Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Các nhà khoa học đo được gió thổi 2.400km/h trên ngôi sao lùn nâu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Các nhà thiên văn học quốc tế lần đầu tiên đo được tốc độ gió trên bầu khí quyển của một vật thể bên ngoài Hệ Mặt trời.
Năm 1996, siêu bão cuồng phong Olivia quét qua Australia, giật tới 408 km/h, đã lập kỷ lục về tốc độ gió nhanh nhất trên Trái đất. Nhưng con số này vẫn còn kém xa những gì mới được ghi nhận trên một ngôi sao lùn nâu có tên là 2MASS J1047 + 21 trong chòm sao Sư Tử, với sức gió trung bình 2.400 km/h, theo nghiên cứu công bố hôm 9/4 trên tạp chí Science.
Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (CfA) đã phát triển một kỹ thuật mới dựa trên các quan sát vô tuyến từ và Đài thiên văn VLA của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ và Kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA, cho phép đo đạc sức gió trên những thiên thể xa xôi.
Để đo tốc độ gió trên Trái đất, các nhà khoa học có thể dựa vào tốc độ quay của một lục địa và tốc độ bay của một đám mây khi nhìn từ ngoài không gian. Sự khác biệt giữa hai giá trị này là do gió đẩy các đám mây di chuyển so với về mặt.
Tuy nhiên, đối với vật thể bên ngoài hệ Mặt Trời như 2MASS J1047 + 21, các nhà thiên văn học không thể quan sát rõ mây trên bầu khí quyển của chúng. Thay vào đó, họ theo dõi chuyển động của mây theo một cách khác. Khi một đám mây di chuyển, nó làm thay đổi độ sáng của một thiên thể nếu nhìn từ Trái đất. Dựa vào đó, nhóm nghiên cứu sử dụng những thay đổi định kỳ về độ sáng của sao lùn nâu để xác định tốc độ gió của nó.
Đồ họa mô phỏng sao lùn nâu 2MASS J1047 + 21.
Đồ họa mô phỏng sao lùn nâu 2MASS J1047 + 21.
"Sao lùn nâu cũng có bầu khí quyển nhưng rất khác biệt so với Trái đất. Chúng có thể được bao phủ hoàn toàn trong các đám mây được tạo ra từ nhiều hợp chất hóa học khác nhau. 2MASS J1047 + 21 ở quá xa để có thể quan sát từng đám mây riêng lẻ, nhưng chúng ta vẫn có thể đo được một nhóm mây mất bao lâu để quay hết một vòng quanh bầu khí quyển. Thời gian này phụ thuộc vào hai yếu tố: tốc độ quay quanh trục của sao lùn nâu và tốc độ gió trong khí quyển của nó", Peter Williams từ CfA, một thành viên trong nhóm nghiên cứu giải thích.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng với sao Mộc, 2MASS J1047 + 21 có tốc độ gió cao hơn nhiều, gấp khoảng 6,5 lần. Nghiên cứu tốc độ gió trên các thiên thể bên ngoài hệ Mặt Trời có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó cung cấp thông tin về bầu khí quyển, một trong những yếu tố quyết định khả năng hỗ trợ sự sống ngoài Trái đất.
2MASS J1047 + 21, cách Trái đất 33 năm ánh sáng, có kích thước tương đương sao Mộc nhưng nặng gấp 40 lần. Sao lùn nâu đôi khi được gọi là những "ngôi sao thất bại", bởi chúng quá nặng để được coi là một hành tinh nhưng lại không đủ lớn để tạo ra các phản ứng nhiệt hạch trong lõi như một ngôi sao thực sự.
HT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)