Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Các trường đại học không dễ mở cửa trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường đại học (ĐH) bắt đầu mở cửa từng bước để sinh viên quay lại học trực tiếp. Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn nhất hiện nay là chưa có quy định các trường “thích ứng an toàn, linh hoạt” với COVID-19 như thế nào.
Sinh viên năm cuối được nhiều trường ưu tiên cho học trực tiếp từ tháng 11 Ảnh: Như Ý
Sinh viên năm cuối được nhiều trường ưu tiên cho học trực tiếp từ tháng 11 Ảnh: Như Ý

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho hay, sau khi tiêm vắc xin mũi 2 cho sinh viên, trường dự kiến mở cửa cho sinh viên học trực tiếp từ giữa tháng 11.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT, các địa phương mới ban hành tiêu chí mở cửa trường, chưa có quy định khi nào đóng cửa trường, ông Tùng nói. Các địa phương đang phòng chống dịch COVID-19 theo kiểu phát hiện học sinh mắc bệnh là lập tức đóng cửa trường. Với cách ứng phó với dịch như vậy, việc mở cửa lại trường ở Hà Nội, TPHCM là khó khả thi, ông nhận định.

Theo ông Tùng, Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành 16 tiêu chí mở cửa trường là chưa đủ, vì thiếu 1 tiêu chí quan trọng nhất là không có học sinh nào là F0. Khi có F0, trường sẽ phải đóng cửa theo chỉ đạo của chính quyền, hoặc phụ huynh lo ngại không đồng ý cho con đến trường và khi đó, không cần tuân thủ các tiêu chí từ 1 đến 16 mà Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra.

“Tuân thủ 16 tiêu chí mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra chỉ có ý nghĩa khi nhà trường, phụ huynh, chính quyền và xã hội chấp nhận thầy trò “sống chung” với COVID, tức là giữ gìn, hạn chế lây lan để khi có F0 trong trường thì có thể cho nghỉ 1-2 lớp để theo dõi, chứ không phải đóng cửa cả trường”, ông nói.

Trường ĐH Ngoại thương mới khảo sát sơ bộ về tình hình tiêm vắc xin cũng như tâm tư, nguyện vọng của sinh viên về việc đi học trở lại. Theo đó, khó thực hiện việc đón tất cả sinh viên quay trở lại trường trong vài tuần tới. Nhiều sinh viên chưa được tiêm, hoặc chỉ mới tiêm 1 mũi, trong khi nhà trường không muốn đối mặt nguy cơ vừa mở cổng trường lại phải đóng ngay do xuất hiện F0.

Hôm qua, ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo, sinh viên năm cuối và năm thứ tư sẽ được bố trí lịch đến trường sau ngày 25/11, sinh viên năm thứ ba và thứ hai sau ngày 15/12. Riêng sinh viên năm thứ nhất chưa được xếp lịch tới trường.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, kết quả khảo sát còn 13.000/37.000 sinh viên chưa được tiêm vắc xin.

Từ hôm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức tiêm cho khoảng 7.000 sinh viên. Theo ông Điền, vì phần lớn giảng viên có tuổi nên nếu họ không sẵn sàng vì lo ngại dịch bệnh thì khó có thể giảng dạy trực tiếp. Vì vậy, phải phủ vắc xin cho sinh viên để giảng viên yên tâm giảng dạy.

Chưa đáp ứng đủ tiêu chí

UBND TPHCM vừa phê duyệt tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 (do Sở LĐ-TB-XH thành phố soạn) để tạo điều kiện cho các trường nghề mở cửa đón sinh viên.

Tuy nhiên, hầu như không có trường nào đáp ứng được quy định 100% người học đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm hoặc mắc COVID-19 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng).

Từ đầu tháng 10, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM đã cho sinh viên đăng ký nguyện vọng học trực tiếp tại trường. Trên cơ sở đó, trường bố trí lớp học phù hợp và dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 10. Đã có 3.000 sinh viên đăng ký theo thông báo của trường, trong số này có khoảng 2.500 sinh viên đủ điều kiện đến trường học trực tiếp.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 11, Trường ĐH Bách khoa TPHCM có thông báo tới người học liên quan việc cho sinh viên đến trường học trực tiếp các học phần thực hành, thí nghiệm và đồ án tốt nghiệp. Theo thông báo, trường đang lên các phương án kỹ càng cho việc dạy học trực tiếp.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là cơ sở đào tạo đầu tiên ở Hà Nội có động thái sẵn sàng đón sinh viên trở lại học tập trung. PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường, dẫn đầu tổ kiểm tra cơ sở vật chất của trường để chuẩn bị cho việc này.

Tuy nhiên, dù sốt sắng chuẩn bị cho việc mở cửa trường trở lại, nhưng khi bắt tay triển khai thì gặp khó khăn do chưa thể đăng ký tiêm vắc xin cho sinh viên ngoại tỉnh như mong muốn ban đầu.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)