường ĐH, CĐ, Trung học Sư phạm trong cả nước.
E. KHỐI CÁC NGÀNH NGHỀ KHÁC
Chuyên viên chăm sóc sắc đẹp
Nhu cầu về đào tạo chuyên viên chăm sóc sắc đẹp hiện nay gia tăng nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Những bạn yêu thích và đam mê công việc này có thể học các khoá đào tạo tại các trung tâm chăm sóc sắc đẹp, các Spa, cơ sở đào tạo nghề, NVH Thanh Niên, NVH Phụ Nữ… Có thể nói, công việc của chuyên viên chăm sóc sắc đẹp rất đa dạng: tư vấn sắc đẹp, trang điểm, chuyên viên làm tóc, chuyên viên sắc đẹp trị liệu… với vô số cơ hội việc làm cố định hoặc bán thời gian thuộc nhiều chuyên môn khác nhau, các bạn có thể tìm việc tại khá nhiều nơi: Các viện thẩm mỹ (spa), viện săn sóc sắc đẹp cao cấp, các viện điều dưỡng hay trong các khách sạn… Đây là ngành nghề không giới hạn tuổi tác, trình độ học vấn và có tiềm năng trong tương lai.
Để trở thành một chuyên viên chăm sóc sắc đẹp chuyên nghiệp, kỹ năng chăm sóc khách hàng và tạo mối quan hệ thân thiết với mọi người được xem là kỹ năng quan trọng trong nghề chăm sóc sắc đẹp. Mỗi chuyên môn công việc đều có kỹ năng riêng. Ví dụ như một nhà tạo mẫu tóc, công việc đòi hỏi phải khéo léo và đôi khi cần phải nhanh và chính xác nữa. Một người tư vấn sắc đẹp ngoài chuyên môn cần sự sắp đặt công việc thông minh, kỹ năng thuyết phục và giao tiếp tốt. Với một người làm công việc massage thẩm mỹ thì thể lực là một yếu tố quyết định để những động tác luôn đủ lực và đem lại cho khách hàng sự thoải mái. Nói chung những kỹ năng quan trọng trong nghề nghiệp này ngoài khả năng chuyên môn, các bạn cần nhẹ nhàng, kiên trì, giao tiếp tốt, nhạy bén và nỗ lực không ngừng trong công việc. Bên cạnh đó, bạn cũng cần có thái độ kiên định, sự khéo léo nhằm tránh những cạm bẫy và rủi ro nghề nghiệp.
PR
Khi kinh tế ngay càng phát triển, vị trí của bộ phận PR (viết tắt của từ Public Relations: Quan hệ công chúng, quan hệ truyền thông) cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các công ty, tổ chức, cơ quan, đoàn thể… Ở nước ta, PR là nghề nghiệp còn khá non trẻ nhưng đã và đang thu hút đông đảo bạn trẻ hiện nay.
PR – có thể hiểu là những nỗ lực một cách có kế hoạch của một cá nhân hay tập thể, nhằm thiết lập những mối quan hệ cùng có lợi với đông đảo công chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hiểu một cách nôm na, PR là nghề làm cầu nối giữa doanh nghiệp với báo chí, với công chúng và các cơ quan chức năng có thẩm quyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Nhân viên PR thường là phát ngôn viên của cơ quan ngoại giao, người cung cấp thông tin của công ty, những người làm công việc quan hệ đối ngoại, cung cấp thông tin cho báo chí nhằm nâng cao uy tín của đơn vị mình trong lòng công chúng, đồng thời qua đó quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp… được gọi chung là PR. Khi đã trở thành nhân viên PR của một đơn vị, bạn sẽ là người khá bận rộn với công việc nào là lập kế hoạch, tổ chức các sự kiện để quảng bá hình ảnh, thương hiệu công ty; triển khai thực hiện và dự báo những nguy cơ có thể xảy ra cũng như phương án giải quyết hợp lý khi xảy ra sự việc ngoài mong muốn; làm công tác đối nội trong công ty để thắt chặt mối liên hệ giữa các bộ phận, giữa quản lý và nhân viên nhằm tạo bầu không khí thân thiện, đoàn kết nội bộ…
Để theo đuổi công việc PR, bạn phải có khả năng nói và viết tốt, chịu được áp lực công việc cao; có khả năng tạo dựng và duy trì mối quan hệ, giao tiếp với nhiều đối tượng, nhất là giới báo chí; có một lượng kiến thức nền khá rộng từ luật, kinh tế đến các lĩnh vực khác trong xã hội…
Hiện nay, chương trình đào tạo ngành PR chưa nhiều, tuy nhiên các bạn quan tâm đến lĩnh vực nghề nghiệp này, có thể học tại một số nơi: ĐH Mở TP.HCM (chuyên ngành Quản trị truyền thông), Viện Nghiên cứu Châu Á, Marcom hoặc Khoa Du lịch trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đặc biệt tại Học viện Báo chí – Tuyên truyền bắt đầu đào tạo Cử nhân PR từ năm 2006.
Điều dưỡng viên
Điều dưỡng là chuẩn đoán và điều trị cho con người về sức khoẻ thực sự hoặc tiềm tàng. Hiện nay trên thế giới nhu cầu đào tạo điều dưỡng viên gia tăng nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện hơn. Vì vậy quan niệm về điều dưỡng cũng thay đổi và có định hướng riêng biệt như các ngành nghề khác và cấp đào tạo đa dạng, phong phú hơn.
Với vai trò nâng cao, điều dưỡng viên còn là nhà cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ với chất lượng tốt và đang được mọi người tin cậy. Tiếp nhận một nền giáo dục đào tạo liên tục, tất cả các chương trình điều được cập nhật về kinh nghiệm lâm sàng cũng như các môn học về hoá học, vi sinh, tâm lý học, lý thuyết điều dưỡng và các môn học khác.
Chương trình đào tạo:
· Chương trình cử nhân khoa học Điều dưỡng được đưa ra ở các trường CĐ, ĐH với yêu cầu 4 – 5 năm học.
· Chương trình Cán sự điều dưỡng được đưa ra ở các trường cao đẳng cộng đồng hoặc chuyên nghiệp, yêu cầu 2 – 3 năm học.
· Chương trình Tá viên điều dưỡng cấp bằng tốt nghiệp (Diploma) thường dựa vào các bệnh viện, yêu cầu 2 – 3 năm học, tùy theo loại hình đào tạo.
Điều dưỡng viên là nghề được các bệnh viện, cơ sở y tế, các đơn vị chăm sóc y tế dài hạn tuyển dụng. Điều dưỡng viên cũng có thể phát triển nghề nghiệp trong phạm vi lĩnh vực chuyên ngành hay công tác hành chính quản trị…
Quản trị Bệnh viện
Trong mỗi bệnh viện đều có nhiều bộ phận khác nhau nhưng nhiệm vụ chung vẫn là chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Y tá, dược sĩ hay bác sĩ đều có công việc chuyên môn, họ không còn thời gian để lo các thủ tục hành chính tại bệnh viện như: quản lý danh sách bệnh nhân nội, ngoại trú, quản lý trang thiết bị y tế, quản lý tài chính, nhân sự, quản lý các dự án, các chương trình hợp tác… và công việc này sẽ được các cán bộ nhân viên quản trị bệnh viện đảm nhiệm.
Quản trị bệnh viện là ngành học tương đối rộng. Sinh viên ngành này được học rất nhiều kiến thức từ các kiến thức căn bản về y dược như: sinh lý y khoa, giám định y khoa – pháp y, dịch tễ học… và các kiến thức quản trị kinh doanh như: quản trị nhân sự, marketing, quản trị tài chính kế toán, quản trị môi trường đến các kiến thức kết hợp giữa y dược và quản trị kinh doanh như: kinh tế y tế, quản lý các chương trình y tế, kiến trúc bệnh viện, quản lý dược.. Ngoài ra, các bạn còn được cung cấp những kiến thức bổ trợ về tiếng Anh, công nghệ thông tin dùng trong bệnh viện với các phần mềm quản lý bệnh viện được cập nhật thường xuyên.
Tốt nghiệp ngành này bạn có khả năng tổ chức và điều hành cơ sở y tế, bệnh viện công lập, tư nhân, quản lý điều hành, phụ trách các nhiệm vụ kinh tế và quản trị các cơ sở kinh doanh, cơ quan nghiên cứu, giáo dục; tổ chức và tham gia các hoạt động y tế công lập cũng như của các tổ chức phi chính phủ.
Nơi đào tạo: ĐH Y Dược, ĐH Hùng Vương TP.HCM…
Chăm sóc khách hàng
Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào. Một nhân viên chăm sóc khách hàng sẽ phải trả lời cho khách hàng bất cứ thông tin gì họ cần. Đây là một bộ phận quan trọng của lý thuyết marketing và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, công ty, tổ chức, tập đoàn kinh tế… Nghề chăm sóc khách hàng không đòi hỏi trình độ quá cao, lại có thể làm việc từ xa, làm việc bán thời gian và không giới hạn độ tuổi hay hình thức bên ngoài.
Để theo đuổi công việc của một nhân viên chăm sóc khách hàng, các bạn cần có kỹ năng giao tiếp tốt, sử dụng thành thạo máy vi tính, biết ngoại ngữ, tính tình nhẹ nhàng, khéo léo, kiên trì, nhẫn nại và thâm trầm điềm tĩnh khi cần thiết. Quan trọng hơn hết là niềm đam mê, sự khéo léo giao tiếp và sự nỗ lực trong công việc.
Hiện nay, chương trình đào tạo nghề chăm sóc khách hàng chưa nhiều, tuy nhiên các bạn quan tâm đến lĩnh vực nghề nghiệp này có thể đăng ký học tại một số nơi đào tạo sau: Trung tâm hợp tác nguồn lực VN – Nhật BảnVJCC, các cơ sở đào tạo nghề…
Sửa chữa điện thoại di động
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự gia tăng đời sống kinh tế, điện thoại di động (ĐTDĐ) đã trở thành một vật dụng phổ biến và không thể thiếu của nhiều người, kéo theo đó là sự phát triển của nghề sửa chữa ĐTDĐ…
Để trở thành một nhân viên sửa chữa ĐTDĐ chuyên nghiệp, bạn cần trang bị cho mình nền tảng kiến thức về công nghệ thông tin, đồng thời nghề này còn đòi hỏi bạn sự khéo léo, tỉ mỉ, chính xác và có khả năng giao tiếp tốt với khách hàng. Đây cũng là nghề không giới hạn tuổi tác, trình độ học vấn nên sẽ có nhiều cơ hội cho tất cả những người yêu thích công việc này.
Bạn có thể học nghề này tại các trung tâm dạy nghề quận, huyện, thành phố… và một số địa chỉ như: Công ty Điện tử Viễn thông CPS (339 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Trung tâm Đào tạo ứng dụng CNTT (346 – 348 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM). Ngoài ra, còn có Trung tâm Điện tử thuộc ĐH Bách khoa TP.HCM dạy từ căn bản đến nâng cao nghề sửa chữa ĐTDĐ, các lỗi thường gặp, những ứng dụng CNTT thời đại…

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)