Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Các trường đại học – cao đẳng: Tự chủ, nhưng phải đảm bảo chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 25-8, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tổng kết năm học 2008 – 2009 khối các trường ĐH-CĐ và bàn phương hướng nhiệm vụ năm học mới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và chỉ đạo những vấn đề vốn được coi là “nóng” hiện nay của ngành GD-ĐT.
Sinh viên khoa Chăn nuôi thú y ĐH Nông Lâm TPHCM thực tập trong phòng thí nghiệm ký sinh trùng. Ảnh: Mai Hải
        3 câu hỏi ngành GD-ĐT chưa thể trả lời
Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã thẳng thắn thừa nhận, có 3 câu hỏi mà ngành GD-ĐT chưa thể trả lời được cho xã hội: Chất lượng giáo dục? Quản lý đào tạo trong nhà trường phải như thế nào? Sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả cao chưa? Nguyên nhân là hiện nước ta vẫn chưa có hệ thống giám sát chất lượng giáo dục và các trường thì chưa tự giác báo cáo.
“Bộ yêu cầu các trường gửi báo cáo tổng kết năm về bộ nhưng chỉ có 46% trường gửi. Báo cáo năm học còn không gửi, làm sao bộ có thể đánh giá được chất lượng giáo dục”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẳng thắn.
Từ năm 1987 đến nay, hệ thống các trường ĐH-CĐ đã phát triển gấp 3,7 lần: từ 101 trường lên 376 trường. Số SV trong hơn 20 năm qua tăng 13 lần nhưng số giáo viên chỉ tăng có 3 lần. Với con số tăng này và cách quản lý tập trung một đầu mối là Bộ GD-ĐT khiến những người có trách nhiệm không nhớ hết tên các trường ĐH-CĐ.
“Muốn biết các trường có chấp hành nghiêm cơ chế quản lý giáo dục và một tuần Bộ GD-ĐT đi kiểm tra 2 trường, thì phải mất 3 năm mới đi hết các trường”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết.
Vấn đề đặt ra là, hơn 10 năm qua, phương pháp quản lý ĐH-CĐ chưa thay đổi về chất. Bản chất vẫn là bộ quản lý, chỉ giao một phần cho địa phương. Từ thực tế này, việc tìm ra một giải pháp quản lý các trường ĐH-CĐ như thế nào cho hiệu quả đã trở thành vấn đề đặt ra cấp thiết tại hội nghị lần này. “3 năm tới, phải có đột biến về quản lý và chất lượng giáo dục ĐH-CĐ, trong đó phân cấp giữa quản lý cấp bộ và cấp địa phương”, người đứng đầu ngành GD-ĐT khẳng định. 
Lớp học chương trình tiên tiến tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM.
Ảnh: MAI HẢI
       Bộ không thể “ôm” hết các trường
Dẫn chứng từ thực tế của trường mình, Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội Nguyễn Đình Luận bức xúc: “Nếu giao quyền tự chủ cho họ mà vẫn còn cơ chế xin cho thì các trường không phát huy được”.
Ông Dương Ái Phương, Hiệu trưởng ĐH KHTN ĐH Quốc gia TPHCM cũng nói, muốn mở rộng, nâng cao chất lượng giáo dục, phải phân cấp, trao quyền tự chủ cho các trường nhiều hơn.
Trong khi đó, ĐH Ngoại thương hiện đang là điển hình của trường tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên. Dù đã có nhiều thành công để tăng các nguồn thu hợp pháp như thu hút sinh viên nước ngoài, liên kết đào tạo với các nước, phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, nhưng ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng nhà trường vẫn tha thiết xin một số cơ chế đặc biệt trong thu chi, sử dụng kinh phí: “Cho phép chúng tôi được thu một số khoản phí dịch vụ chất lượng cao trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh, học sinh”.
Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Những lý do khiến chất lượng giáo dục còn thấp có nhiều: quản lý nhà nước, tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… nhưng chúng ta cần tập trung đổi mới quản lý nhà nước. Với cơ chế chính sách còn bất cập, nên chưa thu hút được nguồn lực của đất nước cho phát triển giáo dục cũng như chưa tranh thủ được nguồn lực từ bên ngoài”.
Thủ tướng đồng ý việc giao quyền tự chủ cho các trường, nhưng là tự chủ trong khuôn khổ, đúng quy định của pháp luật. “Các trường được tự chủ về con người, tài chính, cấp bằng, phương pháp giảng dạy… nhưng theo khuôn khổ của pháp luật, chứ không phải do các trường đặt ra”, Thủ tướng nói rõ.
Đồng tình với việc bộ không thể “ôm hết”, Thủ tướng chỉ đạo phải phân cấp làm rõ trách nhiệm. “Những yếu kém trong ĐH-CĐ vừa qua, đề nghị làm rõ do ai chịu trách nhiệm. Bộ cần phân cấp cho trường nhiều quyền hạn rõ ràng hơn. Không vì một số sai phạm mà chúng ta rút tất cả về bộ. Ngay cả những việc bộ làm cũng phải công khai minh bạch, ví như phân bổ ngân sách cho các trường, quy chế bảo vệ tiến sĩ, thạc sĩ… Có như vậy ta mới kiểm soát được chất lượng. Đi liền quyền hạn là trách nhiệm. Các trường mạnh, tự chủ, có đội ngũ tốt, cơ chế vận hành thuận lợi thì chất lượng giáo dục sẽ tăng lên”, Thủ tướng kết luận. 
LÂM NGUYÊN (SGGP)

Bình luận (0)