Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Các tân NSND, NSƯT: Sẽ cống hiến hết mình với nghệ thuật!

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. TP.HCM có 80 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT đợt này.

Các tân NSND, NSƯT lần thứ 10 vô cùng tự hào và xúc động khi được đón nhận danh hiệu cao quý của Nhà nước trao tặng. Điều này càng khiến cho các nghệ sĩ cảm nhận rõ hơn trọng trách mới của mình cũng như nguyện cống hiến hết mình cho nền nghệ thuật nước nhà.


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao danh hiệu NSND cho NS Thanh Điền và cố NS Thanh Kim Huệ

NSND Thanh Điền: “Vai diễn Bác Hồ mãi trong tim tôi”

Trong lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 vừa qua, NSND Thanh Điền một mình nhận tới 2 tấm bằng danh hiệu NSND. Được biết, ngoài nhận cho mình, ông còn nhận thay cho người vợ quá cố – nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ. Tên bà nằm trong danh sách truy tặng danh hiệu NSND theo Quyết định số 725 do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký.

“Tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì chúng tôi đều được nhận danh hiệu NSND, buồn vì vợ tôi chẳng còn sống để cùng đón nhận vinh dự này. Sinh thời, một trong những ước nguyện lớn nhất của Thanh Kim Huệ là được nhận danh hiệu NSND”, NSND Thanh Điền bày tỏ.

Vai diễn đặc biệt nhất, ghi lại dấu ấn nhất trên chặng đường 60 năm hoạt động sân khấu của NSND Thanh Điền chính là vai Bác Hồ. “Điểm lại 60 năm sự nghiệp sân khấu của mình, vai Bác Hồ trong vở “Đêm trắng” là vai diễn để đời của tôi, sống mãi trong tim tôi…”, NSND Thanh Điền nhìn nhận.

NSND Thanh Điền tâm sự: “Năm 1990, khi Đoàn cải lương Sài Gòn 1 tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, tôi đã được trao giải đặc biệt với vai diễn Bác Hồ. Giải thưởng đó đã là nguồn động viên rất lớn đối với sự nghiệp lao động nghệ thuật của tôi”. Theo NSND Thanh Điền, cũng nhờ được thể hiện vai Bác Hồ, ông đã học tập và làm theo tấm gương của Người, phấn đấu bền bỉ cho nghệ thuật.

NSND Thanh Điền là một tấm gương luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức để hoàn thiện chính mình. Ông luôn xem sân khấu là thánh đường, khán giả chính là đối tượng quan trọng nhất của hoạt động văn hóa nghệ thuật. “Tôi rất hạnh phúc và vinh dự khi được trao tặng danh hiệu NSND. Đây không chỉ là sự ghi nhận những thành tích mà mình đạt được trong hoạt động nghệ thuật, mà còn là cả quá trình rèn luyện, học tập, cống hiến phục vụ nhân dân. Vì thế, bên cạnh niềm vinh dự, còn là trách nhiệm lớn mà tôi phải luôn ghi nhớ. Để luôn xứng đáng với danh hiệu cao quý này thì người nghệ sĩ sẽ không ngừng rèn luyện đạo đức, tài năng, sáng tạo đóng góp cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà” – NSND Thanh Điền bộc bạch.


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao danh hiệu NSND cho NS Trịnh Kim Chi

NSND Trịnh Kim Chi: “Sẽ cống hiến hết mình với nghệ thuật!”

Với 30 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, NSND Trịnh Kim Chi đã chứng tỏ được bản lĩnh và tài năng của mình thông qua hàng loạt các vai diễn ấn tượng trên sân khấu và màn ảnh.

Trịnh Kim Chi từng theo học Khoa Diễn viên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM năm 1990. Sau đó, chị tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1994 và đoạt ngôi vị Á hậu 2. Bước ra từ cuộc thi này, dù có nhiều cơ hội trình diễn thời trang nhưng nữ diễn viên vẫn không bỏ nghề diễn. Nhiều năm qua, chị vẫn miệt mài hoạt động nghệ thuật và có được chỗ đứng vững chắc trong nghề. Đến năm 2014, Trịnh Kim Chi là á hậu duy nhất nhận danh hiệu NSƯT. Và mới đây, chị được phong tặng danh hiệu NSND.

Danh hiệu này không chỉ là một vinh dự cá nhân mà còn là sự công nhận của xã hội về sự cống hiến của Trịnh Kim Chi cho nghệ thuật. Chị luôn nỗ lực không ngừng, luôn học hỏi và hoàn thiện bản thân để mang lại những tác phẩm nghệ thuật chất lượng và ý nghĩa cho khán giả.

Hiện tại, NSND Trịnh Kim Chi đang điều hành sân khấu kịch mang tên mình. Đồng thời, cô cũng giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam. Ngoài công việc kinh doanh và sân khấu kịch, nữ diễn viên còn tích cực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là các nghệ sĩ lớn tuổi.

NSND Trịnh Kim Chi cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục cống hiến, biến niềm hạnh phúc lớn lao này thành động lực để thực hiện các dự án giảng dạy, góp phần đưa kiến thức đến với thế hệ diễn viên trẻ. Ngoài công tác tại Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ của hội, tôi còn là giảng viên thỉnh giảng bộ môn kỹ thuật biểu diễn Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Tôi sẽ nỗ lực hướng hoạt động sân khấu tới những vở diễn đạt giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật”.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao danh hiệu NSƯT cho NS Bạch Long

NSƯT Bạch Long: “Không ngừng trau dồi, học hỏi”

Sau 50 năm cống hiến cho nghệ thuật, ở cái tuổi 65, Bạch Long vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Bạch Long tên thật là Nguyễn Thành Tùng, sinh năm 1959 trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Bạch Long và NSƯT Thành Lộc là hai anh em ruột. Cha của hai nghệ sĩ là NSND Thành Tôn và mẹ là nghệ sĩ Huỳnh Mai. Các chị em trong nhà cũng là những gương mặt tài danh của sân khấu cải lương một thời.

Năm 1990, anh dồn tâm huyết thành lập đoàn Đồng Ấu Bạch Long với mục tiêu đào tạo thế hệ kế thừa. Ở lĩnh vực cải lương, Bạch Long ghi dấu ấn với khán giả qua các vai Thánh Gióng, Trần Quốc Toản, Tề Thiên Đại Thánh… và hàng loạt vai diễn trong chương trình “Ngày xửa ngày xưa”. Sở hữu ngoại hình nhỏ nhắn cùng gương mặt vui vẻ, anh được các khán giả nhí yêu thích với các vai diễn của mình.

Từ đoàn cải lương của mình, anh đã đào tạo ra hàng loạt tên tuổi nổi bật của cải lương hiện nay như Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương, Vũ Luân, Bình Tinh, Võ Minh Lâm, Lê Thanh Thảo… Ngoài ra, Bạch Long cũng tiếp nối con đường sư phạm khi công tác giảng dạy tại Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.

Nhiều năm qua, với trách nhiệm gầy dựng một thế hệ diễn viên trẻ kế thừa cho sân khấu cải lương, Bạch Long đã góp phần mang tới những tín hiệu lạc quan cho sân khấu TP.HCM qua những vở diễn tạo cơ hội để diễn viên trẻ tỏa sáng. Các vở diễn được dàn dựng tại đoàn Đồng Ấu Bạch Long thời gian qua đã thực sự làm lay động trái tim khán giả.

NSƯT Bạch Long chia sẻ: “Được phong tặng danh hiệu đợt này, tôi rất vui và xúc động, cảm thấy vinh dự, tự hào. Trong cuộc đời làm nghệ thuật, được phong tặng danh hiệu là nguồn hạnh phúc lớn lao và phần thưởng vô giá. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục cống hiến, không ngừng trau dồi, học hỏi làm tốt hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình đối với nền nghệ thuật cải lương Việt Nam…”.

Anh Khôi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)