Sự kiện giáo dụcTin tức

Các trường ĐH, CĐ ở ĐBSCL: Đào tạo manh mún, nhân lực thiếu – thừa

Tạp Chí Giáo Dục

Trường ĐH Cần Thơ nơi đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL

Có thể nói, so với mặt bằng chung thì ngành GD-ĐT ở ĐBSCL là vùng trũng của cả nước, chất lượng giáo dục đào tạo yếu kém, nhất là ở bậc học cao. Những năm gần đây, ĐBSCL có hàng loạt trường ĐH, CĐ được thành lập nhưng hoạt động riêng lẻ, thiếu sự gắn kết.
Thiếu liên kết
Tại cuộc họp thảo luận về hợp tác, xây dựng mạng lưới các trường ĐH, CĐvùng ĐBSCL do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp cùng ĐHQG TP.HCM tại TP. Cần Thơ tổ chức vào ngày 31-12-2009 đã được nhiều sở, ngành chức năng rất quan tâm.
Hơn 9 năm trước, ĐBSCL chỉ có duy nhất Trường ĐH Cần Thơ thì hiện nay toàn vùng có 11 trường ĐH, 1 phân hiệu của Trường ĐH Thủy sản Nha Trang đặt tại tỉnh Kiên Giang và 27 trường CĐ. Tuy nhiên, ngoài Trường ĐH Cần Thơ có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cơ hữu, các trường còn lại hầu hết đều gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do chưa có sự liên kết chặt chẽ nên hầu như các chương trình đào tạo của các trường đều giống nhau mà không tạo ra được một thế mạnh riêng của từng trường. Chính vì vậy, tại đây đã xảy ra tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa nguồn nhân lực. Chẳng những thế, do ồ ạt tuyển sinh những ngành chồng chéo nhau mà không có đủ lực lượng giảng viên cần thiết nên các trường phải thỉnh giảng. Cùng lúc được nhiều trường thỉnh giảng nên một số giảng viên chất lượng giảng dạy không đảm bảo là điều không tránh khỏi. Vì vậy, dù có nhiều trường ĐH, CĐnhưng bình quân tỷ lệ sinh viên của ĐBSCL chỉ đạt 85 sinh viên/1 vạn dân (tỷ lệ thấp nhất cả nước).
Đẩy mạnh liên kết đào tạo
Trước thực trạng trên, đề án xây dựng mạng lưới các trường ĐH, CĐ vùng ĐBSCL do ĐHQG TP.HCM triển khai nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo các địa phương và các viện, trường trong vùng ĐBSCL. Với phương châm “chung sức vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL”, đề án sẽ góp phần thúc đẩy ĐBSCL phát triển kinh tế xã hội thông qua nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao trình độ và phát triển nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL. Theo đề án, sẽ có 3 trục liên kết chiến lược giữa ĐHQG TP.HCM và các trường ĐH, CĐ trong vùng ĐBSCL. Trong đó, trục ĐHQG TP.HCM và Trường ĐH Tiền Giang nhằm liên kết các vấn đề như: nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thí điểm liên thông… Trục ĐHQG TP.HCM với Trường ĐH Cần Thơ nhằm đào tạo năng lực quản lý ĐH, CĐ vùng nam sông Hậu và nâng cao năng lực về các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Trục ĐHQG TP.HCM – ĐH Cần Thơ – ĐH An Giang sẽ tổ chức liên kết về tài nguyên môi trường (kể cả rừng ngập mặn, rừng tràm…) cho vùng bán đảo Cà Mau, Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp. Ngoài ra, các đơn vị còn có nhiệm vụ xây dựng các đề tài nghiên cứu và đào tạo khác cho vùng…
Đề án xây dựng mạng lưới các trường ĐH và CĐ vùng ĐBSCL tập trung vào nâng cao năng lực quản lý, trình độ tiếng Anh bằng hình thức đào tạo tại chỗ hoặc đào tạo từ xa với sự hỗ trợ của mạng internet. Đồng thời đề án cũng có chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho các trường thành viên. Bên cạnh đó, các trường cũng sẽ chia sẻ nguồn học liệu, tạo điều kiện liên thông cho sinh viên xuất sắc và mở thêm cơ hội nối kết với các trường ĐH, CĐ nước ngoài. Tiến sĩ Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang chia sẻ: “Đề án này sẽ mở ra cơ hội cho những sinh viên xuất sắc của Trường ĐH Tiền Giang nói riêng và các trường trong vùng có thể theo học liên thông tại ĐHQG TP.HCM”.
Các đại biểu đã thống nhất với đề án nhằm xây dựng mạng lưới các trường ĐH, CĐ vùng ĐBSCL. Ông Tô Minh Giới, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng để đề án đi vào hoạt động hiệu quả, Ban chủ nhiệm cần xây dựng một kế hoạch cụ thể, chi tiết nhiệm vụ từng thành viên. Các đại biểu cũng đã thống nhất Ban chỉ đạo Tây Nam bộ là đơn vị chủ trì hợp tác, UBND các tỉnh, thành là đơn vị phối hợp thực hiện; ĐHQG TP.HCM là đơn vị thực hiện đề án, các trường ĐH, CĐ là thành viên…
Bảo Ngọc
Dự kiến cuối tháng 1-2010 sẽ ký kết hợp tác thành lập mạng lưới các trường ĐH, CĐ vùng ĐBSCL và triển khai thực hiện những chương trình trong năm 2010 nhằm phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Bình luận (0)