Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các nhà giáo… lên tiếng về “đạo đức và chuẩn nghề nghiệp nhà giáo”

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy cô giáo dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm 2008

Bộ GD-ĐT vừa tổ chức hội thảo đạo đức và chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, chuẩn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong việc xây dựng Luật nhà giáo. Nhiều nhà giáo đã đưa ra ý kiến đóng góp của mình về vấn đề này.
Đạo đức nhà giáo sẽ đưa vào luật
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục, Bộ GD-ĐT, đạo đức nhà giáo hiện nay đã có một văn bản quy định đạo đức nhà giáo do Bộ ban hành. Tuy nhiên, mọi người thấy rằng hiệu lực của luật bao giờ cũng lớn hơn, nên ý tưởng của ban soạn thảo muốn đưa vào luật. Ông Hùng cho biết nội dung gì sẽ được đưa vào thì chưa cụ thể, còn đang bàn. Về phía những người “trực tiếp chịu ảnh hưởng”, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng cho rằng: Luật cần nhấn mạnh vai trò đạo đức, nhân cách của nhà giáo có nghĩa chúng ta phải yêu cầu cao về những hành vi đạo đức nhà giáo.
Nhà giáo nào vi phạm nhân cách học sinh, không tôn trọng học sinh, cha mẹ học sinh, đồng nghiệp hoặc bất cứ một vi phạm đạo đức nào của nhà giáo cũng phải được xử lý. Luật nhà giáo phải có điều luật cụ thể với những mức hình phạt nhất định. Tất cả những người vi phạm nhân cách học trò đều phải ra khỏi ngành, thuyên chuyển công việc khác. Giáo viên phải luôn luôn tôn trọng học sinh và không được lợi dụng nghề nghiệp để làm gương xấu cho học sinh. Và ngược lại trong luật cũng phải ghi rõ những công dân khác vi phạm nhân cách, thân thể, danh dự nhà giáo cũng bị từ phạt hành chính: bồi thường danh dự nhà giáo; nặng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Muốn loại trừ “văn hóa” phong bì phải có sự chung tay của toàn xã hội
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT: theo yêu cầu tháng 10-2009 sẽ trình Chính phủ Luật nhà giáo. Nhưng Luật nhà giáo là luật xây dựng hết sức khó khăn bởi vì nói về nhà giáo thì có rất nhiều hướng, ai cũng có thể góp ý được và nó đụng chạm đến rất nhiều vấn đề, có những vấn đề mà không phải dễ gì có thể thống nhất ngay. Tháng 5 năm sau đưa ra kỳ họp quốc hội và kỳ họp thứ 2 năm sau sẽ ban hành. Như vậy là khoảng cuối năm 2010 sẽ ban hành.
Một vấn đề nữa mà dư luận quan tâm trong đạo đức nhà giáo đó là “văn hóa phong bì”. Về vấn đề này, thầy Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều chia sẻ đây là hiện tượng chung của toàn xã hội, không riêng ngành giáo dục. Mọi người đều giải quyết công việc bằng phong bì và siêu phong bì – thầy Đại khẳng định. Thầy cũng kể ra một câu chuyện có thật. Có một phụ huynh sau khi xin cho con học không mất đồng nào, đã đến cảm ơn hiệu trưởng trong đó có phong bì 500 đô la sau đó thầy hiệu trưởng đã gọi đến và yêu cầu nhận lại. Nhưng sau đó vào dịp khác, phụ huynh học sinh lại đến với phong bì là 700 đô la và lần này thì thầy hiệu trưởng không thấy gọi lại nữa. Điều này phải hiểu như thế nào? – thầy Đại đặt câu hỏi. Cũng theo thầy Đại, hiện tượng chạy trường, chạy lớp diễn ra “sôi động” nhất ở cấp tiểu học, THCS. Còn ở cấp THPT do đầu vào của học sinh đã được thi nên rõ ràng, minh bạch. Theo thầy Đại, để giải quyết tận gốc vấn đề này riêng ngành giáo dục không làm được, cần sự đồng thuận của toàn xã hội. Giáo viên tuy đông thật nhưng chỉ là một phần trong xã hội.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)