Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Các thị trường đồng loạt cắt giảm lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Lao động VN chờ làm thủ tục nhập cảnh vào Đài Loan làm việc tại sân bay Đào Viên

Tình hình sản xuất, kinh doanh ở các nước đều lâm vào tình trạng ngưng trệ, một số nhà máy phải đóng cửa, việc xuất khẩu lao động đang và sẽ gặp nhiều khó khăn. Người lao động nên cân nhắc trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài trong thời điểm này

Trong hai tháng qua, hầu hết các thị trường nhập khẩu lao động lớn của VN như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, một số nước Trung Đông và Đông Âu đều giảm nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài. Các chuyên gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) dự báo tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài.

Thị trường truyền thống sa sút

Tại Đài Loan, nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là ở những ngành gia công điện tử, linh kiện ô tô, dệt, nhuộm…, sản xuất ngưng trệ, đóng cửa một phần hoặc toàn bộ nhà máy, công xưởng. Tình hình này khiến 81.000 lao động VN đang làm việc tại đây, trong đó hơn 60% làm việc trong các nhà máy, công xưởng, có nguy cơ bị giảm giờ làm hoặc không có việc làm.

Từ 6 tháng qua, hàng chục ngàn lao động đang được các trường, sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành tập trung đào tạo tiếng Hàn chuẩn bị cho đợt kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng Hàn lần 2 của năm 2008 dự kiến tổ chức vào cuối năm. Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, sẽ không có đợt kiểm tra như dự kiến. Một trong những lý do chính khiến Bộ Lao động Hàn Quốc không quyết định tổ chức đợt kiểm tra này là do tình hình sản xuất của các DN Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn, phải giảm nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài.

Malaysia là một trong hai thị trường XKLĐ lớn nhất của VN, cùng với Đài Loan, có hơn 100.000 người đang làm việc theo hợp đồng. Theo phó giám đốc một DN XKLĐ, bên cạnh việc khó tuyển lao động, cũng đang bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu việc làm của người lao động (NLĐ) ở một số DN tại Malaysia.

Dự kiến giữa tháng 12 này, sẽ diễn ra hội nghị toàn quốc về XKLĐ và Cục Quản lý Lao động ngoài nước đang rà soát, đánh giá tổng thể về những biến động ở thị trường XKLĐ trọng điểm này để kịp có phương án đối phó. Thị trường Nhật Bản cũng có những khó khăn không kém. Giám đốc một DN phái cử tu nghiệp sinh sang nước này vừa trở về cho biết, hiện tại, nhiều DN của Nhật Bản cũng đang thực hiện việc cắt giảm lao động, kể cả lao động bản địa.

Thị trường mới lao đao

Một số quốc gia Trung Đông và Đông Âu cũng gặp khó khăn. Trưởng phòng thị trường Trung Đông của một DN XKLĐ tại TPHCM cho biết ở một số quốc gia của khu vực này như Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Maldives… cũng đã xuất hiện tình trạng nhiều lao động VN, chủ yếu làm việc ở lĩnh vực xây dựng, thiếu việc làm. Nếu rủi ro không được giải quyết, sẽ có số lượng lớn lao động phải về nước trước hạn.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ CH Czech quyết định tạm dừng cấp thị thực nhập cảnh khiến hàng ngàn người đã đăng ký, đóng tiền thêm hoang mang. Theo một nguồn tin của chúng tôi, hiện có gần 3.000 lao động bị “mắc kẹt” khâu visa, không thể sang CH Czech được. Tổng số tiền mà những lao động này đóng cho các DN XKLĐ để chi trả phí môi giới, tiền “bôi trơn” thủ tục lên đến khoảng 22 triệu USD.

Trong số 34 DN có tuyển chọn lao động sang CH Czech, một vài DN đứng trước nguy cơ không có khả năng hoàn trả chi phí cho NLĐ. Tương tự, việc khai thác thị trường mới Ba Lan – chủ yếu đưa lao động làm việc ở lĩnh vực may công nghiệp – của một số DN có nguy cơ bất thành do NLĐ sau khi được DN tuyển chọn, ký hợp đồng vẫn khó được cấp visa.

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước:

Phải hết sức cẩn trọng

Trong tình hình khó khăn hiện nay, các DN phải hết sức cẩn trọng; phải tìm hiểu kỹ tình hình DN, nhà máy ở nước ngoài. Chỉ đạo của cục đối với các DN là không nên ồ ạt đưa lao động sang Đài Loan; thay vào đó rà soát lại các đơn hàng, lựa chọn và chỉ đưa lao động sang những nhà máy, DN không bị ảnh hưởng, có khả năng bố trí việc làm đầy đủ cho NLĐ. Về phía NLĐ, nên cân nhắc trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài trong thời điểm này.

Ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng Ban Quản lý Lao động ngoài nước:

Được gia hạn hai lần hợp đồng

Hiện một bộ phận lao động VN đang bị ảnh hưởng việc làm ở Đài Loan. Nhưng chính sách mới của Đài Loan cho phép gia hạn hai lần hợp đồng với tổng thời gian làm việc lên 9 năm sẽ là một thuận lợi đối với NLĐ đang làm việc ở vùng lãnh thổ này.

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY (nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)