Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Các nước cũng tranh cãi về việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày càng nhiều trường học ở Mỹ hạn chế học sinh sử dụng điện thoại di động. Các nhà giáo dục cho rằng điện thoại khiến học sinh không tập trung học tập. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phản đối việc này.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát hồi cuối năm 2019, nhiều trường học Mỹ đã cấm học sinh sử dụng điện thoại. Kể từ khi trường học mở cửa hậu Covid-19, nhà trường lại càng có nhiều lý do hơn liên quan đến vấn đề hành vi và sức khỏe tinh thần của học sinh để cấm học sinh dùng điện thoại.

Ý kiến trái chiều từ phụ huynh

Trong quá trình chuyển sang học trực tuyến vì dịch Covid-19, phụ huynh cho phép con em tiếp cận thiết bị điện tử, nhất là điện thoại thông minh, và giờ đây họ không muốn thay đổi điều này. Một số phụ huynh lo sợ họ mất liên lạc với con em mình nếu có một vụ xả súng xảy ra trong trường.

Bên cạnh đó, một số cha mẹ cho rằng việc cấm học sinh dùng điện thoại là gây cản trở việc học của học sinh.

Chẳng hạn, cô Shannon Moser, có hai con học lớp 8 và 9 tại TP.Rochester, (bang New York), nói với hãng tin AP: “Phụ huynh có ý kiến trái chiều về vấn đề này. Tuy nhiên, đa số cha mẹ có mối lo ngại chung và họ muốn biết những gì đang xảy ra với con em mình ở trường. Một vấn đề về mặt trách nhiệm được đặt ra khi học sinh mang theo điện thoại có thể ghi hình mọi thứ trong trường”.

Có nên cấm học sinh dùng điện thoại?

Báo cáo của Trung tâm Quốc gia về thống kê giáo dục (Mỹ) cho thấy, khoảng 65% trường công cấm học sinh dùng điện thoại vào năm 2015.

Đến năm học 2019-2020, lệnh cấm này vẫn được duy trì tại 76% trường học. Bên cạnh đó, các bang như California và Tennessee gần đây còn thông qua luật cho phép nhà trường cấm học sinh dùng điện thoại.

Hiện các nhà giáo dục ở Mỹ cũng cho rằng việc này tránh cho học sinh bị mất tập trung trong học tập, nhất là sau đại dịch nhiều em vẫn còn bị hổng kiến thức.

Chuyên gia Liz Keren-Kolb tại ĐH Michigan cho hay các lãnh đạo trường học có thể cảm thấy họ hạn chế việc học sinh dùng điện thoại với lý do phụ huynh lo ngại con dán mắt vào màn hình quá nhiều trong lúc dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, giờ đây phụ huynh có nhiều quan điểm trái chiều, theo bà Keren-Kolb.

Các nước cũng tranh cãi về việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường - ảnh 1

Các nhà giáo dục ở Mỹ lo ngại học sinh sẽ mất tập trung nếu sử dụng điện thoại trong lớp học. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE WASHINGTON POST

Bà Keren-Kolb chia sẻ: “Chúng ta vẫn có những bậc cha mẹ muốn có phương tiện liên lạc trực tiếp với con em tại trường. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều sự đồng cảm và thấu hiểu hơn từ phía phụ huynh nếu học sinh có thể tránh dùng điện thoại để thực sự tập trung vào việc học trong lớp”.

Ở bang Pennsylvania, Học khu Washington bắt đầu cấm điện thoại di động trong năm học 2022-2023 vì các nhà giáo dục nhận thấy điện thoại gây mất tập trung cho học sinh.

“Học sinh có thể nghe điện thoại ở hành lang và bàn ăn trưa. Một số sẽ gọi điện về nhà hoặc trả lời cuộc gọi giữa giờ học”, giáo viên trung học Treg Campbell ở Học khu Washington, chia sẻ.

Bên cạnh đó, George Lammay, một quan chức quản lý giáo dục của Học khu Washington, cho rằng lệnh cấm là lựa chọn đúng đắn, giúp học sinh tập trung học tập, “chứ không phải cố tình hạn chế liên lạc với gia đình”.

Tại Học khu Brush ở bang Colorado, điện thoại di động cũng bị cấm sau khi giáo viên bày tỏ mối lo ngại về tình trạng học sinh bị “bắt nạt trực tuyến”.

Khi phụ huynh phản đối, học khu đã tổ chức cuộc họp, với hầu hết ý kiến phản đối lệnh cấm. Phụ huynh cho rằng họ muốn con mình có quyền sử dụng điện thoại.

Sau cuộc họp, Học khu Brush thay đổi chính sách, cho phép học sinh mang theo điện thoại với điều kiện tắt nguồn và bỏ vào tủ khóa, không mang vào lớp. Học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại với lý do đặc biệt, chẳng hạn liên lạc người thân gia đình.

Chuyên gia Keren-Kolb cho rằng sẽ không có giải pháp hoàn hảo về vấn đề học sinh sử dụng điện thoại trong trường. “Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải đảm bảo giáo dục học sinh và có biện pháp tăng cường ý thức của phụ huynh về thói quen sử dụng điện thoại một cách phù hợp”, bà Keren-Kolb chia sẻ.

Theo Thuận Hòa/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)