Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Các nhà đầu tư nước ngoài cảnh báo Việt Nam: Những rào cản làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 27-5, Cty Tài chính Quốc tế (IFC – thuộc Ngân hàng Thế giới) và Bộ KH&ĐT tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam chủ đề “Vượt qua 2011-Mục tiêu dài hạn của Việt Nam”. Tại đây, nhiều ý kiến quan ngại những rào cản kỹ thuật, hạ tầng yếu kém, cung cấp điện không ổn định… có thể làm chậm lại quá trình tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Cảnh báo rào cản

Ông Fred Burke, Trưởng nhóm công tác sản xuất và phân phối của diễn đàn, cảnh báo: gần đây các rào cản kỹ thuật xuất hiện ngày càng nhiều, nhằm điều chỉnh những vấn đề ngắn hạn, nhưng sẽ gây ra những hệ luỵ không tốt trong dài hạn.
“Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường khi các nhà sản xuất quốc tế đang cần tìm một ngôi nhà mới để thiết lập những nhà xưởng của tương lai. Đây là cơ hội có thể nắm được nhưng cũng có thể dễ bị tuột mất do những vấn đề liên quan rào cản kỹ thuật. Hiện các nhà đầu tư rất quan ngại việc áp dụng các hình thức kiểm soát giá theo Thông tư 122 của Bộ Tài chính”, ông Fred Burke nói.
Ngoài ra, theo ông Fred Burke, việc áp dụng các hàng rào phi thuế quan và quy chế cấp phép tự động đối với các mặt hàng nhập khẩu xa xỉ không thiết yếu cũng gây ra những tác động tiêu cực tới toàn bộ dây chuyền cung cấp.
Theo đánh giá của đại diện các nhà đầu tư nước ngoài, Thông báo 197 và Thông tư 20 của Bộ Công Thương về việc nhập khẩu điện thoại di động, mỹ phẩm, rượu và ô tô tạo ra những phiền hà về thủ tục mà nhiều doanh nghiệp khó đáp ứng được.
“Chúng tôi cho rằng nhất thiết phải ngăn chặn xu hướng tạo ra các rào cản phi thuế quan và tìm cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn, phù hợp với WTO để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại”, ông nói.
Ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Singapore, cho rằng việc Bộ Công Thương ra quy định chỉ cho nhập khẩu rượu, điện thoại di động… ở 3 cảng biển sẽ tạo cơ hội cho các cán bộ hải quan có những khoản thu nhập không chính thức.
Các biện pháp như hạn chế nhập khẩu rượu, điện thoại di động làm tăng thủ tục hành chính và làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam trở lên kém minh bạch hơn.
Sợ bị cúp điện và thủ tục hành chính
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nói, các doanh nghiệp thành viên EuroCham tỏ ra lạc quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ triển vọng kinh doanh theo đánh giá đã giảm xuống khá rõ so với lần đánh giá trước. Sự chậm trễ trong cấp phép đầu tư bị đánh giá là rào cản đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp cho rằng, trong thời gian từ 2005-2009, thời gian cấp phép đầu tư và các thủ tục hành chính đã giảm bớt một cách đáng kể. Tuy nhiên, sự tiến bộ trong cải cách này đã chậm lại trong năm 2010 với số lượng ngày xem xét cấp phép không thay đổi. Có doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng để hoàn tất các thủ tục hành chính.
“Chúng tôi nhận thấy thời gian cần thiết để cấp phép đầu tư cũng rất khác nhau giữa các thành phố và các tỉnh. Hà Nội và TPHCM thường đòi hỏi thêm khá nhiều thời gian để cấp phép”, ông Alain Cany nói.
Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài cũng cho biết, vấn đề về điện đang là trở ngại và là mối lo lớn với các nhà đầu tư. Trung bình thời gian bị cắt điện của mỗi công ty đã tăng gấp đôi, từ 50 giờ trong năm 2009 lên đến 89 giờ trong năm 2010.
Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện của Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp những ý kiến xác đáng giúp Chính phủ Việt Nam điều hành sát thực hơn, đưa nền kinh tế dần trở lại ổn định, lấy lại đà tăng trưởng. Những vấn đề kiến nghị, rào cản mà các nhà đầu tư nêu ra tại Diễn đàn sẽ được lắng nghe và sớm được khắc phục.
Cần 160 tỷ USD đầu tư hạ tầng
Ông Tony Foster, Trưởng nhóm công tác cơ sở hạ tầng cho biết, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam tiếp tục xếp hạng cuối cùng trong chỉ số năng lực cạnh tranh về chất lượng cơ sở hạ tầng so với các nước lân cận.
Do thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang thiệt hại hàng tỷ USD. Việc thiết lập một số trung tâm cảng lớn với cơ sở hạ tầng mặt đất đầy đủ sẽ giúp sức cạnh tranh hiệu quả hơn.
Dự kiến trong 10 năm tới Việt Nam sẽ cần khoảng 160 tỷ USD để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đầu tư xây dựng đường bộ, đường sắt, cảng, nhà máy điện, mạng lưới cấp nước.
Phạm Tuyên / TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)