Ngày 13-4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi thăm và làm việc với Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và Trường Quốc tế Mỹ (cơ sở Nhà Bè, TP.HCM).
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo Trường ĐH Văn Hiến. Ảnh: M.Tâm |
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học
Tại Trường ĐH Văn Hiến, Bộ trưởng đánh giá cao kết quả trường đạt được cũng như thống nhất định hướng phát triển trường theo mô hình ứng dụng để phục vụ nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực phía Nam.
Đồng thời ông nhấn mạnh, trải qua những mốc thăng trầm, gần đây Trường ĐH Văn Hiến đã có một sức sống mới, một hướng đi mới. Đặc biệt, trong khi nhiều trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh rất khó khăn thì trường vẫn tuyển thuận lợi. Đây là tín hiệu cho thấy trường đã bắt đầu có thương hiệu, được xã hội và người học quan tâm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học của trường vẫn còn mờ nhạt. Vì vậy, nhà trường cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, trước hết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. “Nếu không chú trọng nghiên cứu khoa học từ bây giờ, khoảng 5-10 năm sau, trường sẽ không có thành tựu về nghiên cứu, chỉ chủ yếu… dạy nghề”, ông Nhạ nói.
Bộ trưởng định hướng, một trường ĐH cần xác định rõ sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi rồi mới đến các hoạt động chức năng. Đối với cộng đồng, mỗi trường ĐH đều có sứ mạng chung và riêng. Bước đầu, Trường ĐH Văn Hiến có sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực nói chung, trong đó có những lĩnh vực liên quan đến văn hóa, du lịch. Tuy nhiên, dựa trên nhu cầu rất rộng của cộng đồng và lợi thế về các ngành nông nghiệp, thủy hải sản, trường nên mở rộng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ khai thác tiềm năng ở phía Nam, đặc biệt ĐBSCL. Bởi khu vực sông nước này rất cần các kỹ sư không chỉ nuôi trồng mà còn chế biến sau thu hoạch.
Theo Bộ trưởng, qua 20 năm phát triển, đã đến lúc trường cần dành thời gian rà soát lại và có bước đi cụ thể cho 20 năm tới. Trên nền tảng đã có, trường cần chọn một số lĩnh vực mới, có lợi thế tiến tới đào tạo đa lĩnh vực với tầm nhìn dài hơi, hướng đến hội nhập khu vực và quốc tế. Đồng thời nhà trường cũng cần quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên, vì giảng viên giỏi sẽ xây dựng nên thương hiệu của trường. Trong đó, cần nâng cao tỷ lệ giảng viên đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Song song đó tăng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng khuôn viên, sân thể thao, thư viện… phục vụ người học. Bởi hiện vẫn còn tình trạng nhiều trường ngoài công lập đi thuê giảng đường, thuê cơ sở tại nhiều chỗ khác nhau. Muốn đạt chất lượng, cần đầu tư tương đối.
Bộ trưởng còn khuyến khích nhà trường chú trọng khâu kiểm định để hội nhập khu vực và quốc tế.
Không để chương trình hay nhưng lại quá tải
Tại buổi làm việc với Trường Quốc tế Mỹ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ấn tượng với tầm nhìn, kết quả ban đầu mà trường đã đạt được. Đồng thời, cũng đánh giá cao khi nhà trường có những bước đi phù hợp, giúp học sinh có cách tiếp cận quốc tế thật sự chứ không chỉ là cách tiếp cận dạy học sinh theo chương trình của Mỹ.
“Cái gì cũng cần, công nghệ cũng cần nhưng xã hội nhân văn đào tạo ra những con người, thế hệ trẻ hiểu biết về truyền thống, hội nhập được khu vực. Điều này hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện rất ít người tham gia vào lĩnh vực xã hội nhân văn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh. |
Ông Nhạ cho rằng, môi trường giáo dục của nhà trường rất tốt nhưng cần phải tăng cường thêm các hoạt động ngoài nhà trường. Giáo viên đến từ nhiều vùng văn hóa khác nhau nên cần dành thêm thời gian tìm hiểu về văn hóa và học sinh Việt Nam thì hiệu quả giáo dục cao hơn.
Về chương trình giáo dục, Bộ trưởng đề nghị: “Phải tránh trường hợp quá tải, dành nhiều thời gian cho học sinh giao tiếp, hoạt động chứ không để chương trình hay nhưng lại quá tải”.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng mong muốn Trường Quốc tế Mỹ nói riêng và các trường quốc tế nói chung từ thực tiễn trải nghiệm có thể tư vấn cho những người làm chính sách giáo dục ở Việt Nam tạo điều kiện về môi trường, cơ chế, chính sách khuyến khích thực sự để các trường quốc tế phát triển, giúp giáo dục Việt Nam hội nhập…
M.Tâm – M.Châu
Bình luận (0)