Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2006-2010, đa số các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phát triển về quy mô, hiệu quả từng bước được nâng lên, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; bảo đảm sản xuất, cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực của nền kinh tế; đóng góp tích cực trong việc bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng và việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ này, hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cũng bộc lộ nhiều bất cập; huy động quá nhiều vốn để thực hiện đầu tư, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh trong khi năng lực quản lý, trình độ quản trị doanh nghiệp và khả năng tài chính có hạn; đầu tư ra ngoài ngành nghề chính còn nhiều. Nhiều tập đoàn, tổng công ty chậm đổi mới thiết bị, công nghệ, chưa thực sự năng động trong cạnh tranh, một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ kéo dài. Tại nhiều tập đoàn, tổng công ty, việc tuân thủ các quy định của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn chưa nghiêm…
Từ thực tế này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành trên cơ sở nghiên cứu, phân tích kỹ thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, xây dựng đề án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tới từng tập đoàn, tổng công ty. Đồng thời, thiết kế cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, quy định rõ trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát hoạt động cũng như công tác quản lý cán bộ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, các tổng công ty tập trung đầu tư vào lĩnh vực chính, đồng thời thực hiện việc thoái vốn đã đầu tư vào ngoài ngành nghề chính, nhất là vào ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm; dứt khoát không tham gia hoạt động ngân hàng, công ty tài chính, công ty kinh doanh chứng khoán.
LÂM NGUYÊN / SGGP
Bình luận (0)