Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các phòng thí nghiệm: Thiếu kết nối với chợ để xét nghiệm thực phẩm

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: D.B

Ngày 14-3, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.

Theo báo cáo của Sở KH&CN, những năm qua TP đã đầu tư hơn 61 tỷ đồng cho Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP (CASE). Theo đó, CASE có thể phân tích, thí nghiệm, xét nghiệm hầu hết các chỉ tiêu về đảm bảo ATTP và chất lượng hàng hóa. Hiện có hơn 1.800 quy trình phương pháp phân tích được áp dụng tại CASE.

Tuy nhiên, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP đặt vấn đề: Sở KH&CN đã có phòng thí nghiệm trực thuộc là CASE, thời gian qua CASE đã kết nối với các chợ đầu mối để xét nghiệm hay chưa, có đi lấy mẫu về phân tích không? Vai trò của Sở KH&CN trong thời gian tới như thế nào để không bỏ phí trung tâm xét nghiệm?

Trả lời câu hỏi này, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Giám đốc Sở KH&CN – thẳng thắn: “Sở KH&CN có nhiệm vụ bảo vệ ATTP theo cách phối hợp với các cơ quan kiểm tra nhãn hàng, chất lượng sản phẩm, quản lý các tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm… chứ không lấy mẫu phân tích vì trung tâm không có chức năng đi lấy mẫu mà chỉ có chức năng phân tích. Mỗi năm sở đã phân tích khoảng 80.000 mẫu”.

Cũng tại buổi giám sát, nhiều đại biểu tâm tư về việc trả kết quả sau phân tích, kiểm tra quá chậm, cần phải rút ngắn lại. Ông Phùng cho rằng, việc trả kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm quá lâu là vấn đề nan giải vì trong lĩnh vực phân tích không phải kết quả nào cũng được test nhanh. Đặc biệt, các sản phẩm ở chợ đầu mối rất khó test nhanh vì nhiều kết quả dương tính phải làm lại mất rất nhiều thời gian, công sức.

Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM cho rằng: “Việc test nhanh chỉ mang tính định tính nhưng sản phẩm không thể chờ nên có một số sản phẩm vẫn phải test nhanh. Một số sản phẩm Bộ Y tế chưa đưa vào danh mục sản phẩm test nhanh thì chúng ta phải yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện để đáp ứng nhu cầu của thực tế”.

Trong thời gian chờ đợi, bà Lan mong muốn HĐND TP tạo cơ chế tài chính để các sản phẩm có thể test nhanh.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP cho rằng, hiện TP có 240 chợ truyền thống, Sở KH&CN nên cho ứng dụng kiểm định tại chợ để kiểm nghiệm nhanh.

TP.HCM hiện có 300 phòng thí nghiệm trực thuộc bộ, ngành, các trường ĐH… đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ATTP.

Tuy nhiên, PGS.TS Lan lưu ý, cần tránh tình trạng “giậm chân” giữa các phòng thí nghiệm, thậm chí có doanh nghiệp đưa sản phẩm đến phòng thí nghiệm này chưa đạt lại đưa qua phòng thí nghiệm khác kiểm định.

Từ vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng cần có “trọng tài” trong kiểm định chất lượng phòng thí nghiệm.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN cũng thừa nhận: “Về chất lượng kiểm tra của các phòng thí nghiệm thì vai trò trọng tài là ai vẫn chưa có, thực tế chưa có đơn vị chuyên môn nào kiểm định chất lượng phòng thí nghiệm”.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Phạm Đức Hải cho rằng: “Phòng thí nghiệm dù thuộc bộ nào, trường ĐH nào… hễ đóng trên địa bàn TP, Sở KH&CN cũng phải biết và nắm được chất lượng kiểm nghiệm của các phòng đó. Sở chưa có chức năng kiểm định phòng thí nghiệm nhưng đây là trách nhiệm của sở, sở phải là “trọng tài”, nếu cần có thể lập ra một bộ phận có chức năng đi kiểm định”.

Dương Bình

Bình luận (0)