Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các nguyện vọng “trôi dạt” quá xa

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh nộp hồ sơ xét NV1 vào Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM vừa qua

Phút 89 xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào ĐH-CĐ, nhiều thí sinh đã không còn tự tin khi nói về ngành nghề mình lựa chọn. Sau giây phút đó, nhiều em đã phải ra về với tâm trạng ngậm ngùi bởi ngành cuối cùng mình lựa chọn bị đẩy quá xa NV ban đầu.

Theo đại diện nhiều trường, thí sinh theo đuổi ngành nghề không yêu thích sẽ gặp khó khăn trong học tập và làm việc sau này.

Cố giành suất học ĐH

NV1 thí sinh được phép chọn 4 ngành trong cùng một trường ĐH-CĐ. Trong quá trình xét tuyển, các em được thay đổi NV từ trường này sang trường khác, ngành này sang ngành khác. Giai đoạn đầu xét tuyển NV1, nhiều em bình tĩnh chỉ đăng ký 2 hoặc 3 ngành. Lý do các em không muốn “gánh” thêm ngành mình thiếu đam mê, yêu thích. Những em điểm đẹp trong số đó có lý do bám trụ lựa chọn này đến phút cuối. Tuy nhiên, một bộ phận thí sinh khác với mức điểm lỡ cỡ, không đủ tự tin phải chen vào cuộc đua nộp – rút khi nhận thấy cơ hội đậu quá mong manh. Chính vì cầm hồ sơ “chạy” liên tục từ trường này sang trường khác, đến phút chót, không ít em vì quá áp lực đành phải “nhắm mắt” chọn những ngành không có tên trong lựa chọn ban đầu. Đơn giản để các em có được suất học ĐH phù hợp mức điểm. Sự tự tin vì thế cũng mất đi khi các em nói về những lựa chọn không mong muốn này.

Ngay từ đầu đến cuối, thí sinh Nguyễn Thị Như Mỹ (Khánh Hòa) chỉ thích ngành công nghệ may. Qua hai lần nộp vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và chuyển sang Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trong em vẫn tràn trề hy vọng. Tuy nhiên, đến giờ phút cuối, niềm yêu thích bị lung lay, nhường chỗ cho một ngành hoàn toàn mới là công nghệ kỹ thuật hóa học cũng của một trường ĐH khác. Tới tận giây phút cầm hồ sơ nộp trường mới rồi, thí sinh này vẫn rơm rớm buồn: “Em chỉ thích công nghệ may, nhưng buộc phải nộp ngành khác mới có cơ hội học ĐH”.

Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Duyên (TP.HCM) chỉ thích ngành kinh doanh quốc tế nhưng đăng ký thêm 3 ngành tài chính – ngân hàng, marketing và quản trị kinh doanh phòng trường hợp rớt NV chính. Duyên cho biết, nếu đậu vào một trong 3 ngành không “mặn” em vẫn sẽ học, còn hơn trượt ĐH. Tương tự, thí sinh Nguyễn Ngọc Kim Hiếu (Bến Tre) chỉ thích mỗi ngành marketing nhưng để an toàn, đành phải đăng ký kèm hai ngành quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM…

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có khoảng 10% thí sinh chọn ngành nghề xa NV chính, từ nhóm ngành kinh tế “nhảy” hẳn sang ngành kỹ thuật hoặc nhóm ngành sức khỏe chuyển sang cơ khí… Theo ThS. Phạm Thái Sơn – Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo nhà trường – những thí sinh chọn các ngành nghề thuộc cùng một nhóm như trên sẽ thuận lợi vì chương trình học có những nét tương đồng. Nhưng nếu chọn các ngành trái lĩnh vực mong muốn, việc học và làm sau này sẽ vô cùng vất vả.

Triệt tiêu đam mê?

Thực tế, theo TS. Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – việc chọn ngành xa sở thích đã tồn tại từ những mùa tuyển sinh trước. Những em đậu các NV sau thường thiếu đam mê và đạt kết quả học tập thấp hơn NV chính. Chưa kể ra trường, các em còn dễ từ bỏ công việc hoặc bị công việc từ bỏ.

Thí sinh chờ rút hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ảnh: M.Tâm

Ông Lý đánh giá, việc thí sinh xem các NV sau như “sân bay quá cảnh”, chỉ chọn học tạm thời sẽ gây lãng phí lớn, dài hạn. Điều đáng tiếc là tại đợt xét tuyển NV1 vừa qua, nhiều em thực sự đam mê và bám trụ ngành học đến phút chót lại bị đánh bật ra bởi những thí sinh di chuyển từ trường khác tới. Trong khi đó, các em này không thực sự mặn mà ngành học, chỉ đăng ký cho vừa vặn mức điểm.

Đại diện nhiều trường đã lo ngại rằng việc tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn tới 4 ngành trong cùng NV1 gây ảo lớn, các em vì mục đích học ĐH cho bằng được mà bỏ qua sở thích, đam mê, nhu cầu nhân lực… Và điều này cũng đã phần nào thấy được ở đợt xét NV1 vừa qua. Quan trọng hơn nữa điều này còn ảnh hưởng lớn đến công tác phân luồng học sinh trước đây và cả sau này. Một số ý kiến đề nghị không nên dùng tới 4 ưu tiên ngành nghề ở NV1 trong những mùa tuyển sinh tới nhằm hạn chế tình trạng người học để các NV của mình “trôi dạt” quá xa mong muốn ban đầu.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)