Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ (Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) trao đổi với thí sinh về cách lựa chọn ngành nghề |
Làm thế nào để chọn được ngành nghề phù hợp, cơ hội trúng tuyển cao? Cùng một ngành nhưng đào tạo ở trường này khác trường kia? Có thể học đồng thời hai ngành tại cùng một trường hoặc có thể nộp hồ sơ vào nhiều ngành trong cùng một trường không?… Là thắc mắc của rất nhiều học sinh (HS) tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2010 do Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT phối hợp Báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 27-2.
TS chọn ngành theo nhu cầu xã hội
Khác với các năm trước, năm nay, phụ huynh và HS được tư vấn chuyên sâu theo từng nhóm ngành (kinh tế, kỹ thuật, khoa học – công nghệ, khoa học xã hội – nhân văn, y dược – nông lâm, năng khiếu) để tạo thêm điều kiện hiểu rõ về ngành nghề. Theo nhận định của một số thành viên ban tư vấn, thí sinh (TS) năm nay vẫn dồn nhiều sự quan tâm vào các nhóm ngành đang có nhu cầu rất cao trong xã hội. Với nhóm ngành xã hội – nhân văn, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ (Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết, các ngành báo chí, quan hệ quốc tế, đông phương học, ngữ văn Anh, luật, lịch sử… vẫn hút TS như mọi năm. PGS.Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cũng nhận định, những ngành “truyền thống” như cơ khí, cơ khí động lực, điện – điện tử và xây dựng vẫn tiếp tục chiếm được sự quan tâm đặc biệt của TS. Theo ông Dũng, những ngành này có cơ hội việc làm ổn định, nhất là trong điều kiện kinh tế đang phát triển hiện nay. Ở khối kinh tế, nhóm ngành kế toán – kiểm toán, tài chính – ngân hàng… thu hút lượng TS đông đảo.
Dù lựa chọn về ngành nghề nào, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai (Phó trưởng Ban ĐH và sau ĐH – ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng lưu ý TS cần có sự quan tâm đối với ngành nghề lĩnh vực mình chọn, tìm kiếm thông tin về ngành nghề cũng như xác định được năng lực, khả năng học tập của mình, tránh chọn những ngành học có đầu vào cao hay chênh lệch quá với khả năng.
Học “hai trong một”
Em Dư Hiền Đức (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) bày tỏ nguyện vọng muốn được học song hành hai ngành báo chí và quan hệ quốc tế tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đây cũng là mong muốn chung của rất nhiều HS. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ nhận định, qui chế học tín chỉ cho phép SV học song song 2 ngành trong cùng trường, và thời gian hoàn thành chương trình cho cả 2 ngành là 6 năm. Tuy nhiên, việc sắp xếp, phân bổ lịch học của SV khi vào giai đoạn chuyên ngành sẽ không tránh khỏi khó khăn. Vì vậy, ông Hạ khuyên TS nên cân nhắc kỹ.
Tương tự, có TS hỏi việc đăng ký 2 ngành thuộc 1 khối của cùng trường được không? Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) giải thích, về nguyên tắc, TS có quyền nộp nhiều hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, với hình thức thi “3 chung” như hiện nay thì đến thời điểm thi TS vẫn chỉ có thể lựa chọn 1 ngành duy nhất tại 1 trường.
Nhiều ngành mới mở tại các trường năm nay là tín hiệu vui vì sẽ tạo thêm cơ hội học tập cho TS, song cũng “gây khó” cho các em trong việc chọn lựa được một môi trường thích hợp. Không ít TS còn mơ hồ về ngành nghề, lay hoay trong việc lựa chọn những ngành nghề được đào tạo tại nhiều trường. Chẳng hạn có TS băn khoăn không biết nên chọn học ngành cơ điện tử tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM hay tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vì em không biết thực tế đào tạo ngành này ở hai trường có gì khác biệt. Tương tự, ngành CNTT hiện “có mặt” trong chương trình đào tạo của rất nhiều trường, thậm chí còn là ngành thế mạnh của một số trường như ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa… Cũng có những trường khác, nhất là các trường dân lập đào tạo ngành này với điểm đầu vào khá “mềm” tuy nhiên học phí hơi cao. Ban tư vấn khuyên TS nên căn cứ vào học lực và cân nhắc kỹ để chọn lựa. Với sức học trung bình – khá, TS có thể chọn thi vào ngành này tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, các năm gần đây điểm chuẩn dao động trong khoảng 15-17 điểm. PGS. Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) nhận định, hiện nay, dù Bộ GD-ĐT yêu cầu “3 công khai” nhưng các trường vẫn chưa công khai được chất lượng đào tạo nói chung. Thực tế, có TS chọn ngành với điểm đầu vào cao, chọn trường có tên “kêu” nhưng chất lượng đào tạo chưa hẳn tương xứng.
Bài, ảnh: M.T
Bình luận (0)