Lượng người mua online (trực tuyến), qua điện thoại tăng đột biến khiến nhiều siêu thị, cửa hàng đang rơi vào tình trạng quá tải.
Theo đại diện MM Mega Market, hiện tại, toàn bộ đơn đặt hàng online của hệ thống siêu thị này ở TPHCM đều quá tải. Nhiều trường hợp không thể giao hàng trong ngày nên bộ phận chăm sóc khách hàng gọi điện thông báo cho khách ngày giao cụ thể, khách đồng ý thì nhân viên mới xử lý đơn hàng. Mỗi ngày, đơn vị này nhận một lượng đơn hàng online nhất định và khi đạt đến ngưỡng khả năng cung ứng thì siêu thị tạm ngưng nhận đơn hàng.
Nhiều cửa hàng tiện lợi trong ngày 13/7 vẫn trong tình trạng hết rau củ, không có cá, tôm, mực để bán.
Đại diện Saigon Co.op cũng cho biết, các đơn hàng online qua website, app tăng mạnh, siêu thị giao hàng thành công khoảng hơn 70% lượng đơn và đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ hơn nữa. Đại diện Saigon Co.op giải thích: “Do không phải là đơn vị chuyên doanh online và do sức mua đột biến, chúng tôi mong người dân thông cảm về những sự bất tiện, chậm trễ. Hiện, số nhân sự của Saigon Co.op ở TP.HCM chưa đến 10.000 người nhưng đang phục vụ cho khoảng 3-5 triệu người dân thành phố. Ngoài phục vụ tại siêu thị, bán hàng online, hệ thống siêu thị còn chịu trách nhiệm cung cấp hơn 10.000 suất ăn và nhu yếu phẩm cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến”.
Theo Nguyễn Nhơn Quý – Trưởng phòng Truyền thông AEON Việt Nam – từ ngày 9/7, lượng đơn hàng trên các kênh online, điện thoại đồng loạt tăng mạnh. Hệ thống phải tăng cường thêm nhân lực từ nhiều bộ phận khác nhau để có thể đảm bảo thời gian giao hàng cho khách trong vòng ba ngày.
Về tình trạng khách hàng đặt mua qua app nhưng thường xuyên nhận thông báo “tạm ngưng nhận hàng”, đại diện chuỗi siêu thị LOTTE Mart giải thích: “Ví dụ mỗi ngày, năng lực tiếp nhận của chuỗi là 1.000 đơn hàng nhưng app đã nhận đến 5.000 đơn đặt hàng thì app phải tạm ngưng và các đơn hàng được xử lý theo trình tự trước, sau. Với những đơn hàng mà khách đặt mua ít món hay đơn giản, siêu thị xử lý nhanh và nhận thêm được nhiều đơn hàng mới. Ngược lại, những đơn hàng trị giá 4-5 triệu đồng sẽ được xử lý chậm hơn mặc dù siêu thị đã tăng cường lực lượng giao hàng, xe bảy chỗ để giao được nhiều đơn hàng hơn”.
Rau củ về chợ truyền thống ít, giá nhiều mặt hàng tăng gấp đôi
Đại diện Central Retail Việt Nam thì cho rằng, việc bán hàng qua app của siêu thị cũng đang gặp khó khăn do đối tác cung cấp tài xế giao hàng bị hạn chế, ít hơn ngày thường 70% dẫn tới việc giao hàng chậm trễ.
Ở kênh bán hàng truyền thống, theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM trong ngày 13/7, việc mua hàng ở siêu thị vẫn gặp nhiều khó khăn do bị hạn chế số người vào, có người khi tới lượt vào trong thì đã không còn nhiều thực phẩm tươi sống để chọn mua do những người vào trước đã gom hết.
Tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) sáng 13/7, giá rau củ tăng cao, có loại tăng tới 100%: xà lách, cải cúc 100.000 đồng/kg; bầu, bí, mướp 50.000 đồng/kg; hành lá, ngò, thì là 100.000 đồng/kg; thơm 30.000 đồng/trái… Giá một số loại thịt heo cũng tăng từ 20.000-30.000 đồng/kg, như sườn non 220.000 đồng/kg; nạc 190.000 đồng/kg; thịt vai 160.000 đồng/kg…
Tại một số cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, giá phần lớn mặt hàng thịt, thủy hải sản, rau củ tăng nhẹ, nhiều loại không tăng nhưng thiếu hàng. Cửa hàng Satra Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp) mấy ngày liên tục không có cá lóc, cá ba sa, cá hồi, cá nục, cá chỉ vàng, cá mó, tôm, mực, chỉ có một ít cá điêu hồng nhưng khách phải đặt mua từ hôm trước vì khoảng 7 – 8g sáng đã hết hàng. Các mặt hàng thịt heo như sườn non, ba chỉ, ba rọi rút sườn cũng thường hết hàng sớm. Rau củ, hành lá, ngò, thì là, sả cây mặc dù được chia nhỏ, mỗi khách chỉ được mua một ít nhưng khách đến trễ cũng không có hàng để mua. Có thời điểm hết thịt heo, nhân viên quầy thịt phải bổ sung thịt heo được bảo quản đông lạnh ra bán. Theo nhân viên, đây là thịt heo được đông lạnh sau khi giết mổ để bổ sung khi thiếu hàng cục bộ. Còn thủy hải sản không có để bán là do chợ đầu mối Bình Điền đóng cửa.
Theo Nguyễn Cẩm/PNO
Bình luận (0)