Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các trường ĐH, CĐ: Không cho tuyển sinh nếu chưa đảm bảo chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Bá Giao

Vừa qua, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã thanh tra một số trường ĐH, CĐ hậu tuyển sinh. Trong số 55 trường được thanh tra, có 8 trường vi phạm quy chế 33 và 23 trường vượt chỉ tiêu. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bá Giao, Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT về hướng xử lý các trường này.

PV: Thưa ông, trong thời gian vừa qua, thanh tra Bộ GD-ĐT đã đi thanh tra một số trường ĐH, CĐ “hậu” tuyển sinh và đã phát hiện một số sai phạm. Xin ông cho biết hướng giải quyết của Bộ về các sai phạm này?
Ông Trần Bá Giao: Với những sai phạm đã bị phát hiện, Thanh tra Bộ đã đề xuất với lãnh đạo Bộ cùng các vụ chức năng hướng xử lý giải quyết như sau: chấn chỉnh các trường không vi phạm. Bổ sung vào quy chế tuyển sinh cho thật chặt chẽ. Ví dụ như quy chế 33 khống chế điểm như thế nào để đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường. Xử lý đối với các trường vượt chỉ tiêu sẽ xử phạt hành chính theo Nghị định 49, nhất là đối với những trường lặp lại vi phạm. Đồng thời, áp dụng trừ chỉ tiêu đối với mùa tuyển sinh năm sau. Bộ xem xét khả năng giao chỉ tiêu tuyển sinh trong 3-4 năm theo thời gian của 1 khóa học để các trường chủ động điều chỉnh số lượng hàng năm vừa đảm bảo quy mô đào tạo, phù hợp với khả năng đội ngũ và cơ sở vật chất của trường, vừa khắc phục tình trạng tỷ lệ ảo cao dẫn đến khó dự đoán lượng thí sinh nhập học hàng năm….
Việc các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu là một thực tế. Các trường mong muốn phát triển và đồng thời với nó là chạy theo số lượng. Nếu cứ theo như cách “tăng trưởng nóng” kiểu này, các trường sẽ mất uy tín dẫn đến tình trạng thí sinh vào trường sẽ giảm. Việc giữ vững chất lượng qua từng năm chắc chắn các trường sẽ thu hút được thí sinh.
trường vượt chỉ tiêu hơn 20% gồm: Trường CĐ Bách khoa Hưng Yên (vượt 25%), CĐ Đức Trí, Đà Nẵng (vượt 27%), CĐ Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp (vượt 39.75%). CĐ Bách Nghệ Tây Hà (vượt 51.2%), ĐH Hùng Vương (vượt 268.33%), ĐH Mở TPHCM hệ CĐ (vượt 235%).
Đối với những trường vi phạm quy chế 33, tuyển sinh với số điểm rất thấp, vậy những sinh viên đã vào trường sẽ “giải quyết” ra sao thưa ông?
– Hướng của Bộ là các trường phải đảm bảo chất lượng. Nếu không, các trường phải cho xuống bậc học tương ứng với điểm số và trình độ của sinh viên đó. Các trường phải tự chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Thế còn đối với những trường tuyển vượt chỉ tiêu, làm thế nào để chắc chắn rằng cơ sở vật chất của trường đảm bảo, thưa ông?
– Những trường tuyển vượt chỉ tiêu thì trách nhiệm phải đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện học tập cho sinh viên. Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra những trường này. Tùy theo tình hình thực tế, các trường đảm bảo quyền lợi cho người học như có thể phải thuê giảng đường, thuê giảng viên về giảng dạy. Lỗi không phải tại sinh viên mà là tại các trường. Nhưng nếu sinh viên không đảm bảo điều kiện đầu vào thì sinh viên sẽ phải chịu trách nhiệm.
Nếu trong năm học tới, tình trạng các trường vi phạm quy chế thi vẫn tái diễn thì Bộ sẽ tính sao?
– Trong những năm gần đây, báo chí, dư luận xã hội đều có những theo dõi sát sao đối với hoạt động tuyển sinh của các trường. Những năm sau này, theo tôi, vấn đề vi phạm sẽ giảm đi. Trường nào còn cố tình vi phạm chắc chắn sẽ rất mất thương hiệu.
Nếu có những trường không đảm bảo chất lượng đào tạo và vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu, Bộ có “đóng cửa” những trường này không?
– Việc đóng cửa một trường ĐH tuy đã có trong luật nhưng chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Liệu có trường nào dũng cảm đứng lên tự nhận mình là kém chất lượng? Những trường chúng tôi thấy chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng thì không nên cho tuyển sinh.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

 

Bình luận (0)