- 1 Các thi sĩ đặt nền móng cho thi ca hiện đại Việt Nam
Đó là 4 nhà thơ lớn từng đạt “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật”, được thể hiện trên tem bưu chính Việt Nam: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi.
Xuân Diệu (1916-1985) là một trong những nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam, tên thật là Ngô Xuân Diệu, bút danh khác là Trảo Nha, quê quán Trảo Nha, Can Lộc, Hà Tĩnh, nhưng sinh ra và lớn lên tại Bình Định. Thi sĩ nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió, được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” Việt Nam.
Xuân Diệu là một đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, nhà thơ đã để lại khoảng 450 bài thơ, một số truyện ngắn và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học. Thi sĩ từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của thi sĩ với nền thi ca Việt Nam, ngày 2-2-2016, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Xuân Diệu”, do họa sĩ Võ Lương Nhi thiết kế, gồm 1 mẫu tem.
Tiếp theo, ngày 13-2-2018, nhân kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Bính, Bộ Bưu chính phát hành bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Bính”, gồm 1 tem và 1 block, do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế.
Họa sĩ tái hiện chân dung nhà thơ với tông màu chủ đạo nâu trầm ấm, trên nền phong cảnh dòng sông quê hương với những con thuyền neo đậu được thể hiện trong những vần thơ của Nguyễn Bính.
Thi sĩ Nguyễn Bính (1918-1966) quê quán Nam Định, là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Các tác phẩm chính đã xuất bản của Nguyễn Bính bao gồm: Tâm hồn tôi, Lỡ bước sang ngang, Hương cố nhân, Một nghìn cửa sổ, Người con gái ở lầu hoa, Mười hai bến nước, Mây Tần, Bóng giai nhân…
Hai năm sau, để thể hiện tình cảm yêu mến, kính trọng đối với nhà thơ Tố Hữu (1920-2002), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế phát hành bộ tem gồm 1 mẫu tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Tố Hữu” do họa sĩ Tô Minh Trang thiết kế.
Nhà thơ Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 4-10-1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông là nhà thơ lớn có công khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng Việt Nam. Hàng chục tập thơ mới hiện đại, sâu sắc của ông đã kết hợp hài hòa đẹp đẽ cuộc đời cách mạng với cuộc đời thơ, tập trung chuyển tải những tình cảm lớn của nhân dân trong suốt hành trình lịch sử của Đảng và của dân tộc. Ông còn là nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú của Đảng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước, từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của nước nhà, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Mới đây, ngày 20-12-2024, nhằm tôn vinh những cống hiến của nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924-2003) đối với nền văn nghệ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Đình Thi” do họa sĩ Nguyễn Du thiết kế, gồm 1 mẫu.
Thi sĩ sinh ngày 20-12-1924 ở Luang Prabang (Lào), quê gốc ở làng Vũ Thạch (nay là phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), là một nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, nhà khảo luật triết học, nhà phê bình văn học và nhạc sĩ Việt Nam thời hiện đại, thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Hơn 30 năm ông làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (1958-1989) và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng khác trong công tác quản lý văn học nghệ thuật của đất nước.
Phát hành tem bưu chính về các thi sĩ hiện đại Việt Nam, Bưu chính Việt Nam nhằm ghi nhận công lao to lớn của các nhà thơ đã đặt nền móng cho nền thi ca hiện đại nước nhà, đồng thời tôn vinh sự đóng góp to lớn của các đại thụ cho nền văn học cách mạng Việt Nam, được Đảng và Nhà nước vinh danh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Phan Thị Mỵ
(Hội Tem tỉnh Khánh Hòa)
Bình luận (0)