Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các trường công lập tự chủ tài chính không bị “bỏ rơi”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bắt đầu từ năm học 2006-2007, một số trường bán công (BC) chuyển về công lập (CL), số còn lại chuyển qua loại hình công lập tự chủ tài chính (CLTCTC). Riêng Q.1 có 2 trường BC chuyển về CL, 7 trường chuyển sang CLTCTC. Sau 3 năm thực hiện loại hình này, các trường CLTCTC ở Q.1 đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước…
Không để các trường “tự bơi”
Mặc dù loại hình trường CLTCTC được triển khai khá rộng rãi trên địa bàn thành phố, tuy nhiên cách làm ở mỗi nơi lại khác nhau. Trong khi có một số địa phương đối xử với trường CLTCTC như “con ghẻ”, cứng nhắc bê nguyên cơ chế của trường BC áp lên thì ở Q.1 các trường CLTCTC đã không phải “tự bơi”. Đặc biệt là 4 trường mầm non: Bé Ngoan, 30-4, Bến Thành và 20-10 rất được quận quan tâm.
Ngoài mức hỗ trợ 30 – 40% kinh phí từ ngân sách nhà nước, Q.1 còn cho các trường CLTCTC được thu phí phục vụ bán trú như các trường CL. Về vấn đề này, cô Trần Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 cho rằng: “Chúng tôi chỉ làm theo quy định của thành phố là hỗ trợ ngân sách cho các trường nếu trường thu không đủ chi. Đối với phí phục vụ bán trú, cho dù là loại hình nào thì giáo viên cũng làm việc như nhau nên phải tạo điều kiện để các trường CLTCTC được thu khoản này”…
Do mức học phí và tiền cơ sở vật chất không tăng từ hơn 10 năm nay nên ngay từ đầu mỗi năm học Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo các quận, huyện – đối với những khoản phí dịch vụ có thể thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Theo đó, ngành giáo dục Q.1 đã tăng mức phí phục vụ bán trú từ 30 ngàn đồng lên 50 ngàn đồng/tháng/cháu, vệ sinh phí từ 5 ngàn đồng lên 10 ngàn đồng, nay là 20 ngàn đồng/tháng/cháu.
“Với mức vệ sinh phí là 5 ngàn đồng/tháng thì nhà trường chỉ có thể phục vụ cháu ở điều kiện tối thiểu. Chẳng hạn như giấy lau miệng, lau mũi cho cháu là giấy loại 2, loại 3 nhưng lau mấy thứ giấy đó thì hư hết da của cháu. Còn mua giấy cao cấp thì 5 ngàn là không thể nào đủ được. Các trường đã phân tích điều này với lãnh đạo Phòng Giáo dục, phòng xin ý kiến của quận. Cuối cùng quận đã chấp thuận để các trường được tăng mức phí này. Còn về phía phụ huynh, khi thấy con được chăm sóc tốt thì việc đóng thêm 5 – 15 ngàn đồng/tháng cũng thấy xứng đáng”, cô Phạm Thị Hương – Hiệu trưởng Trường MN CLTCTC 30-4 cho biết.
Thiếu thì cấp bù, xin là cho
“Nói chung quận cũng thoáng, trường thiếu tới đâu thì xin tới đó, xin là được”, cô Tôn Nữ Thị Kim Anh – Hiệu trưởng Trường MN CLTCTC Bến Thành khẳng định. Trước đây khi mức lương tối thiểu chỉ có 290 ngàn đồng nên với mức học phí 200 ngàn đồng/tháng/cháu (mẫu giáo) và 250 ngàn đồng/tháng/cháu (nhà trẻ), Trường Bến Thành không gặp khó khăn gì trong việc chi trả lương, chế độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CB-GV-CNV). Nhưng từ khi mức lương tối thiểu tăng lên 350 ngàn đồng, rồi lên 450 ngàn đồng, 540 ngàn đồng thì trường bắt đầu lao đao, thu không đủ chi. “Cuối năm học 2006-2007, nhà trường chỉ đủ kinh phí để trả lương và đóng bảo hiểm cho CB-GV-CNV, còn những khoản khác như phụ cấp, tiền nâng cao đời sống đều phải nợ. Nhà trường đành xin quận cấp bù, sau đó quận đã cấp cho chúng tôi 548 triệu đồng…”, cô Kim Anh kể lại. Đến năm 2008, ngân sách cấp cho Trường Bến Thành tăng lên gần 1,2 tỷ đồng, năm 2009 gần 1,4 tỷ đồng. Số tiền này chỉ dùng để hỗ trợ nhà trường chi trả lương, chế độ cho CB-GV-CNV.
Ở Trường MN 30-4 cũng vậy. “Nếu trường thiếu tiền trả lương cho CB-GV-CNV thì xin cấp bù. Lương càng tăng thì mức hỗ trợ của ngân sách cho trường càng nhiều, năm 2008 chỉ có trên 900 triệu đồng, năm 2009 tăng lên gần 1,1 tỷ đồng. Bắt đầu từ tháng 5 này, mức lương tối thiểu tăng lên 650 ngàn đồng, chắc chắn là trường sẽ thiếu, nhưng nhà trường cũng không quá lo lắng vì sẽ được cấp bù”, cô Hương cho biết.
Về cơ sở vật chất, mặc dù được thu 500 ngàn đồng/năm/cháu (nhà trẻ) và 600 ngàn đồng/năm/cháu (mẫu giáo) cao hơn các trường CL nhưng mỗi khi các trường CLTCTC muốn sửa chữa lớn đều có quận làm “chủ chi”. Hè năm 2008, ngân sách đã chi 1,3 tỷ đồng để Trường 30-4 sửa chữa điểm B. Hè năm nay (2009) Trường Bến Thành cũng sẽ được quận chi khoảng 900 triệu để sửa chữa trường, lớp; hay như Trường Bé Ngoan cũng vậy. Thậm chí ngay cả mua sắm trang thiếu bị nếu trường thiếu, quận cũng rộng rãi hỗ trợ. Năm học 2006-2007, quận hỗ trợ 17 triệu đồng để Trường Bến Thành mua bàn ghế…
Nói như vậy không có nghĩa là các trường CLTCTC ở Q.1 chỉ biết “xin” và “nhận”. Trên thực tế, mỗi năm các trường đã tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tỷ đồng. Ở Trường MN 30-4, nếu tính đúng tính đủ thì mỗi năm ngân sách phải cấp cho trường khoảng 4 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay mỗi năm ngân sách chỉ cấp trên dưới 1 tỷ đồng. Hay như ở Trường Bến Thành, mặc dù ngân sách chỉ cấp 1,2 đến 1,4 tỷ đồng/năm nhưng mỗi năm nhà trường cần ít nhất là 4,4 tỷ đồng… “Các trường đều biết ngân sách nhà nước có giới hạn nên chỉ xin cấp bù khi không còn sự lựa chọn nào khác”, cô Kim Anh thừa nhận.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)