Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các tỉnh ĐBSCL: Đảm bảo cho học sinh đến trường khi lũ về

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh qua sông đi học tại bến đò số 2, sông Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên đang lên, khoảng giữa tháng 10 vùng hạ lưu sẽ xuất hiện một đợt triều cường khá mạnh. Đứng trước tình hình trên, ngành GD trong khu vực đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh (HS) trong mùa mưa lũ.
Xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ nằm sát tỉnh An Giang và Kiên Giang, trong đó hầu hết những ấp của xã thuộc khu vực bắc Cái Sắn phải chịu chung áp lực khi đỉnh lũ lên cao ở tỉnh An Giang. Riêng ấp Vĩnh Lân của xã chỉ cách xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang một con kinh. Địa bàn ấp chạy dài theo kênh Bờ Ao. Đỉnh lũ năm 2011 gây ngập toàn bộ đoạn đường này khiến HS của Trường TH Vĩnh Trinh I và Mẫu giáo Vĩnh Trinh phải nghỉ học 2 tuần… Đây cũng là 2 trường duy nhất của huyện Vĩnh Thạnh phải nghỉ học trong mùa lũ năm qua. Trước tình hình trên, cuối năm 2011, chính quyền xã Vĩnh Trinh vận động nhân dân hiến đất mở rộng và làm lại đường mới. Ông Lê Minh Khoa, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó khi lũ về. Đến nay các điểm giữ trẻ đã hoạt động. Xã  thành lập những đội ứng phó tại chỗ, chuẩn bị ghe, xuồng lớn. Nếu con nước ngập các tuyến lộ, các đội này sẽ đưa rước HS tới trường, bảo đảm an toàn cho các em”.
Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ là hai huyện ngoại thành khó khăn nhất, cũng là những nơi có nhiều trường phải nghỉ học trong mùa nước nổi của TP.Cần Thơ. Đến nay gần 90% tuyến đường giao thông thuộc hai huyện được nâng cấp, xây cầu, xóa nhiều bến đò, giúp bà con và HS đi lại thuận tiện dù mùa mưa hay nắng.
Tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp, từ sự quan tâm của chính quyền các cấp, đến nay phần lớn các điểm trường đạt cao trình vượt lũ. Hiện nay ngoài việc tập trung gia cố các tuyến đê bao, cống bọng, đề phòng sạt lở đất; mối quan tâm của tỉnh là làm sao không để trẻ tử vong vì đuối nước và hạn chế đến mức thấp nhất số trường phải đóng cửa vì lũ. Bà Phan Thị Thu Hà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cho biết: “Năm 2011 Đồng Tháp đầu tư sửa chữa, nâng cấp, tôn cao hơn 600 phòng học và phòng chức năng. Nếu tính theo đỉnh lũ năm 2011 thì không trường nào bị ngập khi lũ về. Tuy nhiên, một số tuyến đường nông thôn các huyện thị đầu nguồn đã và có khả năng bị ngập khiến việc đi lại rất nguy hiểm. Sở đã chỉ đạo các trường có kế hoạch phối hợp địa phương tổ chức đưa rước HS”. Tại xã Thường Thới Hậu A, (Hồng Ngự, Đồng Tháp), nước lũ đã tràn qua tuyến đê nối từ cụm dân cư Giồng Duối ra trung tâm xã. Nhờ Hội Chữ thập đỏ kết hợp Đoàn Thanh niên xã tổ chức đưa rước HS tận nhà nên đến nay chưa trường nào trong xã nghỉ học. Cách làm trên  phổ biến ở các huyện, thị đầu nguồn của An Giang và Đồng Tháp…
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đỉnh lũ có thể không cao bằng năm 2011 nhưng các huyện đầu nguồn không chủ quan, đã chuẩn bị phương án phòng chống lũ bão. Tỉnh An Giang có gần 800 trường phổ thông, với gần 400.000 HS các cấp. Đến nay chưa trường nào bị ngập nhưng hơn 10 điểm trường có đường đến trường bị ngập sâu. Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường thuộc những khu vực này kiểm tra chặt chẽ việc đi học của HS lớp 1 và 2 phải có phụ huynh hoặc người thân đưa rước. Khi tan học, nhà trường phải cử vài giáo viên đi theo HS đến các bến đò. Các thầy cô phải nhắc nhở ngay nếu chủ phà chở quá tải hoặc các em HS không mang áo phao, cặp phao khi xuống đò. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, chia sẻ: “Đề phòng diễn biến thời tiết bất thường, tỉnh đã dành 2,5 tỷ đồng cho công tác đưa rước HS trong mùa lũ. Chúng tôi vận động kinh phí từ các tổ chức, các nhà hảo tâm, để trang bị cho 100% HS các huyện đầu nguồn thường bị ngập sâu là An Phú và Tân Châu có áo phao hoặc cặp phao. Như vậy toàn tỉnh có khoảng hơn 20.000 HS có áo hoặc cặp phao để đến trường”.
Tương tự, tại Đồng Tháp, hầu hết HS tiểu học ở các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và một phần thị xã Hồng Ngự, cũng được cấp cặp phao. Bà  Phan Thị Thu Hà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, nhấn mạnh: “Sở chỉ đạo các trường phối hợp địa phương tổ chức đưa đón HS, nhưng nếu nước lên quá cao, giao thông nguy hiểm thì phải báo cáo với sở và chính quyền cho HS nghỉ học. Đồng Tháp đã cho HS các cấp trong tỉnh nhập học từ đầu tháng 8 nên nếu có nghỉ học hai, ba tuần do lũ cũng không ảnh hưởng nhiều đến thực hiện chương trình”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Năm nay, An Giang triển khai 50 điểm giữ trẻ tại các vùng bị ngập sâu; Đồng Tháp khoảng 350 điểm giữ trẻ; Cần Thơ có 59 điểm giữ trẻ. Theo kế hoạch, mỗi điểm nhận từ 20 đến 25 trẻ. Ở những khu vực đầu nguồn, nếu trường mầm non và tiểu học nào phải đóng cửa né lũ, HS sẽ chuyển đến các điểm giữ trẻ. Đội ngũ giáo viên phổ thông có nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn cho nhân viên làm việc tại các điểm giữ trẻ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)