Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Các trường đại học: Đừng xem nhẹ nghiên cứu khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật vô địch robocon năm 2009. Ảnh: T.L

Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) và nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các trường ĐH, CĐ và THPT đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, tri thức cho sinh viên, học sinh. PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã chia sẻ tại hội nghị KHCN 5 năm lần IV năm 2010 do trường này tổ chức vừa qua.
Đẩy mạnh NCKH ở các trường
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thông, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết: “5 năm qua, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa với tốc độ rất nhanh của đất nước, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển sâu sắc về chất, trình độ KHCN của đất nước tăng nhanh, hàm lượng chất xám trong các sản phẩm nội địa đã được nâng cao rõ rệt. Đây chính là kết quả rõ nét nhất của các hoạt động KHCN, đồng thời cũng đặt ra cho các nhà khoa học trong nước những yêu cầu mới trong các hoạt động nghiên cứu của mình. Sớm nhận thức được các nhu cầu cấp bách đó, Bộ GD-ĐT đã có những định hướng kịp thời cho các trường ĐH triển khai và đẩy mạnh công tác NCKH. Việc hoạch định các chiến lược NCKH gắn với việc áp dụng vào thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã làm được là rất trân trọng”.
Có thể nói, việc nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học cấp bộ, các dự án, đề tài sư phạm kỹ thuật và giáo dục nghề hiện được áp dụng tại các trường ĐH, CĐ, THPT trên cả nước chính là nét riêng và đặc sắc của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Theo đó, hàng loạt đề tài chuyên sâu mang “thương hiệu” của trường về sư phạm kỹ thuật và giáo dục nghề nghiệp đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả tốt như nghiên cứu về phương pháp giảng dạy, các mô hình, thiết bị dạy học đã được áp dụng vào thực tiễn. Những công trình như: thử nghiệm hệ thống học tập suốt đời cho đội ngũ giáo viên TCCN; Biên soạn chương trình, tài liệu đào tạo bồi dưỡng sinh viên sư phạm và giáo viên về ứng dụng CNTT trong giảng dạy… đã mang đến “luồng gió mới” trong giảng dạy và học tập tại các trường ĐH và CĐ trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh, thành…
Đẩy mạnh NCKH trong sinh viên
Trong số những công trình nghiên cứu này là do sinh viên của trường sáng chế ra. Điển hình là SV Huỳnh Khải Dũng, theo học ngành cơ điện tử. Dù mới là SV năm 2 nhưng Dũng đã cho ra đời hàng chục sản phẩm công nghệ như: máy phát điện cầm tay, bút thu âm từ xa, máy báo mưa năng lượng gió, máy báo vấp ngã dành cho bà bầu và người già, nón bảo hiểm thông minh… Trong đó, nhiều sản phẩm đã đoạt được giải thưởng sáng tạo từ cấp trường đến cấp thành phố, toàn quốc. Dũng bộc bạch: “Hồi nhỏ, do không có nhiều đồ chơi nên mỗi ngày em tự chế biến đồ chơi cũ thành đồ chơi mới, dần dần em bắt đầu đam mê tìm tòi, nghiên cứu”. Năm lên lớp 6, Dũng bắt đầu nghiên cứu về điện tử. Thấy cái radio hư, Dũng tháo rời ra, nghiên cứu từng linh kiện và tìm hiểu các nguyên lý cơ bản theo cách của mình. Phối hợp giữa các nguyên lý đó và một số vật liệu, Dũng đã cho ra đời chiếc máy phát điện xoay chiều mini. Máy phát điện này có thể làm sáng một bóng đèn nê-ông 1W. Vào trường ĐH, Dũng tiếp tục chế tạo nhiều sản phẩm gần gũi cuộc sống như máy mát xa USB, MP3 năng lượng mặt trời, đèn khẩn cấp mini… Mong muốn giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống, Dũng đặt mục tiêu sau này sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu, sản xuất đồ chơi và các sản phẩm ứng dụng phục vụ nhu cầu con người, cạnh tranh với các nước khác. Dũng lý giải: “Đa số các sản phẩm, đồ chơi của nước ta đều là hàng nhập khẩu, trong số đó có nhiều sản phẩm độc hại vẫn đang được tiêu thụ… chỉ vì giá rẻ”. Dũng luôn tự hỏi: Tại sao Việt Nam không tự sản xuất ra sản phẩm như nước bạn? Hiện, bạn vẫn đang đi tìm lời giải cho câu hỏi đó bằng con đường NCKH của mình.
Bạn Đoàn Nguyễn Dung Hòa, sinh viên năm 2 Khoa Điện-Điện Tử (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), cho biết: “Khi mới vào học, mọi thứ liên quan tới NCKH em gần như không để ý đến, bởi ở quê chuyện được đi học và thi đậu vào ĐH đã là niềm vinh dự cho bản thân và gia đình. Nhưng bước sang học kỳ II của năm 1, thấy các anh chị khóa trên say mê NCKH và nhiều sản phẩm đã được ứng dụng vào cuộc sống, em và một vài bạn trong lớp bắt đầu suy nghĩ để tìm hướng đi cho mình trong NCKH. Nhà trường luôn hỗ trợ kinh phí và bố trí thầy kèm cặp, hướng dẫn từ khi chúng em bắt đầu hình thành đề tài đến lúc hoàn thành. Đó chính là động lực để chúng em an tâm trong việc học tập và NCKH”. PGS.TS Thái Bá Cần nhấn mạnh: “Với truyền thống 48 năm xây dựng và phát triển, với đội ngũ CBKH trẻ, năng động (60% CBGD tại trường có độ tuổi dưới 35), CSVC tương đối tốt, cùng sự ủng hộ tích cực của các cấp quản lý, các địa phương doanh nghiệp, chúng tôi tin rằng hoạt động KHCN của trường trong giai đoạn tới sẽ phát triển ngày một vững mạnh”.
Lê Quang Huy

Một trường ĐH không thể được gọi là mạnh, có uy tín khi hoạt động KHCN không mạnh – PGS.TS Thái Bá Cần khẳng định.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)