Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Các trường đã lường trước việc xét tuyển bổ sung

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trước đây sau khi thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH tự tổ chức thi để tuyển thí sinh (TS) vào học. Các trường tự tổ chức nên TS muốn vào trường nào thì phải dự kỳ thi do trường đó tổ chức. 

 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cách thi này làm cho TS phải thi nhiều lần nếu lần đầu không đậu hoặc không có khả năng vào trường khác nếu không trúng tuyển vào trường đã thi. Bộ GD-ĐT đã tổ chức kỳ thi “3 chung” từ năm 2002 để giải quyết các khó khăn này.

Sau gần 15 năm tổ chức thi “3 chung”, mặc dù vẫn còn xảy ra một số điều cần phải điều chỉnh nhưng nhìn chung điểm của kỳ thi này đạt mức độ tin cậy cao. Vấn đề rắc rối nằm ở khâu dùng kết quả của kỳ thi “3 chung” vào việc xét tuyển ĐH, CĐ.
Kể từ năm 2015 kỳ thi “3 chung” được kết hợp thành thi THPT và dùng điểm thi để vừa xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển. Điều này tạo thuận lợi cho TS hơn trước vì biết điểm thi trước khi đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, tạo sự tự điều chỉnh ngành và trường đăng ký xét tuyển để TS có thể tăng khả năng trúng tuyển, tránh được tình trạng điểm cao mà rớt hoặc điểm thấp mà đậu. TS đậu hay rớt là do chính điểm thi quyết định.
Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên thực hiện xét tuyển một cách tự do như vậy nên cả TS, phụ huynh lẫn các trường gặp không ít lúng túng trong việc nộp, chuyển đổi và trả hồ sơ cộng với việc mỗi TS được chọn 4 ngành đã tạo ra lượng hồ sơ ảo rất lớn, làm cho TS và phụ huynh hoang mang. Quy chế tuyển sinh năm 2016 đã được điều chỉnh dựa trên việc rút kinh nghiệm năm trước và ghi nhận một cách đầy đủ ý kiến đóng góp của xã hội, các chuyên gia giáo dục và các trường. TS không được thay đổi sau khi nộp hồ sơ. TS được quyền nộp hồ sơ vào tối đa 2 trường, mỗi trường được chọn tối đa 2 ngành.
Vì các trường đều đồng ý theo phương án đó có nghĩa là đồng ý chấp nhận TS ảo. Ngay từ khi quyết định ban hành quy chế tuyển sinh 2016 Bộ đã lường trước rằng sẽ xảy ra tình trạng ảo và đã chuẩn bị sẵn phương án để khắc phục như tuyển sinh theo nhóm trường, xây dựng phần mềm xử lý ảo… Nhưng vì có rất nhiều trường, không thể liên kết dữ liệu được nên các trường không đồng ý theo đề xuất của Bộ và Bộ cũng không thể ép được vì theo luật giáo dục xét tuyển là quyền tự chủ của các trường.
Khi đã quyết định như vậy thì cả Bộ và các trường đều chuẩn bị cho đợt xét tuyển bổ sung. Cho đến nay việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đang tiến triển thuận lợi theo đúng dự kiến, mặc dù số lượng hồ sơ nộp không được dồi dào lắm nhưng vẫn có thời gian để TS cân nhắc trước khi quyết định.

PGS-TS Đỗ Văn Xê 
(Trường ĐH Cần Thơ)/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)