Sự kiện giáo dụcTin tức

Các trung tâm GDTX tại TP.HCM: Đội ngũ giáo viên vẫn thiếu ổn định

Tạp Chí Giáo Dục

Thực tế hiện nay, nguồn giáo viên cơ hữu tại các TTGDTX vẫn không đủ để làm nên một đội ngũ mạng lưới nòng cốt cho công tác giảng dạy, nhất là việc quản lý chuyên môn ở cấp tổ bộ môn.

Học viên Trung tâm GDTX quận 10

Giáo viên đủ mà vẫn cứ… thiếu (?)
Năm nay ngay từ đầu tháng 8 ban giám đốc các trung tâm GDTX đã lo xong chuyện bổ sung, xin mới và cả hợp đồng giáo viên chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên đây chỉ là cách nhìn tổng thể từ bên ngoài, còn đi vào “nội bộ” từng đơn vị mới thấy được “ngổn ngang trăm bề” về bài toán giáo viên.
Toàn bộ giáo viên của Trung tâm GDTX Q. Thủ Đức năm nay đã lên đến con số 63 – một con số mà nhiều đơn vị GDTX luôn mơ ước. Thế nhưng theo báo cáo của Ban giám đốc thì trong số 63 giáo viên đó chỉ có 13 người nằm trong biên chế còn 50 người đều thuộc diện hợp đồng. Cô Trần Thị Sáu – Giám đốc trung tâm cho biết, mặc dù đơn vị đã xin thêm giáo viên biên chế nhưng năm nay không có ai được phân bổ về trung tâm. Việc hợp đồng giáo viên bên ngoài vào giảng dạy là chuyện “chẳng đặng đừng” vì điều quan trọng là phải tìm được nguồn chi tiền lương, tiền phụ trội đứng lớp. Tuy nhiên không có ai dám khoanh tay đứng nhìn học sinh của mình thiếu thầy cô giảng dạy hoặc để các giáo viên phải vắt kiệt sức gồng gánh một lúc 2, 3 phần việc của người khác. Cho nên chủ trương hợp đồng thêm giáo viên bên ngoài để tăng cường lực lượng đứng lớp đã được nhiều trung tâm ứng dụng mặc dù kinh phí chi tiêu cho khoản này vô cùng hạn hẹp. 
Cũng chịu cảnh thiếu thốn, Trung tâm GDTX Q.9 chỉ vỏn vẹn 11 thầy cô thuộc diện cơ hữu, còn lại là “lính đánh thuê” đều từ các trường khác về. Do lực lượng quá mỏng nên hầu hết các bộ môn đều thiếu giáo viên, môn nào may mắn lắm như văn, toán thì có 2 giáo viên, còn lại chỉ 1 thầy “cát cứ” 1 bộ môn. Tại các trung tâm GDTX vẫn còn có rất nhiều môn không hề có giáo viên cơ hữu. Nói điều này ở trường phổ thông không ai tin nhưng là chuyện có thực ở các cơ sở GDTX hiện nay.
Tương tự, tại Trung tâm GDTX Chu Văn An và Trung tâm GDTX Q.Thủ Đức có dạy cả 2 môn tiếng Anh và GDCD nhưng chỉ có 1 giáo viên biên chế môn GDCD, còn 7 giáo viên của 2 môn này đều là giáo viên hợp đồng từ bên ngoài vào. Từ năm học trước Ban giám đốc đã xin thêm một giáo viên biên chế tiếng Anh nhưng đến nay vẫn vô vọng. Mặc dù sinh vật là môn học thường hay thi tốt nghiệp và cả cao đẳng, đại học nhưng nhiều năm nay Trung tâm GDTX Q. 9 vẫn chưa có giáo viên dạy môn này. Hai giáo viên đang đứng lớp hiện nay là từ nơi khác về thỉnh giảng. Mấy năm trước do thiếu giáo viên nên Trung tâm GDTX Tân Bình phải “mượn” lại giáo viên cũ của đơn vị từ Trung tâm GDTX Tân Phú để nhờ cứu nguy. Năm nay thì Tân Bình không phải mượn qua mượn lại nữa mà đã có giáo viên mới về nhưng cũng đi bằng con đường hợp đồng tạm chứ không có quyết định từ sở đưa xuống.
Thiếu giáo viên cơ hữu nên không có người quản lý chuyên môn cho từng bộ môn trong lúc giáo viên hợp đồng không phải là con người thật sự gắn bó ngày đêm với trường lớp, học viên. Một giám đốc tâm sự: “Bộ môn nào có một giáo viên cơ hữu là chúng tôi mừng lắm, không phải lo đi kiếm tổ trưởng nữa. Thế nhưng ngược lại, môn nào không có thì không biết tìm ai, không lẽ đưa người từ tổ khác sang nên đành phải đề cử từ giáo viên hợp đồng”. Giám đốc này cho biết, giải pháp hợp đồng giáo viên rõ ràng là không được hợp lý, có nhiều bất cập nhưng thôi “túng thì phải tính”.
Nguy cơ bỏ việc cao
Tốt nghiệp Trường Đại học KHXH-NV Huế năm 2007, phần vì không xin được nhiệm sở phần vì có người nhà ở TP.HCM nên Đinh Thị V. khăn gói vào TP kiếm việc làm. Do không có hộ khẩu, không thể xin vào các trường THPT dạy theo diện biên chế nên V. đã cầm hồ sơ đến một số trung tâm GDTX để xin đi dạy. V. tâm sự: “Bây giờ em đã xin dạy được ở 2 trung tâm GDTX nhưng vẫn chưa yên tâm vì công việc không ổn định mà đồng lương quá thấp”. Theo lời V., lúc mới vào nhà trường phân cho được mỗi tuần 12 tiết. Với giá 22 ngàn đồng/ tiết, lương tháng của V. cũng gần được 1,6 triệu đồng. Thế nhưng năm nay có giáo viên chính thức mới về nên giờ dạy của cô cũng bị “chia năm sẻ bảy”, số tiết mỗi tuần chỉ còn lại 1/3 nên thu nhập giảm sút. Do không có nhà phải ở trọ, cuối tháng nhiều khoản tiền thúc bách, không biết lấy đâu trang trải cho đủ. Dự định của V. là hết năm nay sẽ nhập hộ khẩu về tỉnh Đồng Nai, xin vào biên chế một trường THPT nào đó để gắn bó bền lâu với nghề. Cô giáo Trần Xuân B. từng dạy tại một trường BTVH ở quận 1 cũng có hoàn cảnh tương tự. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH KHTN TP.HCM, B. quyết định không về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà trụ lại ở Sài Gòn để lập nghiệp. Tuy nhiên sau 2 năm, làm đủ mọi nghề mà không xứng với mảnh bằng của mình, B. mới “ưu tiên” cho quyết định đi dạy. Thế nhưng do dạy hợp đồng nên ngoài tiền đứng lớp ra B. không có các khoản phụ cấp ưu đãi nào khác, tiết dạy thì lúc tăng lúc giảm nên lòng kiên trì cứ bị bào mòn dần. Năm nay nhờ có người chú họ làm trong ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, B đã trở thành giáo viên chính thức tại một trường THPT tỉnh này.
Ngoài một số ít giáo viên đang gắn bó cùng công việc đứng lớp tại các trung tâm GDTX còn lại phần đông vẫn chưa thật sự an tâm với nghề. Mang thân phận “đánh thuê” nên tâm lý chung họ vẫn “đứng núi này trông núi nọ”. Có khi đang dạy nửa chừng bỗng nhiên họ tự ý nghỉ ngang vì một lý do cá nhân nào đó làm cho nhà trường trở tay không kịp.
Hồng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)