Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong mùa tuyển sinh năm 2020 nhiều trường ĐH công lập tại TP.HCM đã tăng cường các chương trình đào tạo quốc tế, đa dạng hóa các chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) để thu hút HS có nhu cầu du học.
HS lớp 12, Trường THPT Nguyễn Du đặt câu hỏi với chuyên gia về việc du học tại chỗ
Nhu cầu dịch chuyển
Trước tác động của dịch Covid-19, nhu cầu du học của HS khối 12 cũng bị ảnh hưởng. Lo ngại dịch bệnh, thí sinh và phụ huynh chuyển sang tìm kiếm các chương trình du học trong nước vừa có chi phí vừa phải, vừa đảm bảo an toàn.
Có dự định du học Mỹ, Minh Anh (HS lớp 12, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) đã trang bị học tiếng Anh từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do dịch bệnh, cô bạn cho biết, bản thân và gia đình đang cân nhắc về quyết định du học nước ngoài. “Em và gia đình đang tìm các chương trình du học tại chỗ theo hình thức đào tạo liên kết quốc tế hay chương trình quốc tế của các trường ĐH uy tín. Điều băn khoăn nhất là các chương trình đào tạo này có đào tạo những ngành học đặc thù hay không”. Nguyễn Mỹ Linh (HS lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) cũng đang “ngắm” đến việc du học trong nước thông qua các hình thức đào tạo quốc tế. Theo Mỹ Linh, hiện tại việc đảm bảo an toàn vẫn là trên hết. “Em thấy các trường ĐH có chương trình đào tạo 2+2, học 2 năm tại Việt Nam và 2 năm ở nước ngoài. Như vậy, vừa sẽ an toàn mà bản thân vừa trang bị được thêm vốn ngoại ngữ, văn hóa bản địa và chi phí thấp”.
Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) cho biết, hàng năm con số HS lớp 12 của trường có nhu cầu du học là rất lớn. Trong năm nay, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số các em có xu hướng tìm kiếm các trường ĐH uy tín trong nước để theo học các chương trình quốc tế. Căn cứ vào nhu cầu đó, nhà trường cũng hướng việc tư vấn hướng nghiệp cho HS theo mong muốn này. “Các chương trình liên kết quốc tế thường có yêu cầu tiếng Anh cao. Thời điểm này, HS có nhu cầu theo học các chương trình quốc tế các em nên dành nhiều thời gian để rèn luyện khả năng tiếng Anh. Đồng thời, việc tìm kiếm môi trường học tập nào phù hợp các em cũng cần phải cân nhắc dựa vào mong muốn theo học ngành nghề của chính mình”.
Đa dạng các hình thức đào tạo
Nắm bắt được nhu cầu dịch chuyển, bên cạnh các trường ĐH dân lập, quốc tế, nhiều trường ĐH công lập tại TP.HCM cũng đã tăng cường các chương trình đào tạo quốc tế, chương trình CLC, bằng việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo, các ngành đào tạo, tạo điều kiện cho người học tiếp cận nhu cầu học mong muốn và khả năng.
Năm 2020, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tiếp tục tuyển sinh 180 chỉ tiêu cho 3 chương trình liên kết đào tạo 2+2 với Trường ĐH Mỹ Hòa – Đài Loan ở các chuyên ngành quản trị kinh doanh, khoa học và công nghệ sinh học, dinh dưỡng và công nghệ thực phẩm. ThS. Phạm Nguyễn Huy Phương (Phó Trưởng khoa CNTT nhà trường) cho hay, với chương trình này, sinh viên sẽ được học 100% bằng tiếng Anh ngay cả 2 năm đầu học tại Việt Nam. “Nếu sinh viên chưa đảm bảo tiếng Anh để theo học chương trình thì nhà trường sẽ sắp xếp bổ trợ ngôn ngữ tiếng Anh cho các em trước khi bắt đầu học chuyên ngành”.
Tương tự, mùa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng tăng chỉ tiêu các hình thức đào tạo quốc tế theo hình thức song bằng ở 2 ngành: quản trị kinh doanh; bảo hiểm – tài chính – ngân hàng. ThS. Lương Thị Thu Thủy (Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, ĐH Ngân hàng TP.HCM) thông tin, chương trình được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sinh viên sẽ học tại Việt Nam, giai đoạn 2 sẽ học tại ĐH đối tác ở các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Thụy Sĩ, Malaysia, Indonesia… “Theo học chương trình này sẽ mang lại nhiều lợi thế cho người học như mức học phí vừa phải trong một chương trình quốc tế, vừa học tập vừa tích lũy vốn tiếng Anh và tìm hiểu văn hóa bản địa, tránh cú sốc về văn hóa khi tiếp cận trực tiếp với các nền văn hóa này”. Một ưu thế nữa của chương trình quốc tế là khi ra trường, sinh viên sẽ được nhận 2 bằng ĐH: ĐH trong nước và ĐH quốc tế, theo ThS. Thủy, đây cũng là thế mạnh để sinh viên cạnh tranh tìm kiếm những cơ hội việc làm cả trong và ngoài nước song yêu cầu đầu vào thí sinh sẽ phải đạt tiêu chí về tiếng Anh do nhà trường quy định.
Ngoài các hình thức liên kết quốc tế, các chương trình CLC cũng được nhiều trường ĐH “chăm chút” tuyển sinh cho năm học tới. Bà Phạm Võ Thảo Liên (Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho hay, chương trình CLC sẽ đẩy mạnh giảng dạy ngoại ngữ, chú trọng tăng cường trang bị các kỹ năng ngoại ngữ cho người học. “Không phải là du học tại chỗ nhưng chương trình CLC cũng là một kênh để thí sinh tham khảo trong bối cảnh hiện tại. Việc tăng cường thời lượng tiếp xúc với ngoại ngữ cũng sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên”.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM lại đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bao gồm cả chương trình liên kết quốc tế, chương trình CLC. Riêng trong chương trình liên kết quốc tế, nhà trường mở ra 24 chương trình ở nhiều ngành đào tạo khác nhau. “Bằng sự đa dạng các hình thức đào tạo CLC, liên kết quốc tế sẽ tạo điều kiện cho HS lựa chọn chương trình học phù hợp nhất với mình. Với nhu cầu dịch chuyển du học trong nước ngày càng tăng, đây cũng là cơ hội để các trường ĐH công lập trong nước nâng cao chất lượng đào tạo, mở ra liên kết quốc tế để cạnh tranh và thu hút người học”, TS. Trần Thanh Thưởng (Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)